Thế giới chuẩn bị cán mốc 130 triệu ca nhiễm COVID-19

Tính đến 8h ngày 26/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 126.043.554 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19; trong đó có 2.766.579 ca tử vong.
Thế giới chuẩn bị cán mốc 130 triệu ca nhiễm COVID-19 ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Lynchburg, bang Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 26/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 126.043.554 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19; trong đó có 2.766.579 ca tử vong.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 101.707.397 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 559.711 ca tử vong trong tổng số 30.771.232 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 303.726 ca tử vong trong số 12.324.765 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 160.983 ca tử vong trong số 11.846.082 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân có 238 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 197 người và Hungary 196 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 42,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 932.200 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 753.600 ca tử vong trong hơn 23,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 568.000 ca tử vong trong hơn 30,9 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 267.900 ca tử vong trong hơn 17,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 111.600 ca tử vong, châu Phi có hơn 110.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 976 người.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định sẽ công bố mục tiêu bổ sung là đạt 200 triệu lượt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền.

Mục tiêu mới được đưa ra sau khi Mỹ đạt được mục tiêu ban đầu của Tổng thống Biden là 100 triệu lượt tiêm vaccine ngày 19/3 vừa qua - ngày thứ 59 tại vị của ông Biden.

Sau khi triển khai chậm hơn dự kiến dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đã tăng lên nhanh chóng, trung bình khoảng 2,5 triệu liều vaccine mỗi ngày. Điều này cho phép nước Mỹ đạt 205 triệu liều vaccine trong vòng 5 tuần tới với kỳ vọng dự kiến vào ngày 23/4 vừa qua, trước thời điểm 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Biden.

[Dịch COVID-19 tại châu Âu: Đức để ngỏ khả năng cấm một số chuyến bay]

Chính phủ liên bang đã thỏa thuận với các hãng dược phẩm về việc thúc đẩy sản xuất vaccine, trong đó đặt hàng của Johnson & Johnson 200 triệu liều vaccine với mục tiêu hoàn thành 50% đơn hàng vào cuối tháng Sáu tới. Công ty Merck đang hỗ trợ Johnson & Johnson thực hiện mũi tiêm một liều J & J. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đạt được thỏa thuận 600 triệu liều vaccine của Pfizer và Moderna.

Trong khi đó, Hội đồng Bộ trưởng Bissau-Guinea cho biết chính phủ nước này đã quyết định kéo dài tình trạng thảm họa trên toàn quốc thêm 30 ngày. Quyết định có hiệu lực từ 0h ngày 26/3 đến ngày 25/4 tới (theo giờ địa phương).

Các quy định về giãn cách, đeo khẩu trang tại nơi công cộng tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, chính phủ sẽ cho nối lại một số hoạt động thể thao, văn hóa và tôn giáo, với điều kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc y tế. Trước đó, nhiều hoạt động thể thao, bao gồm Giải vô địch bóng đá quốc gia và nhiều sự kiện văn hóa lớn đã bị hoãn do đại dịch COVID-19.

Theo Ủy ban cấp cao Guinea-Bissau về chống dịch COVID-19, tính đến thời điểm hiện tại, nước này đã ghi nhận 3.607 ca mắc COVID-19, trong đó có 61 ca tử vong. Đã có 2.911 ca bệnh được chữa khỏi.

Thống kê của Bộ Y tế Israel cho thấy tính đến ngày 25/3, quốc gia Trung Đông này đã có trên 4,65 triệu người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, chiếm trên 50% dân số, đồng thời đã có hơn 5,2 triệu người được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein khẳng định “nhờ những người đã được tiêm phòng, Israel đang đánh bại COVID-19.” Ông cũng kêu gọi người dân “thực hiện nghiêm các quy định nhằm ngăn chặn đại dịch COVID quay trở lại.”

Ngày 24/3 vừa qua là ngày số ca nhiễm mới COVID-19 tại Israel giảm xuống mức thấp kỷ lục là 339 ca. Mặc dù đã tăng trở lại trong ngày 25/3, nhưng tính chung trong 7 ngày qua, số ca mới đã giảm khá nhiều, bình quân là 742 ca.

Bên cạnh đó, chỉ số lây nhiễm R cũng đang giảm dần, hiện chỉ còn 0,55. Theo Tiến sỹ Eran Segal tại Viện Khoa học Weizmann của Israel, so với đỉnh điểm của dịch bệnh hồi giữa tháng Một vừa qua, hiện số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã giảm 85%, số ca bị các triệu chứng nghiêm trọng giảm 72%.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây hơn 1 năm, đến nay tổng số người nhiễm bệnh tại Israel là 830.761 ca, trong đó có 6.158 ca tử vong.

Thế giới chuẩn bị cán mốc 130 triệu ca nhiễm COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 24/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 25/3 thông báo Ankara đã khởi động tiến trình đàm phán sơ bộ về hợp đồng mua vaccine Sputnik V từ Nga, đồng thời cho biết đến cuối tháng Năm năm nay, nước này sẽ nhận được tổng cộng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp với hội đồng khoa học về virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Koca cho biết đến đầu tháng Tư tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận 4,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phát triển.

Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn đang sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc phát triển. Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc hôm 14/1 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành tiêm chủng được 14,13 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 8,18 người được tiêm mũi đầu tiên.

Trong khi đó, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và các đối tác ngày 25/3 đã cảnh báo về sự chậm trễ trong việc cung ứng vaccine ngừa COVID-19 liên quan đến một nhà sản xuất quan trọng ở Ấn Độ. Đây được xem là trở ngại lớn đối với việc triển khai Chương trình COVAX đầy tham vọng do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiêm chủng cho người dân và chống lại đại dịch COVID-19.

GAVI và các đối tác cho biết Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nơi sản xuất vaccine quan trọng đứng sau Chương trình COVAX, sẽ phải đối mặt với nhu cầu vaccine ngày càng tăng ở Ấn Độ, khi tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng ở nước này.

Sự chậm trễ trong việc đảm bảo nguồn cung cấp liều vaccine COVID-19 do Viện Huyết thanh sản xuất là do nhu cầu gia tăng đối với vaccine COVID-19 ở Ấn Độ.

Động thái này sẽ ảnh hưởng đến 40 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đang được Viện Huyết thanh sản xuất và dự kiến chuyển giao cho COVAX trong tháng này, cũng như 50 triệu liều vaccine COVID-19 dự kiến chuyển giao vào tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục