Thế giới đến gần hơn mục tiêu kiềm chế việc Trái Đất nóng lên

Nhiều chính phủ cũng như lãnh đạo các tập đoàn trong khu vực tư nhân đã đưa ra cam kết giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thế giới đến gần hơn mục tiêu kiềm chế việc Trái Đất nóng lên ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong chuỗi sự kiện khí hậu kéo dài một tuần tại New York, Mỹ, trước kỳ họp thường niên Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/9, nhiều chính phủ cũng như lãnh đạo các tập đoàn trong khu vực tư nhân đã đưa ra cam kết giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, đưa thế giới đến gần hơn mục tiêu kiềm chế tốc độ và giảm tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều việc cần làm.

Một hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc tại Copenhagen vào năm 2009 đặt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất tăng tối đa không quá 2 độ C so với mốc thời tiền công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng ở mức độ này, biến đổi khí hậu vẫn sẽ gây hạn hán và thảm họa song ở mức tương đối dễ quản lý. Trước đó, Climate Interactive, một nhóm phân tích trụ sở tại Washington, dự báo Trái Đất đang trên đà tăng 4,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Sau khi các nước đưa ra kế hoạch hạn chế khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhóm trên đã giảm mức dự báo trên xuống còn 3,5 độ C, có nghĩa là thế giới chỉ còn 1,5 độ C để đạt mục tiêu của hội nghị tại Copenhagen. Andrew Jones, giám đốc của Climate Interactive, tin rằng 2 độ C là mục tiêu khả thi nếu các nước phát triển tuân thủ kế hoạch giảm phát thải carbon vào năm 2020 và các nước đang phát triển đi theo kế hoạch tương tự sau một thập kỷ.

Theo các phân tích mới, một yếu tố "khổng lồ" trong kế hoạch cắt giảm khí thải là Trung Quốc, hiện là quốc gia với lượng phát thải carbon cao nhất thế giới. Hồi tháng 6, Bắc Kinh đã cam kết sẽ giảm lượng khí thải sau năm 2030. Một số nhân tố chính khác bao gồm Mexico và Brazil, hai nước đã cam kết cắt giảm tuyệt đối khí thải carbon thay vì chỉ giảm phát thải. Ấn Độ hiện là quốc gia duy nhất chưa đệ trình một kế hoạch khí hậu. Phát biểu tại New York, Bộ trưởng Môi trường Prakash Javadekar cho biết New Delhi sẽ công bố chiến lược của mình vào ngày 1/10.

Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama liên tục thúc đẩy một thỏa thuận khí hậu mạnh mẽ nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe Cộng hòa. Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp đang bắt đầu hành động kiên quyết hơn trong vấn đề này.

Climate Group, đơn vị tổ chức sự kiện khí hậu tại New York, cho biết trong một báo cáo công bố ngày 28/9 rằng có 172 công ty lớn, các nước, vùng và thành phố trên toàn thế giới đã cam kết hoặc giảm phát thải khí nhà kính 80-100% hoặc chuyển hoàn toàn sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Đây là một trong những cơ hội cuối cùng để các nước hội đàm cấp cao trước khi hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc khai mạc ngày 30/11 tới tại Paris (Pháp) với mục tiêu đạt được một thỏa thuận toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục