Thế giới cần sẵn sàng ứng phó với mọi kịch bản về đại dịch COVID-19

COVID-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu bởi mức độ lây lan của dịch bệnh vẫn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được.
Thế giới cần sẵn sàng ứng phó với mọi kịch bản về đại dịch COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1/2/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhịp sống tại nhiều nước trên thế giới đang quay về trạng thái bình thường khi hiệu quả của vaccine cùng với các biện pháp phòng dịch đã đưa cuộc chiến chống COVID-19 chuyển sang giai đoạn mới.

Tuy nhiên, sự "biến hình" khó lường của virus SARS-CoV-2 cùng với số ca mắc và tử vong vẫn gia tăng tại một số nước được xem là lời cảnh báo, rằng mọi kịch bản của dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai, đòi hỏi con người phải cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào.

Trong 7 ngày qua, diễn biến dịch trên toàn cầu tiếp tục xu hướng tích cực với số ca mắc mới tính đến sáng 17/4 giảm 22% so với tuần trước đó.

Tương tự, số ca tử vong cũng giảm 21%. Ba quốc gia đứng đầu về số ca mắc mới theo ngày trong tuần qua là Hàn Quốc, Pháp và Đức ghi nhận con số giảm lần lượt 30%, 6% và 23%.

Đặc biệt xét về khu vực, số ca mắc mới đều giảm, trong đó châu Á tiếp tục là khu vực ghi nhận tỷ lệ giảm mạnh nhất với 28%.

Điểm đáng chú ý trong tuần qua là sau hơn 2 năm hoành hành, ngày 12/4, tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 500 triệu ca.

Tính từ những trường hợp đầu tiên được biết tới cuối năm 2019, hơn 1 năm sau, thế giới ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 vượt 100 triệu ca vào ngày 26/1/2021, hơn 6 tháng sau, ngày 4/8/2021, con số này là 200 triệu. Sau đó 5 tháng, thế giới có thêm 100 triệu ca mắc.

Khoảng thời gian tăng từ 300 triệu ca (ngày 6/1/2022) lên 400 triệu ca rút ngắn chỉ còn khoảng 1 tháng (ngày 8/2/2022).

Điều đó cho thấy sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền nhanh hơn, như biến thể Delta hồi đầu năm ngoái hay biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở Nam Phi tháng 11/2021, là yếu tố tác động, đòi hỏi các nước phải chuẩn bị phương án, công cụ hiệu quả để ngăn chặn mọi làn sóng bùng phát của dịch, tránh đưa hệ thống y tế vào thế "vỡ trận."

Mới đây, sự xuất hiện của Deltacron - biến thể lai giữa Delta và Omicron, hay biến thể tái tổ hợp XE giữa dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron tại nhiều nước, càng chứng minh chuẩn bị sẵn sàng cho mọi diễn biến của dịch là lựa chọn đúng đắn nhất.

Theo Giáo sư Michael T. Osterholm thuộc Đại học Minnesota tại bang Minneapolis (Mỹ), các biến thể mới xuất hiện chứng tỏ virus sẽ chưa thể sớm biến mất.

Dự báo của các nhà khoa học cho thấy biến thể XE có khả năng lây lan cao hơn từ 5-10% so với dòng phụ BA.2 (còn gọi là Omicron tàng hình), dòng phụ dễ lây lan nhất của biến thể Omicron cho đến nay. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng hay khả năng "né" hệ miễn dịch của biến thể tái tổ hợp này hiện vẫn còn là "ẩn số."

Chính từ thực tế này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/4 cảnh báo vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát những đợt dịch lớn trên toàn cầu.

Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhận định rằng sẽ là sai lầm nếu cho rằng khi đại dịch COVID-19 dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu, mọi vấn đề sẽ được giải quyết.

Thế giới cần sẵn sàng ứng phó với mọi kịch bản về đại dịch COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế bệnh viện Beilinson ở thành phố Petah Tikva, Israel ngày 1/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông, COVID-19 chưa hề thuyên giảm hay trở thành căn bệnh theo mùa mà dịch bệnh này "vẫn gây biến động và có khả năng dẫn đến các đợt dịch lớn."

Dù số ca mắc đã giảm trên quy mô toàn cầu, song con số tử vong do COVID-19 vẫn tương đối cao, bởi vậy ông kêu gọi các nước tiếp tục nâng cao cảnh giác sẵn sàng ứng phó với nguy cơ làn sóng dịch mới khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện.

[WHO cảnh báo COVID-19 vẫn chưa thể trở thành bệnh đặc hữu]

Chia sẻ quan điểm trên, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO đánh giá virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới, là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các ca tử vong và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều phương diện.

Đơn cử như tại Pháp, trong 7 ngày qua, dù số ca mắc giảm 6%, song số ca tử vong đã tăng 21% so với tuần trước đó. Tại Thái Lan, số ca tử vong cũng tăng 15% khi nhiều ngày liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca.

WHO cũng khẳng định COVID-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời công bố khuyến nghị các quốc gia nên tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và sức khỏe cộng đồng (PHSM) dựa trên bằng chứng và nguy cơ của dịch bệnh, cũng như sẵn sàng mở rộng PHSM nhanh chóng để ứng phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tăng khả năng miễn dịch cộng đồng trong tình huống số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện, thậm chí điều trị tích cực, hoặc tử vong gia tăng làm suy yếu năng lực hệ thống y tế.

Giới chuyên gia khẳng định để phòng ngừa mọi tình huống khẩn cấp bất ngờ xảy ra, điều quan trọng nhất là mỗi nước tự trang bị cho mình những "bộ công cụ" hữu hiệu. Tại Mỹ, một số chuyên gia còn cảnh báo nước này có thể hứng chịu những ngày đen tối ở phía trước nếu không chuẩn bị ứng phó.

Sự chuẩn bị này bao gồm cung cấp tiền để đảm bảo khả năng xét nghiệm và tiêm vaccine miễn phí trên diện rộng, áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở từng khu vực, thậm chí phong toả ngắn hạn nhằm ứng phó với các đợt bùng phát mới.

Lý tưởng là cung cấp thuốc điều trị COVID-19 miễn phí, hoặc ít nhất là với giá rẻ. Giáo sư virus học Aris Katzourakis, Đại học Oxford, nhấn mạnh phải sử dụng các "vũ khí" trong tay chúng ta, đó là vaccine, thuốc kháng virus, xét nghiệm chẩn đoán, và kiến thức về cách ngăn chặn lây lan virus qua không khí, như đeo khẩu trang, giãn cách, tăng cường thông khí và lọc khí.

Cuối cùng, phải tăng cường đầu tư vào các vaccine có khả năng bảo vệ con người trước nhiều biến thể của virus hoặc loại vaccine có hiệu quả bảo vệ trong dài hạn.

Mới đây, Pfizer thông báo vào mùa Thu năm nay, hãng sẽ cho ra mắt một loại vaccine có khả năng chống lại nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có Omicron.

Theo WHO, trên thế giới hiện có 153 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và 196 loại vaccine trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, mở ra hy vọng mới cho những loại vaccine có hiệu quả cao hơn chống các biến thể mới.

Tiến sỹ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California (Mỹ), khuyến cáo cần tập trung vào việc tiêm vaccine cho người dân, điều trị và cập nhật vaccine, đồng thời thường xuyên cảnh giác để giữ COVID-19 trong tầm kiểm soát.

Riêng trong tuần qua, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho người cao tuổi, trong khi Malaysia lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ hai nhằm bảo vệ nhóm dân số dễ tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh lễ Hari Raya - lễ hội lớn nhất của người Hồi giáo - đang đến gần.

Ngày 14/4, Việt Nam cũng đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo vệ sức khỏe trẻ em và giúp các em được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện đất nước mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

WHO cho rằng không có câu trả lời nào đơn giản cho mọi thứ trong "kỷ nguyên SARS-CoV-2." Tiến sỹ Mike Ryan cảnh báo có khả năng loại virus này sẽ lan rộng khắp thế giới, di chuyển đến một khu vực khác, nơi khả năng miễn dịch đang suy yếu.

Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp WHO Didier Houssin nhận định rằng chưa phải là lúc để hạ thấp mức độ cảnh giác, hoặc buông lỏng việc giám sát, xét nghiệm hay sao lãng các biện pháp y tế cộng đồng và ngừng chiến dịch tiêm chủng, bởi mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục