Thế giới mất 8 tỷ USD mỗi ngày do ô nhiễm từ đốt nhiên liệu hóa thạch

Ô nhiễm không khí toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ gây tổn thất 8 tỷ USD mỗi ngày, nhiều hơn 3% giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra hàng ngày.
Thế giới mất 8 tỷ USD mỗi ngày do ô nhiễm từ đốt nhiên liệu hóa thạch ảnh 1Một nhà máy lọc dầu ở Corpus Christi, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nghiên cứu mới đây của tổ chức môi trường toàn cầu Greenpeace Southeast Asia, có trụ sở tại Jakarta (Indonesia), cho thấy ô nhiễm không khí toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ gây tổn thất 8 tỷ USD mỗi ngày, nhiều hơn 3% giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra hàng ngày.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than đá, dầu và khí đốt, là nguyên nhân dẫn tới khoảng 4,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, nhiều gấp ba lần số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ.

Các hành động kêu gọi giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã nổi lên trên toàn thế giới kể từ khi gần như tất cả các quốc gia đồng thuận chung tay giải quyết vấn đề Trái Đất ấm lên vào năm 2015 thông qua nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ và tàn phá thiên nhiên, vốn được cho là nguyên nhân dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, cháy rừng, và kết quả là gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

[Thế giới đã chi 2.900 tỷ USD cho vấn đề ô nhiễm không khí năm 2018]

Nghiên cứu của Greenpeace cho hay phí tổn về mặt kinh tế từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và gây ô nhiễm không khí là khoảng 2.900 tỷ USD/năm, tương đương 3,3% GDP toàn cầu.

Cũng theo tổ chức này, ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch gây ra được xem là nguyên nhân dẫn tới 1,8 tỷ ngày nghỉ việc của người ao động trên toàn cầu mỗi năm, gây thiệt hại kinh tế khoảng 101 tỷ USD.

Theo ước tính của nghiên cứu trên, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về kinh tế từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không khí lần lượt là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, với các mức tổn thất lần lượt là 900 tỷ USD, 600 tỷ USD và 150 tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo năm 2019 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy mức tăng nhiệt đô dự kiến 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này có thể khiến số giờ làm việc giảm 2,2% vào năm 2030 - tương đương với khoảng 80 triệu việc làm toàn thời gian. Điều này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2.400 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục