Từ năm học 2019-2020, Hà Nội sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, thay vì chỉ thi hai môn Toán, Văn, kết hợp với xét điểm học bạ bậc trung học cơ sở như hiện nay, học sinh sẽ phải thi ba bài thi gồm hai bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và một bài thi tổ hợp.
Có hai bài thi tổ hợp. Tổ hợp 1 gồm các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân. Tổ hợp 2 gồm các môn Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng Ba hàng năm.
Môn Toán, Văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm với nhiều mã đề khác nhau.
Thông tin này đã ngay lập tức gây nhiều ý kiến tranh cãi trái nhiều trong dư luận. Nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng và cho rằng sẽ gây áp lực và khiến học sinh phải học thêm nhiều hơn.
Thay đổi để tránh học tủ, học lệch
Trong buổi họp báo chiều nay, ngày 10/4, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng Phạm Quốc Toản, cho biết, phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 hệ không chuyên đã được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005-2006. Sau hơn 10 năm, phương thức tuyển sinh này đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Thứ nhất là tạo nên hiện tượng học lệch các môn. Học sinh chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán và lơ là các môn còn lại. Vì thế, chưa đảm bảo được mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc trung học cơ sở.
Thứ hai, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc trung học cơ sở chưa thật sự khách quan do việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên. Việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các nhà trường khác nhau.
[Hà Nội vẫn triển khai tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến]
Với các hạn chế đó, ông Toản cho biết hình thức tuyển sinh vào lớp 10 như hiện nay là không còn phù hợp.
“Việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp nhằm ba mục đích. Một là tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới. Hai là dần tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới: tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Ba là bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực Ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ ở trường phổ thông,” ông Toản cho biết.
Cũng theo ông Toản, bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Trong bài thi tổ hợp, ngoài môn Ngoại ngữ, ba môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với học sinh.
Hơn 700 phiếu “trưng cầu dân ý”
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi đã được các phóng viên đặt ra với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội như việc cơ sở nào để xác định hai tổ hợp môn thi trên, mỗi tổ hợp gồm cả môn tự nhiên và xã hội? Việc công bố môn thi mới trước một năm có kịp để học sinh chuẩn bị? Phải dự thi đến 6 môn liệu có gây áp lực lớn cho học sinh và làm nặng thêm tình trạng dạy thêm học thêm? Hà Nội đã lấy ý kiến người dân chưa trước khi quyết định triển khai?
Trả lời những câu hỏi này, ông Phạm Quốc Toản cho biết, việc bài thi tổ hợp vừa có môn xã hội, vừa có môn tự nhiên nhằm đảm bảo sự công bằng và khách quan cho mọi đối tượng học sinh tham gia kỳ thi.
[Hà Nội tổ chức thi vào lớp 10 vào ngày 7/6, chỉ tiêu tuyển sinh tăng]
Chia sẻ thêm về vấn đề này Phó Giám đốc Sở Lê Ngọc Quang cũng cho biết toàn bộ nội dung kiến thức thi sẽ nằm trong chương trình bậc trung học cơ sở.
“Trước khi đưa ra phương án này, chúng tôi cũng đã xin ý kiến người dân, cha mẹ học sinh, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các hiệu trưởng trường trung học phổ thông, trưởng các phòng giáo dục đào tạo, hiệu trưởng các trường trung học cơ sở. Có hơn 700 phiếu khảo sát đã được phát ra. Hầu hết lãnh đạo các trường, sở đều đồng tình,” ông Quang cho biết.
Về vấn đề liệu có nảy sinh dạy thêm học thêm, ông Quang cho rằng dạy thêm học thêm là việc bình thường vẫn diễn ra.
“Học sinh yếu học thêm để đạt trung bình, học sinh trung bình học thêm để đạt khá, em khá muốn học thêm để đạt loại giỏi.. Không nên cảm giác việc này sẽ làm tình trạng học thêm nhiều lên. Đề thi chỉ trong chương trình và các em sẽ học toàn diện hơn chứ không chỉ chú trọng vào một vài môn,” ông Quang nói./