Thấy gì từ thương vụ chuyển nhượng Fivimart về tập đoàn Vingroup?

Theo các chuyên gia, với 23 điểm bán hàng cùng với mạng lưới của Fivimart, việc sáp nhập sẽ tăng sức mạnh cho Vinmart và quan trọng là trở thành thương hiệu lớn hơn.
Thấy gì từ thương vụ chuyển nhượng Fivimart về tập đoàn Vingroup? ảnh 1Một trong những điểm bán hàng của Fivimart khi còn hợp tác với Aeon của Nhật Bản. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mua bán sáp nhập (M&A) đang có xu hướng nở rộ trong những năm gần đây, đặc biệt trên thị trường bán lẻ, việc các tập đoàn nước ngoài mua lại các thương hiệu của Việt Nam không phải là hiếm.

Tuy vậy theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp nội "bắt tay" hợp tác cùng mở rộng thị phần mà điển hình là thương vụ Fivimart về tập đoàn Vingroup đã cho thấy nhiều chuyển động tích cực trong bức tranh của ngành bán lẻ trong nước.

[Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tăng tốc trong khó khăn]

"Bắt tay" để chiếm lĩnh thị trường

Ngày 8/10, trên trang Website của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart.

Với việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, VinCommerce đã chính thức sở hữu toàn bộ hệ thống gồm 23 siêu thị Fivimart.

Phía VinCommerce cho biết, bên cạnh việc tiếp tục kinh doanh mảng bán lẻ tiêu dùng, phân phối các mặt hàng thực phẩm, gia dụng, đồ dùng hóa mỹ phẩm…, các siêu thị mới này sẽ được tăng cường các mặt hàng thực phẩm tươi sống an toàn vốn là đặc trưng của chuỗi VinMart, cũng như bổ sung thêm nhiều sản phẩm phong phú và các nhãn hàng riêng như nông sản VinEco, thực phẩm sơ chế và chế biến VinMart Cook, các mặt hàng tiêu dùng gia đình VinMart Home…

Ngoài ra, VinCommerce cũng sẽ tiến hành nâng cấp mọi mặt, từ cơ sở vật chất, hàng hoá, chất lượng nhân sự cũng như thống nhất cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ hiện nay.

Chia sẻ về thương vụ M&A với Công ty Cổ phần Nhất Nam, bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng Giám đốc VinCommerce cho biết, trong chiến lược phát triển của VinCommerce, các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ sẽ không chỉ có mặt tại toàn bộ các khu đô thị Vinhomes, các trung tâm thương mại Vincom trên cả nước mà đồng thời sẽ mở rộng tới từng khu dân cư để phục vụ đông đảo người tiêu dùng bằng những sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ tận tâm.

"Thương vụ sáp nhập hệ thống Fivimart là một trong những bước đi để hiện thực hoá kế hoạch này của chúng tôi,” bà Thái Thị Thanh Hải cho hay.

Sau sáp nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.

Thấy gì từ thương vụ chuyển nhượng Fivimart về tập đoàn Vingroup? ảnh 2Khách hàng mua sắm tại chuỗi siêu thị của Fivimart. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tôi luyện để "bơi ra biển lớn"

Trước khi sáp nhập vào Vinmart, năm 2015 tập đoàn siêu thị Nhật Bản Aeon và Fivimart chính thức bắt tay hợp tác, với việc Aeon sở hữu 30% cổ phần Fivimart.

Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, phía Fivimart báo lỗ 60 tỷ đồng và đến năm tiếp theo số lỗ đã lên 96 tỷ đồng. Trong năm 2017, số lỗ rút xuống còn 23 tỷ đồng, song số lỗ lũy kế trong 3 năm liên tiếp lên tới 197 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 9/2018, theo thông tin từ phía Aeon, việc hợp tác kết thúc và tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản cho biết đã bán hết 30% cổ phần sở hữu từ Fivimart cho phía Vingroup.

Nói về việc "chia tay" với Aeon, theo đại diện Fivimart, việc này là do hai bên có chiến lược không giống nhau và do vậy việc "bắt tay" với doanh nghiệp trong nước như Vingroup là để có cùng chung một tiếng nói, hơn nữa là giúp doanh nghiệp đón nhận sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Đại diện Fivimart cũng lưu ý, việc mua bán sáp nhập cũng hướng tới mục tiêu để tất cả các bên cùng có lợi.

"Trước hết, cả doanh nghiệp sản xuất và người lao động cùng có lợi, mang lại rất nhiều quyền lợi cho khách hàng, hơn nữa là có giá cả cạnh tranh trên thị trường và có một quy chuẩn về hàng hóa, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm," vị này nói.

Việc bán hết cổ phần cho Vingroup cũng được phía Fivimart khẳng định sẽ mang lại nhiều đột phá. Điều đầu tiên là về cạnh tranh trên thị trường và tiếp đến là mua bán hàng hóa với số lượng lớn sẽ được giá rất tốt qua đó phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Đáng chú ý, "Về mặt nhân sự sẽ được tôi luyện như kiểu "bơi ra biển lớn" tức là có sự cọ xát lớn hơn, như vậy sẽ có tính chuyên nghiệp nhiều hơn và có năng lực làm việc tốt hơn để sẵn sàng cho sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài."

Cho rằng việc mua bán, sáp nhập là câu chuyện hết sức bình thường, song theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, với áp lực cạnh tranh gay gắt thì chỉ doanh nghiệp có sức mạnh và có thương hiệu mới tồn tại được, còn ngược lại với kiểu làm ăn chụp giật chỉ biết lợi nhuận về mình sẽ phá sản và sớm kết thúc.

Với cảnh báo nhiều thị phần bán lẻ hiện đại và cửa hàng tiện lợi rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua mà phần nhiều nguyên nhân là "ta tự hại ta", ông Phú nhấn mạnh, việc loại bỏ những doanh nhiệp yếu kém, làm ăn chụp giật chính là quy luật đào thải tất yếu của xã hội thương mại.

Đánh giá về thương vụ Fivimart về tay tập đoàn Vingroup, chuyên gia này cũng nhìn nhận những tín hiệu tích cực của thị trường bán lẻ trong nước thời gian gần đây. Theo ông, bản thân các doanh nghiệp nội đã "xắn tay" hợp tác để trở thành những tập đoàn mạnh.

Hơn nữa, với tên tuổi như Fivimart trên thị trường bán lẻ Việt Nam trong một suốt thời gian qua cùng với chuỗi cửa hàng đã quen thuộc với người tiêu dùng thì chắc chắc việc trở về với Vinmart sẽ phát huy lợi thế không hề nhỏ cho tập đoàn này.

"Với 23 điểm bán hàng cùng với mạng lưới sẵn có, việc sáp nhập sẽ tăng sức mạnh cho Vinmart và quan trọng là trở thành thương hiệu lớn hơn, đó là Vinmart của tập đoàn Vingroup," ông Vũ Vinh Phú nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục