Thế giới đảo lộn, kinh tế chao đảo trong cú sốc COVID-19

Cú sốc không thể lường trước - sự lây lan tới chóng mặt, vượt ra ngoài biên giới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả.
Nhân viên y tế tại bệnh viện Dongsan ở thành phố Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Nhân viên y tế tại bệnh viện Dongsan ở thành phố Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Cuối năm 2019, giới chuyên gia đã dự báo về những gam màu lạc quan trong bức tranh triển vọng thế giới năm 2020: sự thịnh vượng toàn cầu đang tăng lên, các quốc gia đều cải thiện điều kiện sống, xung đột bạo lực giảm bớt...

Thế nhưng, một cú sốc không thể lường trước - sự lây lan tới chóng mặt, vượt ra ngoài biên giới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả.

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được cho xuất phát từ một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Bắc Trung Quốc khoảng đầu tháng 11/2019. Cho đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 170 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 204.000 ca nhiễm và khoảng 8.270 trường hợp tử vong.

Đóng cửa biên giới, phong tỏa các khu vực dân cư...

Cú sốc COVID-19 đã buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu ngày 30/1 vừa qua, sau đó xác nhận đây là đại dịch toàn cầu ngày 11/3.

Trước và sau tuyên bố của WHO, hành loạt quốc gia, từ Philippines, Kazakhstan, Mỹ tới Nam Phi, Tây Ban Nha, Colombia... phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch bệnh.

Đóng cửa biên giới, phong tỏa các khu vực dân cư... chính phủ hàng loạt quốc gia trên thế giới phải tiến hành chính sách hạn chế giao lưu xã hội với mức nghiêm ngặt chưa từng có tiền lệ trong thời bình, nhằm giảm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 và không để hệ thống y tế quốc gia sụp đổ.

Để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo đóng cửa biên giới khối trong vòng 30 ngày, kể từ 12 giờ ngày 17/3, biện pháp vốn đã được hàng loạt quốc gia như Malaysia, Đan Mạch, Hungary... thực hiện.

[Mô hình kinh tế “không tiếp xúc” lên ngôi thời dịch COVID-19]

Trước đó, nhiều quốc gia áp dụng đóng cửa biên giới với các nước láng giềng có dịch, như Nga, Mông Cổ đóng cửa biên giới với Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đóng cửa biên giới với Iran.

Từ biện pháp ban đầu của Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố khi dịch COVID-19 bùng phát, lần lượt Mỹ, Italy, Peru, Saudi Arabia... cũng coi đây như biện pháp chống dịch.

Những biện pháp hạn chế xuất cảnh và nhập cảnh trong vòng 30 ngày thậm chí cũng đã được áp dụng tại các nước chưa từng ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 như El Salvado.

Italy, tâm dịch hiện nay của châu Âu và cả thế giới, chỉ còn những đường phố, các nhà hàng hay điểm du lịch vắng vẻ đến lạ thường sau khi chính phủ “khu vực số 0” bùng phát dịch bệnh ở châu Âu này đêm 9/3 đã ban bố tình trạng cách ly trên toàn bộ đất nước khoảng 60 triệu dân.

Thế giới đảo lộn, kinh tế chao đảo trong cú sốc COVID-19 ảnh 1Italy bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những biện pháp quyết liệt như giới hạn đi lại trên toàn quốc, cấm mọi hoạt động tụ tập đông người, ngừng các trận thi đấu bóng đá, đóng cửa rạp chiếu phim... nhằm đối phó COVID-19 cũng được chính phủ các nước châu Âu khác như Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức hay Áo... đưa ra.

"Truyền thống" ôm hôn nồng nhiệt hoặc bắt tay thân thiện khi gặp gỡ của người dân châu Âu giờ cũng không còn xuất hiện, khi khoảng cách tối thiểu cần giữ trong giao tiếp được khuyến cáo là 1,5-2m, và 1m khi xếp hàng để mua đồ tại siêu thị hoặc các cửa hàng.

Người dân các nước được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết để tránh dịch bệnh lây lan. Tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha, cảnh sát sẽ tuần tra thường xuyên để nhắc nhở những người còn “lang thang ngoài đường” hãy sớm trở về nhà.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn khuyên công dân hạn chế tới thăm cha mẹ già - những người có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao trước virus SARS-CoV-2.

Ở các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman, các thiết bị không người lái được huy động tối đa để giám sát và thường xuyên nhắc nhở người dân trở về nhà, nếu họ lưu lại bên ngoài quá lâu.

Tác động đến tâm lý người dân, ảnh hưởng kinh tế

Những quy định xáo trộn cuộc sống này phần nào tác động đến tâm lý của người dân, tạo nên những dòng người ồ ạt đổ về các siêu thị để mua đồ tích trữ nhiều nhất có thể.

Trên mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh về những kệ hàng trống rỗng - không chỉ đồ ăn, mà kể cả những thứ nhỏ nhất như giấy vệ sinh cũng trở nên khan hiếm. Nhu cầu khẩu trang và nước rửa tay khử trùng cũng vì thế mà tăng vọt.

Tại châu Á, Philippines ngày 17/3 đã trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa thị trường tài chính nhằm ứng phó dịch COVID-19. Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã ra lệnh gần 55 triệu người dân trên đảo chính Luzon, bao gồm thủ đô Manila, không tới công sở và không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 17/3. Tương tự, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu người dân làm việc, học tập và tiến hành cầu nguyện tại nhà. 

Nỗi lo sợ về dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng trượt dốc mang tính lịch sử của thị trường chứng khoán thế giới trong hơn 30 năm qua, mặc dù nhiều biện pháp khẩn cấp đã được ngân hàng trung ương các nước đưa ra để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Các doanh nghiệp trên thế giới - dù ở quy mô lớn hay nhỏ đều chịu tác động đáng kể bởi dịch COVID-19.

Hãng Nissan của Nhật Bản đã đình chỉ hoạt động tại nhà máy Sunderland ở miền Bắc nước Anh - cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng này ở châu Âu, nơi có 7.000 nhân công. Hãng Peugeot-Citroen của Pháp tạm đóng cửa toàn bộ các nhà máy của hãng này ở châu Âu trong bối cảnh dịch bệnh tại đây diễn biến phức tạp. Một số hãng sản xuất ôtô khác như Fiat Chrysler (liên doanh giữa Italy và Mỹ), Renault (Pháp) và Volkswagen (Đức)... cũng đang lên kế hoạch tương tự.

“Người khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ Apple cũng đóng cửa toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẻ bên ngoài Trung Quốc. Các hãng hàng không như Air France (Pháp), Aeroflot (Nga)... thì hướng tới phương án giảm giờ làm cho nhân viên.

Các hãng hàng không Mỹ đồng loạt cắt giảm bay quốc tế. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể khiến các hãng hàng không chở khách thất thu tới 113 tỷ USD trong năm nay. Ngành du lịch thế giới ước tính cũng thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD...

[UEFA chính thức hoãn tổ chức EURO 2020 sang năm 2021]

Khi các trường học tại Campuchia, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Nhật Bản... đóng cửa để phòng dịch bệnh lây lan, nhiều bậc phụ huynh đã bất đắc dĩ kiêm nhiệm cùng lúc 3 nhiệm vụ đi làm, trông con và là gia sư.

Thế giới đảo lộn, kinh tế chao đảo trong cú sốc COVID-19 ảnh 2Euro 2020 và nhiều giải đấu khác bị hoãn vì COVID-19. (Nguồn: Getty Images)

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết ít nhất 56 quốc gia trên thế giới đã phải đóng cửa các trường học trên toàn quốc vì các diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ảnh hưởng đến 516 triệu học sinh. Đây được xem là một tình huống bất thường, khi rất nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng do cùng một vấn đề và trong cùng một khoảng thời gian.

Các hội nghị lớn hay nhỏ trên thế giới giờ đây cũng chuyển sang hình thức trực tuyến. Các cuộc họp Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đều phải hoãn. Hàng loạt chuyến thăm, bao gồm cả chuyến thăm được chuẩn bị từ lâu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản, cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở bang Ohio, Louisiana và Georgia, Mỹ hay vòng đàm phán thương mại Anh-EU hậu Brexit... đều tạm thời hủy bỏ.

Hoãn, hủy hàng loạt sự kiện thể thao-văn hóa

Cũng do COVID-19, một loạt các sự kiện thể thao-văn hóa được mong chờ nhất trong năm như EURO, Copa America, giải đua xe Công thức 1 (F1), lễ hội âm nhạc Coachella (Mỹ) hay lễ hội âm nhạc Glastonbury (Anh)... đã không thể diễn ra theo kế hoạch đã định trong năm 2020, dù vé đã bán hết từ lâu...

Đó là chưa kể tới một loạt các hội chợ quan trọng khác trong các lĩnh vực công nghệ, văn học... cũng đã buộc phải hủy bỏ do lo ngại về dịch bệnh. Triển lãm du lịch ITB Berlin 2020, Hội chợ Sách Leipzig 2020 ở Đức, Triển lãm Ô tô quốc tế Geneva, Hội chợ nội thất Milan (Italy), rồi  các lễ hội Songkran ở Thái Lan, những cái tên đang nối dài chưa có điểm dừng.

Tất cả những thay đổi nhanh chóng và trên quy mô lớn để ứng biến trong mùa dịch đã khiến cho thế giới có một “diện mạo” hoàn toàn khác so với vài tháng trước đây.

Cuộc sống bị đảo lộn đang là câu chuyện thường nhật trên toàn thế giới trong những ngày đại dịch.

Song, trong cú sốc COVID-19, không ít người đang nhắc lại một câu nói của người cha với cậu con trai nhỏ trong bộ phim kinh điển của đạo diễn người Italy Roberto Benigni “La vita è bella” (Cuộc sống tươi đẹp): "nếu chúng ta đều làm tốt, tất cả chúng ta sẽ chiến thắng.”

Khi toàn bộ các bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã đóng cửa, tỉnh Hồ Bắc bắt đầu nới lỏng hạn chế đi lại, nhiều địa danh du lịch ở Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều trường học nơi đây bắt đầu đón học sinh, hơn thế nữa, khi người dân trên thế giới đang chung tay gắng sức đẩy lùi dịch bệnh, đó cũng là lúc những gam màu lạc quan cho năm 2020 bắt đầu hé lộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục