Thế giới sẽ lạc hậu hàng thập kỷ nếu xảy ra một vụ nổ hạt nhân ngoài không gian

Thế giới sẽ lạc hậu hàng thập kỷ nếu xảy ra một vụ nổ hạt nhân ngoài không gian

Một vụ nổ hạt nhân ngoài không gian sẽ xóa sổ bộ phận lớn cơ sở hạ tầng vệ tinh toàn cầu, tạo ra đám mây rác vũ trụ, làm đồng hồ quay ngược hàng thập kỷ về mặt công nghệ so với ngày nay.

Hàng nghìn vệ tinh đang hoạt động tại quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. (Nguồn: Viện Công nghệ Massachusetts)
Hàng nghìn vệ tinh đang hoạt động tại quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. (Nguồn: Viện Công nghệ Massachusetts)

Vào tháng 2/2022, Nga đã phóng một vệ tinh có tên Cosmos 2553 với tuyên bố nhằm nghiên cứu tác động của bức xạ vũ trụ đối với các thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2024, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner tiết lộ Mỹ lo ngại Nga sử dụng vệ tinh Cosmos 2553 để tiến hành các cuộc thử nghiệm có thể dẫn đến việc triển khai vũ khí hạt nhân vào quỹ đạo không gian.

Các quan chức Mỹ cảnh báo chưa có loại vũ khí nào như vậy được triển khai ngoài không gian nhưng điều này không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa.

Vậy một vụ nổ hạt nhân trong không gian sẽ như thế nào và mức độ phá hủy sẽ ra sao?

Các vệ tinh ngoài cùng nằm trong quỹ đạo địa không đồng bộ với vòng quay của Trái Đất hoạt động ở độ cao khoảng 35.400km. Các vệ tinh này thường có chức năng truyền phát sóng truyền hình, phát thanh, thông tin liên lạc và dự báo thời tiết.

Ở tầng thấp hơn là phạm vi hoạt động của hàng nghìn vệ tinh - từ hệ thống phát sóng internet Starlink của tỷ phú Elon Musk đến các vệ tinh do thám và giám sát. Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cũng hoạt động ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, cách bề mặt hành tinh khoảng 418km.

Trong khi đó, vệ tinh Cosmos 2553 bí ẩn, quay quanh Trái Đất ở độ cao hơn 1.930km - một quỹ đạo chỉ được chia sẻ với 10 vệ tinh khác, tất cả đều đã ngừng hoạt động từ lâu.

vu khi hat nhan khong gian 1.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu khi đến thăm sân bay vũ trụ Vostochny ngày 12/4/2022. (Ảnh: Sputnik)

Các quan chức Nhà Trắng cho biết họ tin rằng Cosmos 2553 được thiết kế để thử nghiệm các thành phần của “khả năng chống vệ tinh,” có khả năng gây ra một vụ nổ hạt nhân trong không gian.

Tuy nhiên, đây không phải là điều không có khả năng xảy ra khi trước đó, từ năm 1958 đến năm 1962, Mỹ và Liên Xô cũ đã tiến hành hơn chục cuộc thử nghiệm hạt nhân ngoài không gian.

Năm 1962, trong một cuộc thử nghiệm có tên gọi Starfish Prime, Mỹ đã kích nổ quả bom hạt nhân với sức công phá 1,4 megaton trong không gian - mạnh gấp 100 lần quả bom hạt nhân mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Được phóng bằng tên lửa từ đảo Johnston, một lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ nằm giữa Quần đảo Marshall và Hawaii, quả bom phát nổ ở độ cao hơn 400km phía trên bề mặt Trái Đất - xung quanh độ cao trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp của hầu hết các vệ tinh hiện đại.

Vụ nổ này không phải là lần đầu tiên hoặc lần cuối cùng Mỹ và Liên Xô thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong không gian, nhưng đây là vụ nổ có tác động mạnh nhất.

Vụ nổ đã tạo ra một đợt sóng điện từ trên Thái Bình Dương, đánh sập khoảng 300 đèn đường trên đảo Oahu và phá hủy hoặc làm hư hại khoảng một phần ba trong tổng số 24 vệ tinh đang quay trên quỹ đạo vào thời điểm đó.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận hiện tượng bùng nổ “dữ dội” của vụ nổ đã chiếu sáng “một khu vực rất rộng lớn ở Thái Bình Dương.”

vu khi hat nhan khong gian 2.jpg
Quang cảnh vụ thử hạt nhân ở quỹ đạo cao Starfish Prime ngày 9/7/1962. (Nguồn: Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos)

Ngày nay, quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất đông đúc hơn rất nhiều, với hàng nghìn vệ tinh liên lạc, quan sát và khoa học hỗ trợ cuộc sống hiện đại.

Một vụ nổ hạt nhân trong không gian sẽ gây ra thiệt hại nặng nề, với vụ nổ có khả năng phá hủy hoặc làm ngưng trệ dịch vụ internet đến hệ thống quân sự cảnh báo sớm theo dõi các vụ phóng tên lửa của cả Mỹ và các đối thủ của nước này.

Hàng trăm vệ tinh có thể mất khả năng điều chỉnh vị trí, khiến chúng nghiêng và va chạm vào nhau. Điều đó có thể tạo ra các mảnh vụn di chuyển với tốc độ hơn 16.000 km/h, đâm vào hàng nghìn vệ tinh khác và tạo ra hiệu ứng phản ứng dây chuyền được gọi là Hội chứng Kessler.

Một số mảnh vụn sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển, nhưng trong trường hợp xấu nhất, Trái Đất sẽ bị bao phủ trong một đám mây rác vũ trụ, làm đồng hồ quay ngược hàng thập kỷ về mặt công nghệ so với ngày nay và khiến con người không thể thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ.

Grant Tremblay, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian và là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiên văn Mỹ, cảnh báo: “Với sức công phá cao hơn và với quỹ đạo Trái Đất tầm thấp đông đúc hơn so với những năm 1960, một vụ nổ hạt nhân ngoài không gian sẽ có sức tàn phá hoàn toàn, xóa sổ một bộ phận lớn cơ sở hạ tầng vệ tinh toàn cầu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục