Thế giới 2023: Những kịch bản "công phá" các thị trường toàn cầu

Theo các nhà chiến lược của Standard Chartered, năm 2023, tình trạng bất ổn kinh tế có thể trở thành một cuộc khủng hoảng "đau đớn" khi các chương trình sa thải nhân viên lan dần sang nhiều lĩnh vực.
Thế giới 2023: Những kịch bản "công phá" các thị trường toàn cầu ảnh 1Trụ sở Cục dự trữ liên bang Mỹ ở Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Điều gì sẽ xảy ra với các thị trường toàn cầu nếu Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 200 điểm cơ bản vì kinh tế Mỹ suy thoái sâu hay giá dầu lao xuống mức 40 USD/thùng khi kinh tế toàn cầu suy thoái và cuộc xung đột Ukraine được giải quyết?

Đây là 2 trong số 8 kịch bản bất ngờ mà Standard Chartered, tập đoàn tài chính hàng đầu của Anh, cho rằng có thể gây ra những cú sốc với các thị trường trong năm 2023.

Cụ thể, trong báo cáo công bố tháng 12/2022, nhóm các nhà chiến lược của Standard Chartered đã liệt kê 8 kịch bản "phiền não" có thể dẫn tới những biến động mạnh trên các thị trường chứng khoán, trái phiếu và tiền điện tử.

Đầu tiên là khả năng Fed cắt giảm lãi suất ở mức 200 điểm cơ bản vì kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng trong nửa đầu năm 2023 do ảnh hưởng của biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay.

Trong năm 2022, Fed đã nâng lãi suất ở mức 400 điểm cơ bản và cũng đang có kế hoạch siết chặt nguồn tiền trong nền kinh tế thông qua chương trình thắt chặt định lượng với số tiền 95 tỷ USD/tháng.

Tuy nhiên, cũng có khả năng Fed phải nhanh chóng đảo chiều chính sách này nếu các dữ liệu kinh tế chỉ ra việc siết chặt chính sách tiền tệ diễn ra quá nhanh.

Thế giới 2023: Những kịch bản "công phá" các thị trường toàn cầu ảnh 2Nhân viên làm việc tại một trung tâm dịch vụ của Amazon ở Romeoville, Illinois, Mỹ. (Ảnh: Getty Image/TTXVN)

Theo nhóm nghiên cứu do Eric Robertson, chiến lược gia trưởng của Standard Chartered đứng đầu, trong năm 2023, tình trạng bất ổn kinh tế ban đầu ở mức nhẹ có thể trở thành một cuộc khủng hoảng "đau đớn," khi các chương trình sa thải nhân viên lan dần từ lĩnh vực công nghệ sang lĩnh vực nhà ở và bán lẻ, rồi đến các ngành công nghiệp và dịch vụ tài chính.

Ngay lập tức Fed sẽ tạm dừng biện pháp thắt chặt tiền tệ và đến giữa năm 2023 sẽ đảo chiều toàn bộ chính sách. Khi đó, có thể xảy ra khả năng Ủy ban Thị trường mở của Fed sẽ dừng chương trình thắt chặt định lượng và giảm lãi suất 200 điểm cơ bản vào cuối năm 2023.

Trong một kịch bản khác, nhóm nghiên cứu đánh giá về khả năng dầu Brent giảm xuống chỉ còn 40 USD/thùng khi nhu cầu cũng giảm mạnh vì suy thoái kinh tế.

Bên cạnh đó, khả năng cuộc xung đột tại Ukraine được tháo gỡ cũng giúp giải tỏa nguy cơ hàng đầu với chi phí năng lượng, dẫn tới giá giảm.

Hiện, giá dầu Brent giao dịch ở mức 80 USD/thùng, đồng nghĩa rằng xuống đến 40 USD/thùng là giảm tới 50%.

[IMF: Kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023]

Theo Standard Chartered, các yếu tố gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và khả năng đạt được lệnh ngừng bắn tại Ukraine sẽ dẫn tới "một cơn bão hoàn hảo" với các thị trường dầu, kéo theo tình trạng giảm giá khôn lường.

Một kịch bản bất ngờ khác được Standard Chartered đề cập là khi các đồng tiền điện tử tiếp tục mất giá trong năm 2023, trong đó đồng bitcoin giảm tới 70% giá trị xuống chỉ còn 5.000 USD.

Đồng tiền điện tử có mức đảm bảo cao nhất thị trường này vốn đã giảm tới 64% giá trị trong năm 2022. Đặc biệt, sự cố sàn giao dịch FTX sụp đổ hồi tháng trước có thể tiếp tục làm lung lay thị trường các tài sản điện tử.

Ngoài ra, Standard Chartered còn điểm thêm 5 kịch bản khác tiềm tàng khả năng công phá các thị trường toàn cầu trong năm 2023.

Thứ nhất, đồng euro tăng 19% giá so với đồng USD lên mức 1,25 USD đổi 1 euro nếu cuộc xung đột tại Ukraine được giải quyết theo hướng có lợi cho Kiev.

Thứ hai, chỉ số chứng khoán công nghệ Nasdaq 100 giảm thêm 50% khi các công ty công nghệ đương đầu với làn sóng phá sản giống như vụ bong bóng dot-com từng xảy ra những năm 2000.

Thứ ba, đồng nhân dân tệ phục hồi sau khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, tăng 10% về mức 6,4 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Thứ tư, giá lương thực giảm mạnh khoảng 15% khi xung đột Ukraine được tháo gỡ, dẫn tới nguồn cung dư thừa và dần giảm phát giá lương thực.

Và cuối cùng là kịch bản biến động chính trị tại Mỹ gây khó khăn cho đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục