Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science ngày 18/5 cho thấy hơn một nửa số hồ chứa nước lớn nhất thế giới đang bị thu hẹp thể tích, dẫn tới nguy cơ mất an ninh nguồn nước trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học của Mỹ, Pháp và Saudi Arabia đã nghiên cứu 1.972 hồ chứa nước lớn nhất trên Trái Đất, sử dụng các dữ liệu quan sát vệ tinh trong khoảng thời gian từ năm 1992-2020.
Họ tập trung vào các vùng nước ngọt lớn vì các vệ tinh đưa ra kết quả chính xác hơn khi quan sát quy mô lớn hơn, cũng như tập trung nghiên cứu tầm quan trọng của những hồ nước này đối với con người và động vật hoang dã.
Các dữ liệu nghiên cứu đã hợp nhất hình ảnh từ Landsat - chương trình quan sát Trái Đất vận hành lâu nhất, với số liệu mực nước hồ thu được từ các vệ tinh nhằm xác định những thay đổi về thể tích hồ trong gần 30 năm.
Kết quả cho thấy 53% số hồ nước trong nghiên cứu bị giảm lượng trữ nước, với tốc độ giảm khoảng 22 gigaton mỗi năm.
Ngoài ra, nghiên cứu cho biết thế giới đã mất đi 603km3 nước, tương đương 17 lần lượng nước ở Hồ Mead - hồ chứa nước lớn nhất nước Mỹ.
[LHQ cảnh báo nguy cơ khủng hoảng do thiếu nước trầm trọng]
Giáo sư Balaji Rajagopalan tại Đại học Colorado Boulder, cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, nêu rõ các hồ nước đang trong tình trạng đáng báo động trên phạm vi toàn cầu và gây ra những tác động sâu rộng. Ông cho biết 25% dân số thế giới, tức là khoảng 2 tỷ người, đang sống trong lưu vực hồ đang có xu hướng giảm lượng nước.
Ông Rajagopalan cho rằng giới khoa học hiện không giám sát chặt chẽ các hồ nước mà thường tập trung nghiên cứu các dòng sông, dù hồ nước cũng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh nguồn nước.
Các thảm họa môi trường nghiêm trọng ở các vùng nước lớn như Biển Caspian hay Biển Aral, cũng báo hiệu một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng các mô hình thống kê kết hợp các xu hướng khí hậu thủy văn để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm cả yếu tố tự nhiên và con người.
Theo ông Rajagopalan, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính và bao trùm tất cả các yếu tố khác. Đối với các hồ nước tự nhiên, phần lớn tổn thất là do sự ấm lên toàn cầu và mức tiêu thụ nước cao của con người. Nhiệt độ tăng khiến nước hồ bốc hơi, nhưng cũng dẫn đến việc giảm lượng mưa ở một số khu vực.
Đồng tác giả Fangfang Yao cho rằng còn nhiều tác động của con người và biến đổi khí hậu vẫn chưa được nghiên cứu, chẳng hạn như sự khô hạn ở hồ Good-e-Zareh ở Afghanistan và hồ Mar Chiquita ở Argentina.
Nghiên cứu còn cho thấy các hồ nước ở cả vùng khô và ẩm ướt trên thế giới đều đang có xu hướng cạn nước dần, không theo mô hình "nơi khô càng khô, nơi ẩm càng ẩm."
Tại các hồ nhiệt đới ẩm ở Amazon hay các hồ Bắc Cực, các tổn thất do sự tích tụ trầm tích gây mất khả năng lưu trữ nước đang có xu hướng lan rộng hơn dự đoán.
Mặc dù hầu hết các hồ nước trên thế giới đang dần cạn kiệt, vẫn có khoảng 25% số lượng hồ ghi nhận sự gia tăng đáng kể lượng nước lưu trữ, đặc biệt ở khu vực Cao nguyên Tây Tạng, nơi sông băng và các tầng đất đóng băng vĩnh cửu đang tan dần, thúc đẩy việc mở rộng hồ trên núi.
Nhà khoa học Hilary Dugan tại Đại học Wisconsin-Madison đánh giá cao tầm quan trọng của nghiên cứu trong việc nâng cao hiểu biết khoa học về sự thay đổi thể tích hồ. Bà Dugan cũng lưu ý nên xem xét và nghiên cứu thêm về nguồn cấp nước từ các hồ chứa nhỏ trong tương lai.
Các hồ chứa nước trên toàn cầu hiện đang lưu trữ khoảng 87% lượng nước ngọt của cả thế giới. Vì vậy, việc phát triển các chiến lược mới nhằm đảm bảo mức tiêu thụ bền vững trong tương lai và giảm thiểu khí hậu là điều cấp thiết./.