Thế giới nhiều khả năng đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm 2023

Theo kết quả khảo sát của WEF công bố ngày 16/1, khoảng 67% các nhà kinh tế trưởng trong khu vực công và tư nhân tin rằng kinh tế thế giới sẽ đối mặt với suy thoái trong năm 2023.
Thế giới nhiều khả năng đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm 2023 ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại trạm OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu ở Werne, Đức. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 16/1, khoảng 67% các nhà kinh tế trưởng trong khu vực công và tư nhân tin rằng kinh tế thế giới sẽ đối mặt với suy thoái trong năm 2023.

Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi nhận định lạm phát cao, tăng trưởng thấp, nợ cao, môi trường phân mảnh nghiêm trọng đã giảm bớt động lực đầu tư để phục hồi tăng trưởng và nâng mức sống cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Cuộc khảo sát dựa trên 22 phản hồi từ một nhóm các chuyên gia kinh tế cấp cao của các thể chế quốc tế bao gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các ngân hàng đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia và tái bảo hiểm.

[WEF 2023 - đặt nền móng cho một thế giới bền vững, tự cường hơn]

Kết quả khảo sát được công bố sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) tuần trước hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống gần mức suy thoái đối với nhiều quốc gia do ảnh hưởng các đợt tăng lãi suất mạnh của các ngân hàng trung ương, cuộc xung đột tại Ukraine và các động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm.

Về lạm phát, số người dự đoán lạm phát cao tại Trung Quốc và châu Âu trong năm 2023 lần lượt chiếm 5% và 57%. Có tới 59% số người được hỏi tin rằng châu Âu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi có 55% cho rằng Mỹ sẽ có động thái tương tự.

Khoảng 90% số người được hỏi dự báo các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhu cầu suy yếu và chi phí vay nợ tăng cao, với hơn 60% nhận định nguyên nhân là do chi phí đầu vào cao hơn. Những thách thức này sẽ khiến các công ty đa quốc gia giảm chi phí bằng cách cắt giảm chi phí điều hành và sa thải nhân sự.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng được cho là sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có khả năng gần chạm đỉnh với 68% số người được hỏi cho rằng đến cuối năm 2023, cuộc khủng hoảng này sẽ trở nên ít trầm trọng hơn. 

Kết quả khảo sát được công bố trong bối cảnh hơn 2.700 nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và tài chính quy tụ tại Hội nghị thường niên lần thứ 53 của WEF ở Davos (Thụy Sĩ) để thảo luận về thế giới ngày nay và tương lai với nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra đòi hỏi phải có những hành động tập thể táo bạo.

Chương trình của WEF năm nay tập trung vào các giải pháp và hợp tác công - tư để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới. WEF Davos 2023 khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác với nhau trong các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu và tự nhiên; đầu tư, thương mại và cơ sở hạ tầng; công nghệ tiên tiến và khả năng phục hồi; việc làm, kỹ năng và sức khỏe; và hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục