Thế giới bí ẩn của những sinh vật "khổng lồ" dưới đáy Thái Bình Dương

Ở độ sâu hơn 2.500m dưới mặt nước, ngay ngoài khơi bờ biển Trung Mỹ, những sinh vật khổng lồ, bao gồm giun ống và động vật thân mềm, đang sinh sôi nảy nở trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.
(Nguồn: Nature)

Một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, ẩn mình dưới đáy biển Thái Bình Dương, vừa được tiết lộ thông qua một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Nature.

Ở độ sâu 2.515m dưới mặt nước, ngay ngoài khơi bờ biển Trung Mỹ, những sinh vật khổng lồ, bao gồm giun ống và động vật thân mềm, đang sinh sôi nảy nở trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt - nơi áp lực gấp 250 lần so với trên bề mặt và hoàn toàn chìm trong bóng tối.

Một "ốc đảo" dưới đáy đại dương đã hình thành, nhờ vào những miệng phun thủy nhiệt được tạo ra từ các mảng kiến tạo tách rời nhau, cho phép nước nóng từ magma phun lên, mang theo các hợp chất hóa học nuôi dưỡng hệ sinh thái.

Khu vực này vốn được phát hiện lần đầu tiên vào thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng nghiên cứu mới nhất đã hé lộ một cộng đồng đông đúc các sinh vật đang phát triển mạnh mẽ tại đây.

Những cư dân của "thành phố Atlantis" này sống dựa vào chất dinh dưỡng do vi khuẩn dưới đáy biển tạo ra.

Điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên là sự phát triển nhanh chóng của ấu trùng giun ống, khi chúng di chuyển và xâm chiếm những khu vực mới hình thành sau mỗi lần phun trào dưới lòng biển.

Giáo sư sinh học biển Monika Bright thuộc trường Đại học Vienna (Áo), đồng tác giả của nghiên cứu này, đưa ra giả thuyết cho rằng ấu trùng giun có thể di chuyển dưới lớp vỏ với nước biển lạnh, nơi chúng hòa trộn với nước nóng từ các trận động đất và phun trào. Sau đó, ấu trùng bị đẩy ra bề mặt và định cư tại các khu vực mới.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một tàu ngầm điều khiển từ xa, được trang bị cánh tay đào đất để thu thập mẫu vật và chụp ảnh đáy biển.

Bà Bright cho biết: "Trong quá trình thu thập các mẫu đá, chúng tôi đã phát hiện ra các khoang trống bên dưới. Những khoang này ẩn chứa một ‘sở thú’ dưới đáy biển gồm những con giun trưởng thành, ốc biển, giun lông và cả những con ốc limpet với lớp vỏ bảo vệ.”

Một điều bất ngờ mà nhà khoa học Bright nhấn mạnh là mặc dù khu vực này đã được nghiên cứu suốt hơn 30 năm qua, nhưng những phát hiện mới vẫn có thể xảy ra.

Điều này có lẽ do trước đây không ai nghĩ đến việc tìm kiếm sự sống dưới lớp vỏ đáy biển. Các khoang này sâu khoảng 10cm và nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những con giun dài tới 41cm.

Điều kiện trong các khoang này tương tự như trên bề mặt nơi các loài giun ống sinh sống, với nhiệt độ lên đến 25 độ C, oxy có mặt, và cả khí hydrogen sulphide độc hại nhưng ở nồng độ vừa phải.

Nghiên cứu cho thấy ấu trùng giun có thể phân tán trong các khoang này, để xâm chiếm các khe nứt do dung nham tạo ra hoặc phát triển thành con trưởng thành, từ đó mở rộng số lượng quần thể tại các miệng phun thủy nhiệt nông hơn.

Bà Bright cũng cho biết có khả năng những sinh vật này không thể đi xuống sâu hơn do nhiệt độ gia tăng, oxy giảm và nồng độ hydrogen sulphide cao hơn ở độ sâu lớn hơn.

Bà nêu rõ: "Điều quan trọng là phải biết được con vật nào đang sinh sống ở đó để bảo vệ chúng khỏi những hoạt động khai thác dưới đáy biển. Hệ động vật này là duy nhất và cần được bảo tồn."

Những khám phá trên không chỉ mang đến cho giới khoa học cái nhìn sâu sắc hơn về hệ sinh thái bí ẩn dưới đáy biển mà còn mở ra những cơ hội mới để bảo vệ môi trường biển sâu, nơi luôn ẩn chứa những bí mật chưa được khai phá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục