Thế giới chủ động ứng phó trước đà lan rộng của biến thể Omicron

Ở châu Á, trong tuần qua, biến thể Omicron đã xâm nhập vào Trung Quốc, Pakistan sau khi xuất hiện ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Đáng chú ý, Nhật Bản đã có ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Châu Âu tiếp tục là tâm điểm của dịch COVID-19 khi cùng lúc phải ứng phó với 2 làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta và Omicron - biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 - gây ra. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng mối đe dọa của đại dịch COVID-19 vẫn nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi biến thể Omicron cũng bắt đầu lan truyền nhanh chóng, có nguy cơ trở thành biến thể chủ đạo trong thời gian tới ở châu lục này, khiến các nước phải thắt chặt các biện pháp hạn chế.

Trong 7 ngày qua, thế giới ghi nhận hơn 4,4 triệu ca nhiễm mới, trong đó châu Âu chiếm hơn một nửa với hơn 2,5 triệu ca, tăng gần 1% so với tuần trước đó. Một số nước châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt như Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, những nước này cũng đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron.

Tại Anh, sau 3 ngày liên tiếp (15-16-17/12) có số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng thấy kể từ khi bị đại dịch tấn công (lần lượt là 78.610 ca, 88.376 ca và 93.045 ca), số ca COVID-19 ở nước này trong tuần qua đã tăng 40%, trong đó biến thể Omicron cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc mới tăng đột biến.

Với tốc độ lây lan “cực kỳ nguy hiểm” của biến thể Omicron, như nhận định của Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, hiện Anh ghi nhận tổng cộng 14.909 ca nhiễm biến thể này. Riêng ngày 17/12 Anh có thêm 3.201 ca nhiễm Omicron (chiếm 3,4% tổng số ca mắc COVID-19 mới), mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi Omicron xuất hiện ở Anh cách đây hơn 3 tuần.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận biến thể Omicron đang khiến nhiều người phải nhập viện và đã có ít nhất 1 bệnh nhân tử vong do nhiễm Omicron.

Một số quốc gia đã hạn chế hoạt động đi lại với Anh. Kể từ đêm 18/12, Pháp đình chỉ các hoạt động du lịch không thiết yếu từ nước này tới Anh và ngược lại. Thủ đô Paris cũng đã hủy chương trình bắn pháo hoa và các lễ hội trên đại lộ Champs Elysees đã được lên kế hoạch tổ chức vào đêm Giao thừa đón Năm mới sắp tới.

Tương tự, Đức thông báo bổ sung Anh vào danh sách những nước được đánh giá là có “nguy cơ cao” về COVID-19, đồng nghĩa với việc bị áp dụng những quy định đi lại ngặt nghèo hơn. Ngoài ra, Đức cũng cấm đốt pháo hoa vào thời khắc đón Giao thừa đón Năm mới, một hoạt động truyền thống vốn được nhiều người dân nước này háo hức chờ đón.

Các nước châu Âu khác cũng tăng cường các biện pháp phòng ngừa do lo ngại số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ tiếp tục tăng cao trong mùa Đông này. Italy quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 31/3/2022, đồng thời siết chặt quy định nhập cảnh đối với du khách đến từ các nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Hà Lan gia hạn lệnh giới nghiêm đến sau kỳ nghỉ lễ Năm mới. Ba Lan, nước ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong tuần qua, cũng đã hạn chế số người có mặt tại các địa điểm văn hóa như bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát.

Ở Hy Lạp, nhà chức trách nước này bắt đầu phạt những người trên 60 tuổi không tiêm chủng vaccine, trong khi Chính phủ Slovakia quyết định thưởng tiền cho những người thuộc diện nguy cơ cao nhất từ 60 tuổi trở lên tiêm liều tăng cường. Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, CH Cyprus cũng áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Việc châu Âu đang bước vào mùa lễ hội nhân dịp Giáng sinh và Năm mới 2022, thời điểm mọi người thường gặp gỡ hay tổ chức tiệc mừng, cộng với nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông được cho là điều kiện lý tưởng để virus phát tán, nhất là biến thể Omicron được đánh giá có khả năng lây truyền cao hơn Delta.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo Omicron có thể trở thành biến thể thống trị tại châu Âu vào tháng 1/2022. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng ngay cả khi biến thể Omicron gây ra bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn sẽ khiến các ca bệnh tăng lên theo cấp số nhân, từ đó có thể làm tăng số ca nhập viện và tử vong.

[Sáng 19/12, thế giới ghi nhận 274,4 triệu ca nhiễm COVID-19]

Theo WHO, số ca nhiễm biến thể này tăng gấp đôi trong vòng từ 1,5 đến 3 ngày tại các khu vực lây nhiễm trong cộng đồng.

Không chỉ ở châu Âu, biến thể Omicron hiện đã lây lan ra nhiều khu vực khác trên toàn cầu, ước tính khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nhận định với những gì đã và đang diễn ra tại Anh, nhiều khả năng biến thể Omicron sẽ là biến thể chủ đạo tại Mỹ trong thời gian tới sau khi đã xuất hiện tại gần 40 bang trong tổng số 50 bang của nước này.

Trong thời gian từ ngày 4-11/12 vừa qua, các ca nhiễm biến thể Omicron đã chiếm gần 3% các ca mắc mới ở Mỹ, tăng từ mức 0,4% một tuần trước đó.

Ở châu Á, trong tuần qua, biến thể Omicron đã xâm nhập vào Trung Quốc, Pakistan sau khi xuất hiện ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Đáng chú ý, Nhật Bản đã có ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.

Riêng khu vực Đông Nam Á, đã có 6 nước ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Philippines và Thái Lan, trong đó Singapore đã thông báo các ca nhiễm Omicron trong cộng đồng.

Lo ngại biến thể Omicron lây lan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân kiềm chế đi du lịch nước ngoài. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Malaysia cấm tổ chức các buổi lễ đón Năm mới quy mô lớn, đồng thời yêu cầu từ ngày 17/12, những người đến từ Anh sẽ phải tự xét nghiệm hằng ngày trong thời gian cách ly.

Chính phủ Campuchia kêu gọi người dân tiếp tục tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và nghiêm túc thực hiện quy định phòng chống dịch “Ba bảo vệ-Ba không” do chính phủ đề ra. Chính phủ Thái Lan cũng hối thúc người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa COVID-19 do lo ngại khả năng gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chỉ áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh là chưa đủ mà cần phải tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tiêm vaccine ngừa COVID-19 để có thể giảm tải gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã quá tải. Nhiều nước đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cũng như mở rộng đối tượng tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.

Singapore thúc đẩy chương trình tiêm chủng mũi bổ sung nhằm gia tăng sức đề kháng cho người dân, mở rộng chương trình tiêm cho đối tượng từ 18-29 tuổi bắt đầu từ ngày 14/12. Campuchia sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm tăng cường cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi trong tháng 1/2022.

Kể từ tháng 2/2022, Nhật Bản cũng sẽ rút ngắn thời gian chờ giữa mũi thứ hai và liều tăng cường cho người cao tuổi xuống còn 6 tháng, thay vì 8 tháng như hiện nay. Trong khi đó, Italy, Bồ Đào Nha đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Pháp bắt đầu tiêm cho trẻ em ở nhóm tuổi này từ ngày 22/12 tới, Bỉ cũng đã đồng ý tiêm cho nhóm đối tượng trên.

Để tăng độ phủ vaccine toàn cầu, WHO đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về việc kết hợp các loại vaccine của các hãng dược phẩm khác nhau để tiêm liều thứ hai và thứ ba.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng biến thể Omicron dường như không nguy hiểm hơn biến thể Delta và các dữ liệu cho thấy việc tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 cũng như các mũi tiêm tăng cường giúp tạo "lá chắn" hiệu quả phòng ngừa các triệu chứng nặng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu lại cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao gấp 5 lần so với biến thể Delta, và không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể này có thể gây bệnh nhẹ hơn so với Delta, thậm chí có thể “né” được phản ứng miễn dịch có được nhờ vaccine.

Khi thế giới vẫn chưa hiểu rõ về biến thể Omicron, chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp hiện có là giải pháp phù hợp. Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh "hành động thận trọng" cùng với việc áp dụng các biện pháp chống dịch như tiêm vaccine ngừa COVID-19, tiêm liều tăng cường, xét nghiệm, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách, vẫn là cách thức chống dịch hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục