Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 10h00 ngày 15/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 207.524.104 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.367.074 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 186.016.731 người.
Khu vực Mỹ Latin và Caribe đứng đầu về số ca tử vong
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 637.439 ca tử vong trong tổng số 37.435.835 ca nhiễm.
Tiếp đó là Ấn Độ với 431.253 ca tử vong trong số 32.191.954 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 568.833 ca tử vong trong số 20.350.142 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 598 người tử vong.
Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 296 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,3 triệu ca tử vong trong hơn 41,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 60 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong.
Châu Á ghi nhận hơn 961.500 ca tử vong trong hơn 65,8 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 959.500 ca tử vong trong hơn 44,8 triệu ca nhiễm.
Châu Phi ghi nhận hơn 183.300 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.700 người.
Mỹ: 1.900 trẻ em nhập viện do COVID-19
Ngày 14/8, Mỹ ghi nhận số trẻ em nhập viện vì COVID-19 cao kỷ lục với 1.900 ca trong bối cảnh các bệnh viện ở khu vực miền Nam của quốc gia này đang phải gồng mình chống lại đợt bùng phát mới do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, biến thể Delta đang gây bệnh cho hầu hết những người chưa tiêm chủng và khiến số ca nhập viện gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, trong đó số trẻ em phải nhập viện đã lên tới 1.902 ca.
Trẻ em hiện chiếm khoảng 2,4% tổng số ca nhập viện vì COVID-19. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm chủng nên dễ bị nhiễm bệnh hơn, đặc biệt khi biến thể mới có khả năng lây truyền cao.
Cựu Chủ tịch của Học viện Nhi khoa Mỹ Sally Goza cho biết: “Đây không phải là dịch COVID của năm ngoái. Dịch này còn tồi tệ hơn và con cái của chúng ta là những người sẽ bị ảnh hưởng.”
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết số ca nhập viện mới vì COVID-19 trong độ tuổi 18-29, 30-39 và 40-49 cũng lên mức cao kỷ lục trong tuần này.
Mỹ hiện ghi nhận trung bình 129.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, tăng gấp đôi sau hơn hai tuần. Số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong 6 tháng qua và trung bình 600 người chết mỗi ngày vì COVID-19, gấp đôi tỷ lệ tử vong vào cuối tháng 7.
Các bang Arkansas, Florida, Louisiana, Mississippi và Oregon đã ghi nhận số ca nhập viện vì COVID-19 cao kỷ lục trong tháng này, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải.
Số ca nhiễm COVID-19 của bang Florida chiếm 20% tổng số ca trên toàn quốc với tổng số bệnh nhân nhập viện lên tới 16.100 người. Hơn 90% số giường bệnh chăm sóc đặc biệt của bang đã được sử dụng.
Chính phủ Mỹ mới đây thông báo sẽ cung cấp gần 837.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước vùng Caribe do khu vực có nguồn lực hạn chế này đang phải đối mặt với số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Theo kế hoạch, Bahamas sẽ nhận được 397.000 liều, hơn 305.000 liều sẽ dành cho Trinidad và Tobago, 70.200 liều cho Barbados, 35.100 liều cho Saint Vincent và Grenadines, 15.550 liều cho Antigua và Saint Kitts và Nevis sẽ được nhận 11.700 liều.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cung cấp cho các nước này thêm hàng nghìn kim tiêm đặc biệt dành cho vaccine của Pfizer/BioNTech.
[Báo động tình hình dịch COVID-19 tại nhiều nước châu Á]
Trước đó, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã viện trợ 28 triệu USD giúp 14 nước Caribe chống dịch COVID-19, đồng thời tuyên bố sẽ bổ sung thêm nguồn tài trợ.
Theo số liệu của Cơ quan An ninh công cộng Caribe có trụ sở tại Trinidad và Tobago, khu vực Caribe tới nay đã ghi nhận hơn 1,29 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và hơn 16.000 người tử vong do dịch bệnh.
Tới nay đã có khoảng 10,7 triệu người dân vùng Caribe đã được tiêm chủng.
Israel triển khai tiêm phòng quy mô lớn
Để thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, Chính phủ Israel đã triển khai một sáng kiến mới, tổ chức hoạt động tiêm trên quy mô lớn ở thành phố Tel Aviv suốt đêm 14/8.
Cơ quan Cấp cứu quốc gia Israel (MDA) đã phối hợp với chính quyền Tel Aviv triển khai 2 xe cứu thương với một loạt bàn tiêm vaccine COVID-19 tại quảng trường Dizengoff, nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể dễ dàng và nhanh chóng tiêm phòng ngay tại trung tâm thành phố.
Mục đích của sáng kiến này là nâng cao tỷ lệ miễn dịch trước COVID-19, trong bối cảnh Israel có nguy cơ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm trở lại khiến chính phủ phải tái áp đặt một loạt biện pháp hạn chế đối với xã hội.
Sáng kiến này nhằm vào tất cả các đối tượng nằm trong diện tiêm vaccine COVID-19 theo quyết định của Bộ Y tế Israel, từ 12 tuổi trở lên.
Thông báo của MDA cho biết những người chưa tiêm lần nào, đã tiêm một mũi và người từ 50 tuổi trở lên muốn tiêm liều 3 bổ sung đều có thể tới bàn đăng ký và tiêm ngay tại chỗ.
Như vậy, sáng kiến mới của Chính phủ Israel giúp những người còn đang do dự hoặc chưa thu xếp được thời gian thuận lợi hơn trong tiêm vaccine COVID-19.
Mọi đối tượng đều có thể tiêm vaccine miễn phí mà không cần có bảo hiểm hay giấy tờ chứng minh về cư trú. Israel hiện là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm vaccine COVID-19 liều 3 cho những người từ 50 tuổi trở lên.
Đến nay, đã có hơn 5,8 triệu người tại Israel tiêm vaccine COVID-19 trên tổng dân số khoảng 9,3 triệu người, trong đó gần 5,4 triệu người đã tiêm đủ 2 liều và hơn 813.000 người đã tiêm liều thứ 3 bổ sung.
Hàn Quốc: Tổng số ca nhiễm lên gần 224.000
Ngày 15/8, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.817 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 1.749 ca lây nhiễm nội địa, nâng tổng số người từng mắc COVID-19 ở nước này lên 223.928 trường hợp.
Ngoài ra, nước này cũng có thêm 8 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên con số 2.156 người.
Số liệu thống kê trong ngày 15/8 giảm đáng kể so với số ca lây nhiễm 1.930 người ghi nhận ngày 14/8 và 1.990 ghi nhận ngày 13/8.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nguyên nhân là do Hàn Quốc thường ít tiến hành xét nghiệm tầm soát trong dịp cuối tuần./.