Bên cạnh giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế, tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 (từ ngày 26/4-2/5) sẽ có hình thức tổ chức cho các thầy thuốc đông y khám chữa bệnh và phô diễn tài năng.
[Nâng tầm và khẳng định thương hiệu Festival nghề truyền thống Huế]
Ngoài ra, cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống tại Festival năm nay cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Ban tổ chức đã sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như: Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; Không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế; Không gian Sen và Thổ cẩm; Không gian Lụa và Áo dài (trong đó có dịch vụ may áo dài nhanh); Không gian Đông y Huế; Không gian Mây tre đan; Không gian Diều và Thư pháp...
Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, lễ hội với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” năm nay sẽ quy tụ 16 nhóm nghề: thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy, thư pháp, tranh, diều, dệt–may, mây tre, pháp lam, nhang trầm, tinh dầu, lân-sư-rồng, cùng các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời của 60 làng nghề, cơ sở nghề.
Bên cạnh đó là sự tham gia của 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Hưng Yên và Thừa Thiên-Huế.
Đặc biệt, Festival nghề truyền thống Huế đang từng bước hướng đến tính quốc tế với việc tham gia của các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng đến từ một số quốc gia trên thế giới. Hiện đã có 17 đoàn khách quốc tế và 10 thành phố, tổ chức quốc tế xác nhận tham dự: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kỳ Festival lần này có 7 thành phố đã kết nghĩa, hợp tác với Huế và 03 Hiệp hội nghề, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ với 70 nghệ nhân tham dự: thành phố Takayama, thành phố Sasayama, thành phố Saijo (Nhật Bản), thành phố Gyeongju, thành phố Namyangju, thành phố Dongnae (Hàn Quốc), thành phố Konya (Thổ Nhĩ Kỳ), Hiệp hội nghề truyền thống Hàn Quốc; Bảo tàng nghề Cheongju (Hàn Quốc), Công ty Lục Thuận Đại Tử Sa (thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).
Một điều ấn tượng tại Festival lần này là không khí chuẩn bị của các làng nghề, cơ sở sản xuất nghề trong việc tạo ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã bao bì mới phục vụ du khách. Bên cạnh đó, tính tương tác với cộng đồng cũng là điểm nhấn thú vị, hứa hẹn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng và du khách.
Festival lần thứ 8 nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủ công truyền thống đồng thời tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế./.