Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 10/3, toàn thế giới có hơn 451,07 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 6.042.848 ca tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi đã lên tới 385.689.295 ca, với 68.881 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Hàn Quốc có số ca nhiễm mới cao nhất
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 1,52 triệu ca mắc mới, trong đó Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất - 327.549 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới vượt 300.000 trong vòng một ngày, sau con số kỷ lục 342.446 của ngày trước đó.
Hiện số ca nhiễm mới gia tăng tại Hàn Quốc đã kéo theo sự gia tăng số ca tử vong, số bệnh nhân trở nặng. Cũng như nhiều quốc gia khác, số ca mắc mới tăng vọt tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây là do làn sóng lây nhiễm của biến thể Omicron.
Kể từ đầu dịch đến nay, số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại nước này đã vượt 5 triệu ca, tức 1/10 dân số Hàn Quốc. Đáng chú ý, tổng số ca mắc COVID-19 của Hàn Quốc mới chỉ vượt mốc 1 triệu ca vào tháng trước.
Nhật Bản: Cảnh giác nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát
Mặc dù không còn là điểm nóng của dịch COVID-19 tại châu Á, nhưng Nhật Bản vẫn hết sức cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Các quan chức và chuyên gia y tế hàng đầu của Nhật Bản đều nhận định, diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại Nhật Bản đang có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể diễn biến phức tạp hơn so với làn sóng lây nhiễm thứ năm vào mùa Hè năm ngoái.
Các số liệu phân tích được đưa ra tại cuộc họp đã cho thấy, trong tuần gần nhất, tốc độ giảm trung bình trong cả nước là 0,9 lần so với tuần trước đó, trong đó thủ đô Tokyo là 0,88 lần. Tỷ lệ mắc COVID-19 trên 100.000 người trung bình trong cả nước là 329,02 người, trong đó thủ đô Tokyo là 497,27 người.
[DIOSynVax nhận tài trợ hơn 40 triệu USD phát triển "siêu" vaccine]
Như vậy, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nhật Bản đang giảm nhiệt ở tất cả các lứa tuổi nhưng tốc độ giảm chậm, mức giảm không đáng kể ở đối tượng trong nhóm từ 10-20 tuổi và người già. Ngoài ra, ở nhiều khu vực vẫn đối diện với tình trạng căng thẳng về y tế khi phải đang phải điều trị nhiều ca bệnh nặng là người già trên 80 tuổi.
Thống kê cũng cho thấy, rất nhiều trường hợp virus SARS-CoV-2 không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong ở đối tượng người mắc bệnh nền, do đó giới chuyên gia cho rằng, tăng tốc tiêm chủng là hết sức cần thiết song song với việc nỗ lực điều trị bệnh nền cho các bệnh nhân.
Về lo ngại đối với biến thể Omicron chủng BA.2, các chuyên gia y tế Nhật Bản cho rằng, chủng này có tốc độ lây lan gấp 1,2 lần so với chủng BA.1, và nhiều khả năng sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 70% số ca mắc COVID-19 trên cả nước Nhật vào đầu tháng Tư.
Tại châu Âu, Đức là điểm nóng của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua là 191.973 ca và 216 ca tử vong. Kể từ đầu dịch đến nay, tổng số ca mắc tại Đức đã lên trên 16,33 triệum, cao thứ 7 thế giới.
Đại dịch vẫn là "mối đe dọa" với châu Mỹ
Cùng ngày, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục là “một mối đe dọa” đối với khu vực châu Mỹ cho dù số lượng ca nhiễm mới và tử vong đã giảm nhiều trong những tuần gần đây.
Theo bà Etienne, trong tuần qua số ca nhiễm mới đã giảm 26% và số ca tử vong giảm gần 19% tại châu Mỹ. Tuy nhiên, hai năm sau ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là một đại dịch, căn bệnh này vẫn là mối nguy hiểm.
Quan chức PAHO chỉ rõ trong hai tháng đầu năm 2022, châu Mỹ ghi nhận tới 63% số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới và làn sóng bệnh mới nhất bùng phát hồi cuối năm 2021 đến nay do sự xuất hiện của biến thể Omicron đã cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người ở châu Mỹ. Kỷ lục số ca nhiễm mới liên tục được ghi nhận tại Brazil, Argentina, Chile và Mỹ.
Bà Etienne nhấn mạnh, tất cả đều mong muốn đại dịch chấm dứt song chỉ có sự lạc quan thì không thể kiểm soát được dịch bệnh và vẫn còn quá sớm để “hạ vũ khí” vì diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường. Cùng với đó, bà Etienne cũng cảnh báo về những hậu quả lâu dài của dịch bệnh đối với tất cả các nước trong khu vực.
Theo Giám đốc PAHO, sự bất bình đẳng trong việc phân bổ vaccine tại châu Mỹ vẫn là một trong những vấn đề lớn chưa được giải quyết bất chấp nỗ lực của các tổ chức khu vực và chính phủ các nước.
Hiện ở Mỹ Latinh và Caribe vẫn còn khoảng 248 triệu người chưa được tiêm bất kỳ mũi vaccine nào, đặc biệt là tại các vùng nông thôn và hẻo lánh. Ngoài ra, mới chỉ có 70% dân số của 14 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Mỹ đã hoàn tất phác đồ cơ bản tiêm vaccine ngừa COVID-19./.