Mỗi ngày, chi phí để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã lên tới 8 tỷ USD, tương đương khoảng 3,3% GDP toàn cầu. Đây là số liệu do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) và Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) khu vực Đông Nam Á công bố ngày 12/2.
Theo báo cáo trên, Trung Quốc đại lục, Mỹ và Ấn Độ là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất do ô nhiễm không khí từ nhiên liệu hóa thạch với ước tính chi phí lần lượt là 900 tỷ USD/năm, 600 tỷ USD/năm và 150 tỷ USD/năm. Tiếp sau đó là Đức - 140 tỷ USD/năm, Nhật Bản - 130 tỷ USD/năm, Nga - 68 tỷ USD/năm và Anh - 66 tỷ USD/năm.
Các hạt bụi mịn sinh ra khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch được cho là nguyên nhân khiến khiến 4,5 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu, trong đó 1,8 triệu ca tại Trung Quốc và 1 triệu ca tại Ấn Độ. Tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) - 398.000 người, Mỹ - 230.000 người, Bangladesh - 96.000 người và Indonesia - 44.000 người.
[Thách thức mới trong cuộc chiến chống ô nhiễm tại Trung Quốc]
Con số này cũng gần tương đương với số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 4,2 triệu người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí gây ra, chủ yếu là bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em.
Đến nay, chất gây ô nhiễm tốn kém nhất là bụi mịn PM 2.5 khi gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD mỗi năm vì chi phí cho sức khỏe con người, nghỉ làm do ô nhiễm không khí và chết sớm. Khoảng 40.000 trẻ em tử vong trước 5 tuổi mỗi năm vì bụi mịn PM 2.5. Đây cũng là tác nhân hàng đầu gây ra 2 triệu ca sinh non hằng năm và làm tăng gấp đôi số người mắc hen suyễn. Các hạt bụi mịn PM 2.5 xâm nhập sâu vào phổi và máu, gây ra các vấn đề về hô hấp, tim mạch. Năm 2013, WHO cũng đã liệt PM 2.5 là tác nhân gây ung thư.
Ông Minwoo Son, chuyên gia thuộc tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) khu vực Đông Nam Á, nhấn mạnh ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch đang là mối đe dọa đối với sức khỏe và kinh tế của các nước trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD. Báo cáo trên cho thấy năm 2018, thế giới đã phải chi 2.900 tỷ USD cho vấn đề ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, ông Minwoo Son cho rằng đây là vấn đề mà con người có thể giải quyết được, bằng cách chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, loại bỏ các phương tiện động cơ diesel và chạy xăng, đồng thời xây dựng hệ thống giao thông công cộng./.