Ngày 17/11, nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2019), hơn 80 nguyên cán bộ, giảng viên và gần 300 cựu lưu học sinh tiếng Nga đã tề tựu tại Trường Đại học Hà Nội (đường Nguyễn Trãi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để cùng nhau ôn lại “Một thời để nhớ” sau quãng thời gian xa cách tính bằng nhiều thập niên.
“Một thời để nhớ” là một trong nhiều hoạt động diễn ra trong tháng 11/2019 nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Hà Nội - cơ sở giáo dục hàng đầu của cả nước trong việc đào tạo, nghiên cứu về ngoại ngữ và chuyên ngành bằng ngoại ngữ.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Lưu học sinh tiếng Nga (Trường Đại học Ngoại ngữ) Phạm Quang Chất, Trưởng ban tổ chức cuộc gặp “Một thời để nhớ” cho biết: Khoa Lưu học sinh tiếng Nga thành lập cuối năm 1972 và kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình sau khi đào tạo xong khóa sinh viên 1989-1990 để sang Liên Xô học tập.
Đây là lần đầu tiên trong 18 năm hoạt động và cũng là dịp kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Khoa Lưu học sinh tiếng Nga, các thế hệ thầy trò tổ chức cuộc gặp mặt quy mô lớn.
Trước đây, chỉ có các cuộc gặp giữa một số lớp, một vài khóa sinh viên với các thầy, cô trực tiếp giảng dạy mình vào dịp lễ, Tết, mang tính chất tự phát.
Thầy giáo Phạm Quang Chất tâm sự Ban tổ chức mong muốn tất cả các cán bộ, giảng viên, nhân viên cũ của Khoa còn đủ sức khỏe và các cựu sinh viên của Khoa đang công tác, sinh sống tại Hà Nội có điều kiện đến dự cuộc gặp mặt.
Mục đích là để cùng nhau ôn lại một quãng thời gian đẹp đẽ, khi mà các thầy, cô dồn hết tâm huyết để truyền thụ kiến thức cho các sinh viên chuẩn bị sang Liên Xô để đào tạo chuyên sâu về một ngành nghề nào đó nhằm sau này trở về xây dựng Tổ quốc.
[Sinh viên Nga thích thú với sự phong phú, sáng tạo của tiếng Việt]
Các cựu sinh viên nay đã từng hay đang giữ những vị trí quan trọng trong quản lý nhà nước, chuyên gia đầu ngành, doanh nhân thành đạt, công chức, giáo viên… muốn gặp lại các thầy, cô thời thanh xuân của mình. Còn các thầy, cô cũng muốn biết trò cũ của mình trưởng thành ra sao.
Tuy thời gian học tập tại Khoa Lưu học sinh tiếng Nga chưa đầy một năm, chỉ là khâu chuẩn bị cho khóa học chính thức đại học ở nước ngoài, song cựu sinh viên một số khóa học đã dành nhiều tâm huyết cho cuộc gặp mặt “Một thời để nhớ,” từ khâu đồng phục, chuẩn bị kỷ niệm chương, quà lưu niệm tặng thầy, cô giáo cho đến chương trình văn nghệ là những bài hát tiếng Nga…
Biểu tượng mà khóa lưu học sinh 1984-1985 tặng các cán bộ, giảng viên trước đây của Khoa Lưu học sinh tiếng Nga là con thuyền lướt sóng trên đại dương, với ý nghĩa công sức của các thầy, cô như con thuyền bền bỉ chở các em sinh viên ra thế giới bên ngoài để mở mang kiến thức và khi đã thành đạt, các cựu sinh viên dùng chính con thuyền đó để trở về thăm bến cũ.
Mặc dù ngừng tồn tại đã gần 30 năm nhưng dấu ấn mà Khoa Lưu học sinh tiếng Nga (Trường Đại học Ngoại ngữ trước đây) để lại rất rõ nét qua thành quả hợp tác giáo dục – đào tạo giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga sau này.
Trước khi tan vỡ vào năm 1991, Liên Xô đã đào tạo ngành nghề cho gần 50.000 công dân Việt Nam. Trong số này có khoảng 30.000 cử nhân, kỹ sư, gần 3.000 phó tiến sĩ (về sau ở Việt Nam được chuyển thành tiến sỹ chuyên ngành), khoảng 200 tiến sĩ khoa học và hàng chục vạn công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, thực tập sinh.
Theo báo cáo của Hiệp hội những người Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đào tạo của Liên Xô/Liên bang Nga, Việt Nam là nước đứng thứ hai trên thế giới về số người được đào tạo tại Liên Xô.
Tính đến cuối những năm 80, chỉ riêng trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật cao cấp có tới hai phần ba số tiến sỹ và phó tiến sỹ của Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô.
Hiện nay, nhiều người trong số lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô vẫn đang giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, cũng như các cơ quan ban, ngành, các học viện, các trường đại học từ trung ương đến địa phương của Việt Nam./.