Trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka (Nhật Bản), trang tin The Conversation (Australia) ngày 27/6 đăng bài viết của giáo sư Tony Walker, thuộc Đại học La Trobe, trong đó đánh giá về ảnh hưởng của cuộc gặp Trump-Tập đối với nền kinh tế toàn cầu.
Sự trỗi dậy và sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc - đôi khi là sự hiếu chiến - đối với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang là sự kiện gây xáo trộn nhất trong lịch sử kinh tế và địa chính trị thế giới kể từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
Cuộc gặp được đề xuất giữa Tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản sẽ diễn ra như một trong những cuộc gặp gỡ quan trọng nhất giữa các nhà lãnh đạo của các siêu cường trên thế giới kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trước khi Hội nghị G20 diễn ra, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại, trong đó hai ông đều thể hiện mong muốn đạt được một sự thỏa hiệp để giảm bớt căng thẳng đang ảnh hưởng không chỉ nền kinh tế của hai nước mà cả toàn thế giới.
Ông Trump cho rằng phía Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động thao túng đồng nhân dân tệ nhằm giúp xuất khẩu của Trung Quốc có tính cạnh tranh hơn; thực hiện các hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ; phân biệt đối xử chống lại các công ty Mỹ đang tìm cách kinh doanh tại Trung Quốc; và sử dụng các công ty lớn như Huawei để do thám các nước phương Tây.
[Giới chuyên gia lạc quan về triển vọng Mỹ-Trung nối lại đàm phán]
Chính quyền Trump tuyên bố mục tiêu là khắc phục khoảng cách thương mại lớn giữa hai nước. Việc áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc là cách mà ông Trump thực hiện suốt thời gian qua. Mỹ đã áp mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Trump còn đe dọa sẽ mở rộng các hình phạt thuế quan lên lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD khác nếu cuộc gặp giữa hai ông không đạt kết quả tại Hội nghị G20. Đáp lại, phía Trung Quốc cũng đã trả đũa bằng cách áp thuế quan riêng đối với hàng nhập khẩu của Mỹ.
Nếu ông Trump và ông Tập không thể sớm đạt được những thỏa thuận hay ít nhất cho phép các quan chức tương mại hai nước quay trở lại bàn đàm phán, thì cuộc chiến thương mại hiện nay có thể trở nên cực kỳ căng thẳng với những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trước thềm Hội nghị G20, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nhà lãnh đạo G20 đã liên tục kêu gọi cả Mỹ và Trung Quốc có cách tiếp cận mang tính hòa hoãn để tránh gây ảnh hưởng hơn nữa cho môi trường thương mại toàn cầu.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại mới đây, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng kêu gọi Washington và Bắc Kinh cần có sự thỏa hiệp về những khác biệt giữa hai quốc gia và sớm có thể chấm dứt cuộc chiến hiện tại. Australia là đồng minh thân cận với Mỹ đồng thời cũng sở hữu đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Australia đang ở vào vị thế bị ràng buộc giữa đối tác bảo đảm an ninh và đối tác kinh tế chính của mình.
Các nhà lãnh đạo G20 đều cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, đe dọa đến sự ổn định toàn cầu. Nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, một phần do những bất ổn xung quanh mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, bên cạnh tác động bởi cuộc chiến đang chực chờ xảy ra tại Trung Đông, một huyết mạch dầu mỏ của thế giới.
Và có lẽ vấn đề nghiêm trọng nhất trong tất cả là sự giảm sút vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ tiếp tục triển khai tư duy “nước Mỹ trên hết,” khiến Washington không còn thể hiện được vai trò là một kiến trúc sư của thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính quyền Trump đang tự giảm bớt tầm ảnh hưởng trong các tổ chức có tính toàn cầu như Liên hợp quốc (LHQ), WB, IMF, WTO, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Lãnh đạo các nền kinh tế G20 đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay. G20 bao gồm 19 quốc gia riêng lẻ cộng với Liên minh châu Âu (EU), chiếm tới 90% GDP toàn cầu, 80% thương mại thế giới và hai phần ba dân số thế giới.
Như thường lệ, tại các sự kiện này, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào các chương trình nghị sự mà quan trọng nhất là thúc đẩy tăng trưởng, thương mại và đầu tư toàn cầu. Điều này đi ngược với bối cảnh hiện tại khi tăng trưởng toàn cầu dự kiến chậm lại ở mức 3,3% trong năm nay, so với mức dự báo tăng trước đó là 3,5%.
IMF dự đoán tăng trưởng sẽ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào việc có hay không một giải pháp giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Hội nghị G20 năm 2008 cũng diễn ra trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến hệ thống tài chính quốc tế có nguy cơ sụp đổ. Lãnh đạo các nền kinh tế G20 đã gặp nhau tại Washington và đưa ra các biện pháp nhằm xây dựng lòng tin giúp ổn định lại nền kinh tế toàn cầu trước áp lực lớn của cuộc khủng hoảng.
Một yếu tố quan trọng giúp Hội nghị G20 năm đó thành công là quyết tâm từ chối chủ nghĩa bảo hộ và không áp đặt các rào cản mới đối với đầu tư hoặc kinh doanh hàng hóa và dịch vụ không phù hợp với các nguyên tắc của WTO.
Hội nghị năm nay được kỳ vọng sẽ đạt được những thành tựu như Hội nghị năm 2008 nhưng đòi hỏi Mỹ cần chứng tỏ được vai trò lãnh đạo của mình đồng thời đặt ưu tiên toàn cầu lên trên hết./.