Thay đổi tư duy cho nữ doanh nhân từ quản lý truyền thống sang số hóa

Để chuyển đổi số và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, điều tiên quyết và quan trọng nhất chính là nhận thức, tư duy số của lãnh đạo doanh nghiệp chứ không chỉ là công nghệ số.
Bà Trần Như An, Cố vấn năng lực cạnh tranh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển đổi phương thức và mô hình kinh doanh sang kinh tế số là một xu thế tất yếu. Song, giới chuyên môn cho rằng chuyển đổi số không xuất phát từ các vấn đề kỹ thuật, công nghệ hay quy mô tổ chức mà khởi đầu phải xuất phát từ tư duy của người lãnh đạo.

Trên cơ sở đó, ngày 29/3, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) phối hợp cùng Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo “Tư duy Lãnh đạo số cho Nữ doanh nhân.”

Tham gia hội thảo có hơn 400 các nữ doanh nhân trong mang lưới VAWE và các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp của người yếu thế (khuyết tật), doanh nghiệp Startup.

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, để chuyển đổi số và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, điều tiên quyết và quan trọng nhất chính là nhận thức, tư duy số của lãnh đạo doanh nghiệp chứ không chỉ là công nghệ số.

“Đây là trách nhiệm lớn lao của những nữ chủ doanh nghiệp của thời đại cách mạng công nghệ 4.0,” bà Dung nói.

Cùng có chung quan điểm, các chuyên gia chỉ ra việc nắm bắt một cách kịp thời và đầy đủ những thay đổi này là một yếu tố sống còn để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững.

Việt Nam hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 24% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ này đang cao nhất Đông Nam Á.

Trên thực tế, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP của đất nước và tạo ra nhiều việc làm cũng như trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Khi đại dịch COVID-19 hoành hành, các nữ doanh nhân thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ những phụ nữ vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhiều doanh nhân nữ gánh nặng gia đình lớn, nhưng vẫn vững tay chèo lái con thuyền doanh nghiệp, làm giàu cho chính mình, làm giàu cho đất nước...

Tại hội thảo, một số diễn giả đã chia sẻ câu chuyện tinh thần lãnh đạo thời kinh tế số từ góc nhìn của năng lực cạnh tranh đồng thời chỉ ra những cơ hội cũng như thách thức của việc chuyển đổi số và những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nữ để thực hiện và đẩy nhanh công tác chuyển đổi số.

Theo quan điểm của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam: “Chuyển đổi sang kinh tế số là một xu thế tất yếu chứ không phải một lựa chọn. Trong bối cảnh đó, nữ doanh nhân có thể phát triển một cách thông minh, tạo ra những khác biệt và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp của mình từ việc thay đổi tư duy lãnh đạo kinh tế truyền thống sang tư duy lãnh đạo kinh tế số. Bởi, chuyển đổi kinh tế số chính là sự thay đổi từ tư duy lãnh đạo.”

Từ góc nhìn chuyên gia về số hóa trong kinh doanh, bà Rathi Mani-Kandt, Trưởng phòng Chương trình Tăng cường Quyền năng Kinh tế cho Phụ nữ (CARE USA) cho rằng để làm rõ sự cần thiết của việc thay đổi tư duy lãnh đạo số của các nữ doanh nhân, cần nhấn mạnh những rào cản liên quan đến khả năng tiếp cận với công nghệ của phụ nữ đang ở mức độ hạn chế và thấp hơn so với nam giới, qua đó cũng chỉ ra những định hướng mà nữ doanh nhân cần làm để bắt kịp xu hướng thiết yếu của số hóa.

Bà Trần Như An, Cố vấn năng lực cạnh tranh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho hay USAID đã hợp tác với AED/MPI trong dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân (IPSC) với trị giá 36 triệu USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển, bao gồm cả những doanh nghiệp do phụ nữ và các nhóm yếu thế làm chủ.

“Trong 5 năm tới, IPSC sẽ tích hợp các yếu tố này vào việc thiết kế và triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển do phụ nữ làm chủ, bao gồm đào tạo kỹ năng phù hợp với những thách thức cụ thể về quản lý và lãnh đạo mà các nữ doanh nhân phải đối mặt, áp dụng các công cụ số và đổi mới mô hình kinh doanh, khả năng tiếp cận tài chính và mở rộng mạng lưới và cơ hội tiếp cận thị trường,” bà An chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục