Với những triệu chứng giống bệnh cúm, khó xác định bạn có mắc COVID-19 hay không.
Tuy nhiên, ứng dụng ZOE, vốn được dùng để theo dõi các triệu chứng khi nhiễm virus SARS-CoV-2, đã phát hiện ra hai dấu hiệu liên quan đến ăn uống.
Cụ thể, theo ứng dụng ZOE, kể từ tháng 1/2022, số người mắc COVID-19 có triệu chứng về dạ dày hoặc đường ruột đã tăng mạnh.
Trang web của Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) hiện tại vẫn xác định các biểu hiện sốt cao, ho dai dẳng và mất vị giác hoặc khứu giác là những triệu chứng chính khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
[Anh công bố 20 dấu hiệu cảnh báo nhiễm biến thể Omicron]
Tuy nhiên, ứng dụng ZOE lưu ý rằng người nhiễm virus này có thể xuất hiện các triệu chứng về đường ruột hoặc dạ dày như tiêu chảy, đau bụng và mệt mỏi. Các dấu hiệu này có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống, bao gồm mất cảm giác ngon miệng và bỏ bữa.
Năm ngoái, ứng dụng ZOE lưu ý rằng việc bỏ bữa trong thời gian ngắn vì không khỏe không phải là vấn đề quá đáng ngại đối với người dưới 65 tuổi.
Tuy nhiên, việc mất cảm giác ngon miệng ở người lớn tuổi trong thời gian dài có thể là dấu hiệu bất ổn và họ cần được thăm khám hoặc được các chuyên gia y tế tư vấn.
Theo ứng dụng này, bạn không nên ép mình ăn nếu không muốn ăn, song điều quan trọng là phải duy trì uống nước để bù đắp lượng nước mất đi khi cơ thể chống lại tình trạng nhiễm virus.
Trong khuyến nghị về quá trình phục hồi sau bệnh, NHS cũng đề cập sự thay đổi trong thói quen ăn uống.
Theo NHS, nhiều người sẽ bị mất cảm giác ngon miệng và giảm khẩu phần ăn do mệt mỏi khi mắc COVID-19 và trong quá trình phục hồi. Cảm giác mệt mỏi sau khi ốm là hoàn toàn bình thường và quá trình phục hồi cần có thời gian.
NHS nhấn mạnh việc ăn uống đầy đủ là rất quan trọng khi cơ thể người bệnh cần năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất để phục hồi. Dù khẩu vị có thể thay đổi do mắc bệnh, song bạn cần để ý bất kỳ sự thay đổi nào kéo dài hoặc tình trạng sụt cân.
NHS khuyến nghị nếu nghi ngờ có bất kỳ triệu chứng nào của mắc COVID-19, bạn cần xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm PCR./.