Phát biểu tại hội nghị diễn ra ở Aix-en-Provence (thị trấn ở miền Nam nước Pháp) ngày 6/7, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, nói rằng chính phủ các nước nên tranh thủ điều kiện "vô cùng thuận lợi" hiện nay trên các thị trường tài chính để tăng đầu tư công nhằm mang lại động lực cần thiết cho đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, nhất là tại các nền kinh tế tiên tiến, đồng thời đảm bảo giữ nợ công ở mức ổn định.
Người đứng đầu định chế tài chính này nhận định sau ba tháng đầu năm tăng trưởng ì ạch, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh lên trong sáu tháng cuối năm 2014 và sẽ tăng tốc trong năm 2015.
Tuy nhiên, bà Lagarde cũng cảnh báo rằng chính sách tiền tệ lỏng mà ngân hàng trung ương các nước đang theo đuổi để phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng tài chính vẫn có mặt hạn chế và chính phủ các nước giờ đây cần hành động.
Đánh giá về tình hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, bà Lagarde nói rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ không tăng trưởng chậm lại nhiều. Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng về chất và ổn định hơn, với nhịp độ tăng trưởng ước khoảng 7-7,5% trong năm nay.
IMF sẽ công bố báo cáo chính thức về tình hình kinh tế toàn cầu trong hai tuần tới.
Hồi tháng trước, định chế tài chính này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay từ 2,8% xuống 2%, do thời tiết mùa Đông giá lạnh đã khiến cho nền kinh tế này bất ngờ tăng trưởng âm trong quý 1.
Bà Lagarde dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ mạnh lên trong quý tới nếu việc thắt chặt chính sách tiền tệ lỏng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) diễn ra một cách êm thấm và chính phủ nước này đưa ra được một khung ngân sách trung hạn phù hợp.
Trong thời gian qua, Fed và nhiều ngân hàng trung ương khác trên toàn thế giới đã duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục và bơm tiền vào hệ thống tài chính để hỗ trợ tăng trưởng.
Hồi tháng trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã hạ lãi suất chủ chốt xuống các mức thấp kỷ lục, trong đó có việc hạ lãi suất tiền gửi xuống ngưỡng âm lần đầu tiên trong lịch sử, nhằm giúp kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hồi phục từ cuộc khủng hoảng nợ cũng như ngăn chặn nguy cơ giảm phát ở khu vực này.
Nhận xét về Eurozone, bà Lagard nói rằng khu vực vực gồm 18 nước thành viên hiện vẫn chậm chạp trong việc thoát khỏi khủng hoảng và đà phục hồi hiện nay chưa đủ để giảm nợ cũng như tỷ lệ thất nghiệp. Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhưng với nhịp độ chậm hơn trước./.