''Thế giới cũ'' thách thức dự định cải cách của Tổng thống Pháp

Hàng loạt chính sách của chính phủ Pháp đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các tầng lớp bình dân, đặc biệt là những cải cách liên quan đến việc làm, tiền trợ cấp, thuế nhà ở.
''Thế giới cũ'' thách thức dự định cải cách của Tổng thống Pháp ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Paris ngày 22/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Làn sóng "Nền cộng hòa Tiến bước" của đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từng "cuốn phăng" Hạ viện cách đây hơn ba tháng, đã bị chặn đứng trước ngưỡng cửa Thượng viện khi chỉ giành được số ghế khiêm tốn trong cuộc bỏ phiếu bầu lại một nửa số ghế Thượng viện ngày 24/9 vừa qua.

Với xuất phát điểm từ nhóm nghị sỹ thành lập ngay sau cuộc bầu cử tổng thống và Hạ viện hồi tháng Sáu, đảng Nền cộng hòa Tiến bước (LREM) hy vọng mở rộng lực lượng trong Thượng viện với mục tiêu giành 40-60 ghế trong số 171 ghế được bầu lại. Thế nhưng, LREM chỉ được 24 ghế, trong khi đảng đối lập chính Những người cộng hòa (LR) thuộc cánh hữu đối lập có được ít nhất 171 ghế thượng viện mới so với 142 ghế trước đây, củng cố vị thế dẫn dầu. Đồng minh truyền thống của LR, đảng trung hữu UDI giành được 54 ghế.

Kết quả thấp hơn nhiều so với mong muốn là thất vọng lớn nhất của đảng cầm quyền và cũng là của cá nhân Tổng thống Macron. Quả thực bầu cử Thượng viện không phải là "cuộc chơi" thuận lợi cho đảng cầm quyền, bởi theo các chuyên gia, đó là nơi “thế giới cũ đã bỏ phiếu cho thế giới cũ," ám chỉ thể thức bầu cử gián tiếp trong đó chỉ có khoảng 95.000 đại cử tri, chủ yếu là ủy viên hội đồng địa phương từ cấp thành phố, quận, hạt cho tới cấp vùng và các nghị sỹ quốc gia, bầu lại một nửa thượng viện.

Nền cộng hòa Tiến bước mới chỉ ra đời từ hơn một năm nay, chưa có nền tảng quyền lực ở các địa phương. Trong thông cáo báo chí phát đi sau khi có kết quả sơ bộ, LREM khẳng định cuộc bầu cử “đương nhiên là thách thức khó khăn cho một phong trào chính trị non trẻ” và kết quả của nó “không phải là sự cân bằng chính trị mới” tại nước Pháp. Họ cũng đổ lỗi cho các đại cử tri “vẫn chưa vượt qua được sự phân chia phe nhóm như người dân Pháp đã làm được trong các cuộc bầu cử tổng thống và Hạ viện mới đây."

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản chất của vấn đề, cục diện mới của Thượng viện phần nào cho thấy phản ứng của giới chính trị Pháp đối với chính quyền của Tổng thống Macron.

Cách đây vài tháng, người ta đặt kỳ vọng nhiều vào nhà lãnh đạo trẻ, đến mức mà chưa cần bầu cử, đảng của ông đã dễ dàng thành lập được nhóm nghị sỹ đầu tiên trong Thượng viện với 29 thành viên, xuất phát từ nhiều đảng phái khác nhau, tức là vượt xa quy định phải có ít nhất 10 nghị sỹ trở lên mới đủ điều kiện thành lập một nhóm nghị sỹ để có tiếng nói và quyền lực lớn hơn trong Quốc hội Pháp. Trước mùa Hè, nhiều dân biểu địa phương xuất thân từ các đảng cánh tả, cánh hữu ôn hòa và trung hữu đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ LREM.

[Pháp công bố kế hoạch dùng ngân sách đầu tư trị giá 57 tỷ euro]

Song, "cú sốc" thực tế mà chính phủ của ông Maron đương đầu quá khắc nghiệt, thậm chí tàn nhẫn. Hàng loạt chính sách của chính phủ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các tầng lớp bình dân, đặc biệt là những cải cách liên quan đến việc làm, tiền trợ cấp, thuế nhà ở.

Đỉnh điểm của căng thẳng là việc Tổng thống Macron hôm 22/9 ký ban hành luật cải cách lao động theo hướng giới hạn quyền lực của các công đoàn, tăng sự linh hoạt cho chế độ tuyển dụng và sa thải nhân công, dẫn tới làn sóng chỉ trích gay gắt của người lao động.

Trong vài ngày qua, đông đảo người dân đã xuống đường tuần hành, các tài xế phong tỏa nhiều đường cao tốc và các trạm nhiên liệu trên khắp nước Pháp để phản đối...

''Thế giới cũ'' thách thức dự định cải cách của Tổng thống Pháp ảnh 2Các tài xế xe tải phong tỏa lối vào nhà máy lọc dầu của hãng Total ở La Mede, miền nam Pháp ngày 25/9 để phản đối luật lao động mới. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông Jean Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp bất khuất cũng đã phát động "cuộc đấu tranh toàn dân," trong đó kêu gọi những người hưu trí tuần hành vào ngày 28/9 và các công chức nhà nước tuần hành vào ngày 10/10 tới.

Bên cạnh đó, dư luận cũng không hài lòng với việc ông Macron sử dụng quá nhiều truyền thông để củng cố ảnh hưởng của mình trong xã hội. Uy tín của Tổng thống Macron có lúc "rơi tự do," xuống thấp kỷ lục so với những người tiền nhiệm của ông trong nền Cộng hòa thứ năm.

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới thất bại của LREM thực ra là những chính sách mới của chính quyền Tổng thống Macron đối với các địa phương. Mấy tuần gần đây, chính phủ đã thông báo một loạt định hướng lớn tác động trực tiếp đến nguồn thu của các địa phương, như bãi bỏ thuế cư trú, cắt giảm khoảng 300 triệu euro trợ cấp, giảm số nhân viên hợp đồng làm việc cho các cơ quan nhà nước địa phương, dự định giảm số dân biểu trong các hội đồng chính quyền cấp cơ sở. Tất cả đang khiến giới đại cử tri, những người chiếm tuyệt đại đa số cử tri đoàn bầu thượng viện, cho rằng đảng LREM không ủng hộ các chính quyền địa phương. Bởi vậy, thất bại của LREM là điều không tránh khỏi.

Một điều an ủi với Tổng thống Macron là việc không mở rộng được thế lực trong Thượng viện thực chất chỉ ảnh hưởng hạn chế đến chính sách của chính phủ, bởi tại Pháp, Hạ viện, hiện do đảng cầm quyền kiểm soát tuyệt đối, mới có tiếng nói cuối cùng trong quá trình soạn và thông qua luật. Phe đối lập trong Thượng viện dù mạnh đến đâu cũng không đủ sức ngăn chặn cỗ máy lập pháp, mà chỉ có thể làm nó quay chậm lại bằng cách kéo dài thời gian xem xét các dự thảo trình lên.

Thách thức thực sự với Tổng thống Macron nằm ở chỗ khác, đó là dự định cải cách Hiến pháp, một trong những cam kết tranh cử quan trọng mà nhà lãnh đạo trẻ muốn thúc đẩy nhanh chóng. Hạn chế số nhiệm kỳ của các dân biểu, cải cách quy trình lập pháp, bãi bỏ tòa án tư pháp quốc gia, cải tổ Hội đồng thẩm phán cấp cao, Hội đồng kinh tế và xã hội, ..., rất nhiều ý tưởng tham vọng đang chờ được khởi động. Trong số đó, việc cấm kiêm nhiệm đồng thời nhiều chức vụ dân cử là đề xuất đụng chạm lớn nhất đến quyền lợi của các dân biểu địa phương, cũng là đại cử tri bầu ra thượng viện.

Nhưng để sửa đổi Hiến pháp mà không cần đưa ra trưng cầu ý dân, Tổng thống Macron phải có sự ủng hộ của ít nhất 3/5 tổng số nghị sỹ, tức 555 thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ cộng lại. Hiện nay, tại Hạ viện ông mới chỉ có nhiều nhất 400 phiếu, tính toàn bộ các nghị sỹ LREM, đảng trung hữu Modem đồng minh và nhóm nghị sỹ ly khai từ đảng cánh hữu LR.

Trong bối cảnh như vậy, rất khó để Tổng thống Macron kiếm thêm được 155 phiếu tại Thượng viện, cho dù họ có thu hút thêm sự ủng hộ của một số dân biểu từ cánh trung hữu hoặc cánh hữu ôn hòa. Ngoài ra, trước khi được đưa ra bỏ phiếu tại đại hội lưỡng viện, dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn phải được thông qua riêng rẽ tại hai viện theo đa số tuyệt đối. Điều đó đồng nghĩa với việc dự định cải cách Hiến pháp gần như đã bị chôn vùi.

Để theo đuổi đến cùng dự định cải cách tham vọng, Tổng thống Macron chỉ còn một lựa chọn là xây dựng sự đồng thuận rộng rãi trong chính giới Pháp, tức là gác bỏ hoàn toàn cách thức cầm quyền dựa trên thế mạnh như thời gian vừa qua, vốn đã bị các đảng phái khác phản đối.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định phụ thuộc vào hành động và cách tiếp cận cụ thể của đảng cầm quyền, đặc biệt là cá nhân Tổng thống Macron, làm sao tạo ra động lực đủ mạnh để thuyết phục các nghị sỹ ủng hộ tiến trình cải cách, như đã thấy trong làn sóng mới nổi trong giới chính trị Pháp sau nhịp bước của đảng LREM thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục