Thể chế ‘mềm’ để xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là cần thiết trong bối cảnh các vi nói xấu, bôi nhọ, tin giả… xuất hiện tràn lan trên Internet.
Thể chế ‘mềm’ để xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh ảnh 1Các chuyên gia cho rằng, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tại Tọa đàm "Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường lành mạng tại Việt Nam" vào ngày 18/5, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ban hành bộ quy tắc này là cần thiết trong bối cảnh các vi nói xấu, bôi nhọ, tin giả… xuất hiện tràn lan trên Internet.

Nguy cơ từ mạng xã hội

Trích dẫn thống kê của We are Social, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt 55 triệu người (chiếm tỷ lệ 57% dân số), trong đó lượng người dùng mạng xã hội qua di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt tương ứng là 7 giờ và 2,5 giờ. Trong đó, Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ là 61% và 59%.

[Khoảng 4.500 video clip xấu độc trên Youtube đã được chặn, gỡ bỏ]

Bên cạnh việc tích cực không thể phủ nhận, mạng xã hội cũng đem lại rất nhiều hệ lụy, những hành vi nói xấu, bôi nhọ, tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội phổ biến như Facbook, YouTube, gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu…

Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội cũng cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung: Nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các hành vi này thực tế đã được điều chỉnh ở rất nhiều văn bản khác như Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Công nghệ thông tin…

Thực tế, thời gian qua có nhiều trường hợp bị xử lý vì các hành vi nói trên. Tuy nhiên, nhà chức trách cho biết số lượng vụ việc được xử lý theo pháp luật còn rất hạn chế so với thực tế vi phạm, thậm chí kể cả khi bị xử lý thì người bị hại cũng phải chịu các tổn thất nặng nề về thể chất lẫn tinh thần…

Thể chế "mềm"

Phía Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, bên cạnh việc điều chỉnh bằng hệ thống quy định pháp luật, cần có một khuôn khổ thể chế "mềm" dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia, tạo đồng thuận của cộng đồng mạng cùng chung tay xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tích cực…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, bộ quy tắc không đi ngược lại cam kết của nhà nước trong các quyền như tự do báo chí, ngôn luận, kinh doanh… mà chúng ta đã tham gia; không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ, người dùng.

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục báo chí, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được nhiều quốc gia đề cập, ban hành. Việc đề cập đưa ra bộ quy tắc ứng xử chung ở Việt Nam là cần thiết để giúp người dân có thể phát huy ngôn luận, có các chuẩ mực đạo đức khi tham gia mạng xã hội.

Nhà báo Nguyễn Hùng Sơn, Phó Tổng biên tập báo Ngày nay thì khuyến nghị, bộ quy tắc cần hướng tới tất cả người dùng mạng xã hội. Cùng lúc, thông điệp đưa ra trong bộ quy tắc phải cô đọng, dễ hiểu để mọi người ở nhiều trình độ khác nhau có thể dễ dàng nắm bắt và đặc biệt tránh hiểu lầm là công cụ để kiểm soát của nhà chức trách.

Ông Lưu Đình Phúc cũng kiến nghị, bộ quy tắc phải xây dựng chuẩn mực chung. Từ quy tắc chung này xây dựng quy tắc riêng cho các nhóm công chúng cụ thể để triển khai vào đời sống…

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng đây mới chỉ là "xới" vấn đề và khi xây dựng dự thảo hoàn chỉnh sẽ lấy ý kiến rộng rãi càng nhiều càng tốt.

Theo ông Tuấn, mục tiêu của bộ quy tắc là xây dựng "khế ước" với nhau, tương tác với nhau thế nào để tạo ra môi trường văn hóa khi tương tác trên mạng xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

"Bộ quy tắc không hạn chế người sử dụng mà để phát triển và mở rộng mạng xã hội, các hoạt động văn hóa nhân văn và đạo đức. Đây là bộ quy tắc chung, từ đó tùy từng đối tượng căn cứ vào tình hình đặc điểm riêng của mình có thể xây dựng quy tắc của mình vì mục tiêu xây dựng môi trường lành mạnh trên mạng xã hội, bảo vệ người sử dụng," ông Tuấn nói. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục