'Thế bí' của 3 nhà lãnh đạo trong 'ván bài bán đảo Triều Tiên'

Cùng phải đương đầu với những vấn đề chính trị, kinh tế nghiêm trọng ở mỗi nước, ba nhà lãnh đạo Moon-Trump-Kim đang hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ và có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai chính trị.
'Thế bí' của 3 nhà lãnh đạo trong 'ván bài bán đảo Triều Tiên' ảnh 1Tổng thống Donald Trump, lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in gặp nhau tại vùng phi quân sự liên Triều vào tháng 6/2019. (Nguồn: Yonhap)

Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) số ra ngày 27/7 có bài bình luận cho rằng cả ba nhà lãnh đạo là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, những "người chơi chính" trong ván bài liên quan đến những vấn đề của bán đảo Triều Tiên, đang đứng trước bước ngoặt quan trọng.

Cùng phải đương đầu với những vấn đề chính trị và kinh tế nghiêm trọng ở mỗi nước, cả ba nhân vật này đang hứng chịu những chỉ trích mạnh mẽ và có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai chính trị của từng người. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện phải đối mặt với sự thất vọng của người dân về cách ông giải quyết các vấn đề của đất nước.

Tỷ lệ ủng hộ của người dân Xứ sở Kim Chi đối với Tổng thống Moon jae-in đã giảm liên tục trong thời gian gần đây do các cáo buộc "bê bối tình dục" liên quan đến các thành viên cao cấp của đảng Dân chủ Đồng hành (DP) cầm quyền, bao gồm cả cố Thị trưởng Seoul Park Won-soon, cũng như hiện tượng giá nhà leo thang ở khu vực Seoul và vùng phụ cận.

Theo kết quả khảo sát của Hãng thăm dò dư luận Realmeter công bố ngày 20/7 vừa qua, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in đã ở mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua với 44,8%, báo hiệu một nửa nhiệm kỳ (22 tháng) còn lại ở Nhà Xanh đầy "sóng gió."

Để làm thay đổi tình hình, nhiều người cho rằng chính quyền Moon Jae-in sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên, yếu tố vốn đóng vai trò quan trọng giúp ông chủ Nhà Xanh có được sự ủng hộ cao của người dân Xứ sở Kim Chi trong nửa đầu của nhiệm kỳ vừa qua.

[Mỹ hy vọng sớm có các cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên]

Park Won-gon, Giáo sư Khoa học chính trị của Đại học Quốc tế Handong (Hàn Quốc), nói rằng: "Chính quyền Moon Jae-in đã nhất trí về một giải pháp (có cân nhắc đến yếu tố chính trị) nhằm lấy lại sự tín nhiệm của người dân. Trong đó, cải thiện quan hệ liên Triều là yếu tố mang tính then chốt."

Joseph DeTrani, cựu Đặc phái viên Mỹ tham gia các vòng đàm phán sáu bên (liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên), cũng nhận định rằng "đối với Tổng thống Moon Jae-in, thách thức hiện nay là phải tái kết nối với ông Kim Jong-un để đưa vấn đề quan hệ giữa hai miền trở lại quỹ đạo, tuân thủ Tuyên bố chung Panmunjom 2018 - thành quả của Cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này."

Mặc dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên được cải thiện đáng kể sau ba cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (tất cả đều diễn ra trong năm 2018), song mối quan hệ giữa hai miền đã bất ngờ xấu đi sau khi Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố rằng Seoul không có khả năng thuyết phục Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Bằng chứng là việc bất chấp chính quyền Moon Jae-in liên tiếp nhắc đến những đề nghị triển khai các dự án hợp tác liên Triều song chỉ nhận được sự im lặng từ phía chính quyền Bình Nhưỡng. DeTrani cũng cho rằng Tổng thống Moon Jae-in cần đảm bảo rằng mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vẫn vững chắc, vấn đề liên quan đến Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) về chia sẻ chi phí quân sự được giải quyết một cách hợp lý và tiến trình chuẩn bị tiếp nhận việc chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến (OPCON) của quân đội Hàn Quốc vẫn được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Các cuộc đàm phán về SMA (xác định khoản tài chính mà Hàn Quốc phải đóng góp để duy trì sự hiện diện quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên) đã gặp bế tắc từ tháng 9/2019, làm nảy sinh những đồn đoán về sự rạn nứt ngày càng lớn giữa hai quốc gia đồng minh này.

Chính quyền Moon Jae-in được cho là đang nỗ lực để có được OPCON từ Mỹ vào năm 2022 tới.

Giáo sư Park Won-gon nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức liên quan đến nền kinh tế Triều Tiên cũng như sự ổn định của chế độ cầm quyền ở Bình Nhưỡng.

Ông nhấn mạnh "Do sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và tác động ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 (vốn được coi là vấn đề mang tính cốt lõi của chế độ cầm quyền ở Bình Nhưỡng), không có tiến triển và bằng chứng là giá thực phẩm đã tăng vọt do tâm lý hoảng loạn vì đại dịch. Nếu ông Kim Jong-un không có được bước đột phá quan trọng trong giải quyết những vấn đề tồn tại này thì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của chính mình."

Theo cách nhìn nhận này, chính quyền Kim Jong-un phải tập trung vào thủ đô Bình Nhưỡng và điển hình là việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng. Giáo sư Park Won-gon nói thêm "Nếu bối cảnh hiện nay vẫn tiếp tục kéo dài, Kim Jong-un có thể phải đối mặt với những phản ứng bất đồng từ chính những người đang ủng hộ và điều này đe dọa đến sự tồn tại của Triều đại họ Kim."

Các chuyên gia về đối ngoại, trong đó phải kể đến Leif-Eric Easley, Phó giáo sư Quan hệ quốc tế của Đại học Nữ sinh (EWHA, Hàn Quốc), đều có chung quan điểm cho rằng thách thức lớn nhất mà Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt là "sự trượt dốc không phanh" trong nỗ lực tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

"Donald Trump đang tập trung cho việc tái đắc cử vào tháng 11 tới và phải dốc toàn tâm toàn trí để có được chiến thắng đó."

Theo kết quả các cuộc thăm dò khác nhau ở Mỹ, Donald Trump đang bị cựu Phó Tổng thống Joe Biden dẫn trước 15 điểm phần trăm, làm dấy lên đồn đoán rằng ông có thể trở thành tổng thống đương nhiệm thứ 4 mất điểm trong chiến dịch tái cử sau Gerald Ford, Jimmy Carter và George H.W. Bush.

Hiện cũng có đồn đoán rằng ông Donald Trump có thể xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba với ông Kim Jong-un, được gọi là "Bất ngờ tháng 10" ngay trước cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.

Ông Moon Jae-in bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Hàn Quốc từ tháng 5/2017, sau thời điểm Trump tuyên thệ vài tháng (1/2017), trong khi Kim Jong-un tiếp nhận quyền lãnh đạo đất nước từ tháng 12/2011.

Tuy nhiên, cho đến nay không một ai trong số ba nhà lãnh đạo này có được thành tựu đối ngoại đáng kể nào. Phó Giáo sư Leif-Eric Easley nói: "Ông Moon Jae-in đã có 2 năm ở Nhà Xanh và không thể tái đắc cử nhiệm kỳ hai nên đang phải tập trung duy trì những hỗ trợ cần thiết về lập pháp cũng như sự ủng hộ của người dân để tiến tới việc sửa đổi Hiến pháp."

Giáo sư Park Won-gon cũng cho rằng Tổng thống Moon Jae-in, vốn đang bị ám ảnh về sự cải thiện quan hệ giữa hai miền, nên được cho là sẽ nỗ lực hết sức để sớm triển khai thực hiện các dự án hợp tác liên Triều.

Cựu Đặc phái viên Mỹ Joseph DeTrani thì nói rằng chính quyền Kim Jong-un có thể "tái can dự với Mỹ nhằm đạt được mục tiêu Washington gỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, tiến tới mối quan hệ bình thường với Washington trong khi vẫn chắc chắn có thể nhận được những đảm bảo về an ninh cần thiết khác."

Ông cũng khuyên Tổng thống Donald Trump cần "kéo Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa ở cấp làm việc theo đúng thỏa thuận đạt được trong Tuyên bố chung Mỹ-Triều ở Singapore năm 2018."

Phó Giáo sư Leif-Eric Easley nói thêm rằng "mặc dù có những khác biệt về tầm nhìn cũng như các liên minh chính trị trong nước, song cả ba nhà lãnh đạo trên đang bắt đầu nỗ lực cho một chiến lược khôi phục nền kinh tế thời kỳ hậu COVID-19 và gặt hái những thành quả của chính sách đối ngoại.

Theo đó, mỗi người đều có thể 'ghi điểm' bằng cách thay đổi quan điểm cố hữu hiện nay: Donald Trump thay đổi chính sách đối với Trung Quốc; Moon Jae-in cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Kim Jong-un chấp nhận sự hỗ trợ nhân đạo từ Hàn Quốc"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục