“Thế giới đối mặt thách thức phức tạp về nhân quyền”

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ thế giới vẫn phải đối mặt với thách thức ngày càng phức tạp, khó lường về nhân quyền.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, nêu rõ mặc dù nhân quyền đã trở thành một ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế, nhưng thế giới vẫn phải đối mặt với các thách thức ngày càng phức tạp, khó lường về nhân quyền.

Ttrong phiên họp cấp cao khóa họp lần thứ 22 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva ngày 25/2, Bộ trưởng khẳng định điều này càng rõ nét trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tiếp tục tác động mạnh đến việc đảm bảo nhân quyền tại hầu hết các nước; tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, thiếu lương thực, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… tiếp tục nan giải, mà nạn nhân trước tiên là phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật và người di cư.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu bật ý nghĩa đặc biệt của Phiên họp cấp cao Hội đồng nhân quyền năm nay khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 20 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienne về nhân quyền.

Bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về các bất ổn về chính trị, nội chiến, xung đột sắc tộc, nhất là tình trạng bạo lực gia tăng ở nhiều nơi đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với việc đảm bảo quyền của người dân; kêu gọi tìm kiếm các giải pháp chính trị để chấm dứt bạo lực, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm hàng đầu về bảo vệ nhân quyền thuộc về các quốc gia liên quan.

Trong 7 năm qua, Hội đồng Nhân quyền đã có những đóng góp thiết thực hơn vào việc bảo vệ nhân quyền trên thế giới so với Ủy ban Nhân quyền trước đây.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hội đồng cần tăng cường hiệu quả hoạt động để đối phó với các thách thức nhiều mặt về nhân quyền mà dư luận đang hết sức quan tâm.

[Việt Nam dự khóa họp 22 Hội đồng Nhân quyền LHQ]

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Hội đồng Nhân quyền cần phải thực sự trở thành diễn đàn đối thoại và hợp tác, có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng về nhân quyền, tôn trọng các nguyên tắc phổ quát, minh bạch, khách quan, không thiên vị trong mọi hoạt động.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh chính sách nhất quán đảm bảo quyền con người của Nhà nước Việt Nam xuất phát từ nhận thức coi quyền con người là giá trị chung của nhân loại, có gốc rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, từ nguyện vọng thiết tha của người dân Việt Nam từng bị tước bỏ những quyền và tự do cơ bản nhất khi làm người dân của một nước thuộc địa.

Bộ trưởng cũng nêu bật chính sách, luật pháp, thành tựu về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, đặc biệt về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và các quyền cơ bản của người dân trên mọi lĩnh vực, đồng thời khẳng định chính sách tăng cường đóng góp và hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, đặc biệt Đối thoại Nhân quyền với nhiều nước, tham gia hầu hết các công ước quốc tế về nhân quyền, thực hiện tốt Cơ chế Kiểm điểm định kỳ (UPR)…

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng tái khẳng định việc Chính phủ Việt Nam quyết định ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 nhằm đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người.

Khóa họp thường niên lần thứ 22 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc sáng 25/2 tại Geneva và mở đầu là Phiên cấp cao diễn ra trong ba ngày.

76 nước cử Đoàn cấp cao tham dự, trong đó có 1 Tổng thống, 2 Phó Tổng thống, 1 Thủ tướng, 8 Phó Thủ tướng, 43 Bộ trưởng, 3 Quốc vụ khanh và 17 Thứ trưởng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục