Thấy gì từ kế hoạch mở rộng không quân lớn nhất của Mỹ?

Không lực Mỹ đã quyết định cần tăng 25% đội máy bay chiến đấu để hỗ trợ cho một cuộc chiến tranh lớn với các cường quốc khác như Trung Quốc hay Nga.
Thấy gì từ kế hoạch mở rộng không quân lớn nhất của Mỹ? ảnh 1Máy bay chiến đấu F-35. (Nguồn: Lockheed Martin)

Theo trang foreignpolicy.com, Không lực Mỹ đã quyết định sẽ cần tăng 25% đội máy bay chiến đấu để hỗ trợ cho một cuộc chiến tranh lớn với một cường quốc khác như Trung Quốc hay Nga, báo hiệu đợt củng cố lực lượng không quân có thể là lớn nhất của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Bộ trưởng Không quân Heather Wilson nói rõ bộ này muốn phát triển lên 386 phi đội sẵn sàng chiến đấu vào năm 2025-2030, so với 312 phi đội hiện nay.

Sự gia tăng sẽ hỗ trợ cho kế hoạch cải cách của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, theo đó chuyển sự tập trung từ cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông sang các cuộc xung đột tiềm tàng với các đối thủ cạnh tranh ngang tầm.

Bà Wilson đã vạch ra lộ trình mới trong một bài diễn văn quan trọng tại Hội nghị thường niên về Hàng không, Vũ trụ và Máy tính của Hiệp hội Không lực Mỹ diễn ra đầu tuần này ở National Harbor, bang Maryland.

Tạp chí Foreign Policy đã có được các chi tiết độc quyền liên quan đến 74 phi đội chiến đấu bổ sung.

Theo Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Goldfein, Nga và Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu chiến lược quân sự của Mỹ và đầu tư theo những cách có thể lấy đi lợi thế của chiến lược này. Cơ cấu lực lượng mới được thiết kế nhằm chống lại năng lực phòng thủ và tấn công mới mà Nga và Trung Quốc đang phát triển, như máy bay tầm xa và vũ khí hạt nhân.

Theo kế hoạch, Không quân Mỹ sẽ bổ sung hàng chục nghìn phi công và một loạt máy bay tối tân và các năng lực khác, việc đó có thể sẽ khiến cho người đóng thuế ở Mỹ phải trả hàng tỷ USD trong thập kỷ tới, thậm chí hơn thế.

Các quan chức đã từ chối đưa ra mức chi phí nhưng cho biết không lực Mỹ sẽ được bổ sung thêm máy bay ném bom, máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái, cũng như máy bay vận chuyển quân dụng, tình báo, giám sát và trinh sát, và máy bay tác chiến đặc biệt.

Ngoài ra, không quân Mỹ sẽ tăng số phi đội chiến đấu tập trung vào vũ trụ và an ninh mạng. Lần bổ sung toàn diện này có thể cũng bao gồm cả một phi đội tấn công lade mới, mà Không lực Mỹ tin rằng đó là cách thức ít hao người tốn của hơn cho cuộc chiến chống phiến quân ở Trung Đông.

Theo Bộ trưởng Wilson, việc tăng 25% số phi đội sẽ cần thêm khoảng 40.000 phi công, nâng tổng số lực lượng không quân lên 717.000 phi công.

Todd Harrison, một chuyên gia về ngân sách thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, ước tính sự bổ sung nhân lực này có thể sẽ làm tăng ngân sách thêm 13 tỷ USD/năm cho chi phí hoạt động. Không lực Mỹ hiện chi khoảng 53 tỷ USD/năm cho các hoạt động của máy bay, huấn luyện và tuyển dụng.

Một nguồn tin tường tận về các cuộc thảo luận nhấn mạnh rằng Không quân Mỹ có thể không đủ khả năng chi trả cho toàn bộ lần bổ sung lực lượng này.

Theo nguồn tin trên, "việc này giống như Hải quân nói rằng họ cần 355 tàu, mặc dù họ không được cấp ngân sách", và "điều đó cho thấy khoảng cách giữa thực tế tài chính và nhu cầu an ninh".

Bà Wilson thừa nhận rằng việc chi trả cho phi đội máy bay bổ sung có thể khó khăn. "Chúng tôi không ngây thơ về thực tế ngân sách," bà nói.

"Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi nợ người dân một câu trả lời trung thực về điều gì là cần thiết để bảo vệ các lợi ích quốc gia sống còn của nước Mỹ theo như chiến lược mà chúng tôi đã vạch ra, và vì vậy chúng tôi tin rằng, nếu không phải là câu trả lời hoàn hảo, thì đó cũng là câu trả lời thành thật cho câu hỏi: Không lực Mỹ cần (những) gì?." Và "nếu chúng ta không thể đưa ra câu trả lời cho đất nước, thì ai có thể làm điều đó?"

Theo đề xuất, các phi đội máy bay ném bom sẽ có đợt bổ sung lớn nhất, từ 9 lên 14 phi đội, bà Wilson cho biết.

Một quan chức Không quân yêu cầu giấu tên nói rằng lần tăng cường lực lượng này có thể sẽ cần phải mua thêm các máy bay ném bom tàng hình Northrop Grumman B-21 thế hệ mới ngoài kế hoạch.

Sự hiện diện gia tăng của đội máy bay ném bom đặc biệt quan trọng ở Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang diễn tập các cuộc tấn không bằng máy bay ném bom tầm xa "ở khoảng cách có khả năng nhằm trúng lãnh thổ nước Mỹ", bà Wilson nêu rõ. Trung Quốc cũng đang phát triển nhanh chóng lực lượng máy bay ném bom và đội máy bay tiếp nhiên liệu trên không của họ.

Số lượng máy bay chiến đấu cũng sẽ được tăng cường. Không quân Mỹ muốn tăng từ 55 lên 62 phi đội máy bay chiến đấu, theo quan chức trên.

Cũng theo lời quan chức không quân này, sự gia tăng có thể không bao gồm các loại máy bay cũ như Boeing F-15 hay Lockheed Martin F-16, thế hệ máy bay được đưa vào hoạt động lần đầu tiên từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, vì chúng không có khả năng tàng hình và do đó dễ bị tấn công bởi các hệ thống phòng không tối tân của Nga và Trung Quốc. Thay vào đó, kế hoạch có thể sẽ bổ sung "năng lực tân tiến" bằng cách mua máy bay F-35 thế hệ thứ năm của Lockheed với tốc độ nhanh hơn.

Các phi đội tác chiến đặc biệt sẽ được tăng từ 20 lên 27, và phi đội vận chuyển hàng không từ 53 lên 54. Con số các phi đội tên lửa sẽ không thay đổi vì Không quân Mỹ hiện đang chuyển đổi nhiều lực lượng truyền tin của họ thành lực lượng không gian mạng.

Trong khi đó, lực lượng vũ trụ của Không lực Mỹ sẽ tăng từ 16 lên 23 phi đội tác chiến. Sự tăng cường này sẽ được thực hiện khi Bộ Quốc phòng xúc tiến thành lập một sở chỉ huy tác chiến thống nhất cho vũ trụ và Lực lượng Vũ trụ mới của Tổng thống Donald Trump, dù hai nỗ lực này không liên quan với nhau.

Nữ Bộ trưởng Wilson cho biết việc bổ sung máy bay tiếp nhiên liệu cũng rất quan trọng cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Không quân Mỹ trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương. Theo đề xuất, số phi đội tiếp dầu sẽ tăng từ 40 lên 54. Số phi đội máy bay điều khiển từ xa cũng sẽ tăng, từ 25 lên 27. 

[Không quân Mỹ lần đầu đánh giá khả năng chiến đấu của F-35A]

Bà Wilson cho biết một nhóm nội bộ trong Không quân Mỹ đã dành 6 tháng cuối cùng để hoàn tất một phân tích toàn diện về mối đe dọa giả định trong giai đoạn 2025-2030 và nhu cầu của các chỉ huy chiến đấu.

Trong vòng 5-6 tháng tới, Không quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành phân tích trước khi trình báo cáo cuối cùng theo thời hạn của Quốc hội là vào tháng 3/2019. Hai trung tâm nghiên cứu và phát triển do liên bang tài trợ cũng được giao nhiệm vụ phân tích tương tự và trình báo cáo lên Quốc hội.

Christopher Preble, Phó Viện trưởng phụ trách nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng của Viện Cato, lập luận rằng Lầu Năm Góc cần một chiến lược mới, chứ không cần thêm tiền.

"Chúng ta đang vay tiền để cấp ngân sách cho quân đội của chúng ta từ một quốc gia mà chúng ta cho là phải phòng thủ trước họ," chuyên gia Preble muốn ám chỉ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Wilson nhấn mạnh rằng sẽ có những hậu quả an ninh quốc gia nghiêm trọng cho nước Mỹ nếu Không quân không được tăng cường lực lượng.

"Điều đó có nghĩa là khoảng cách giữa chúng ta và một đối thủ lớn sẽ bắt đầu thu hẹp lại, có nghĩa là trong một cuộc khủng hoảng, Tổng thống Mỹ sẽ có ít sự lựa chọn hơn, và điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều rủi ro lớn hơn khiến chúng ta không thể hoàn thành các mục tiêu mà Chiến lược Phòng thủ Quốc gia đã đề ra"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục