Các hồ chứa thủy lợi đang “gánh” trên vai nhiều nhiệm vụ trọng yếu như: Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch… Tuy nhiên, hệ thống hồ chứa của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức do biến đổi khí hậu và nhiều công trình đã xuống cấp gây ra nguy cơ lớn về mất an toàn.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới” do Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hôm nay 19/11.
Nhiều đập, hồ chứa "già cỗi"
Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt và 1 hồ liên tỉnh. 8 hồ chứa thủy lợi liên tỉnh còn lại Bộ phân cấp cho các địa phương quản lý. Tại các địa phương quản lý hơn 6.700 hồ. 63 đơn vị cấp tỉnh quản lý kỹ thuật hơn 2.300 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ (chiếm 34%). Các đơn vị cấp huyện, xã quản lý kỹ thuật hơn 4.200 hồ chứa (trong đó 64% là hồ nhỏ).
Về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập quy trình vận hành (gồm 213 hồ tràn có cửa van điều tiết và 1.600 hồ mà tràn xả lũ là tràn tự do).
Cục Thủy lợi: Điều chỉnh mực nước hồ chứa để chủ động đón lũ
Cục Thủy lợi có công điện về việc bảo đảm về việc bảo đảm về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng, thiếu nước sinh hoạt do mưa lớn ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khẩn cấp.
Chỉ ra những thách thức đối với hệ thống hồ đập, ông Lương Văn Anh cho biết việc vận hành theo quy trình hiện nay chủ yếu căn cứ vào các yếu tố thời tiết dự báo (dự báo mưa) do thiếu các thiết bị đo mưa trên lưu vực hồ chứa. Ngoài ra, nhiều đập, hồ chứa được xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu đang đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế.
Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi nhận định trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, ngành thủy lợi đã đạt nhiều thành tựu lớn, được xếp vào top 10 các nước có hệ thống thủy lợi phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ mưa lũ tăng.
Trong khi thách thức từ biến đổi khí hậu ngày càng lớn thì theo ông Thành, hầu hết các hồ chứa thủy lợi được xây dựng trước năm 2000, khi thiết kế chưa đánh giá hết khả năng thoát lũ ở hạ du. Tại nhiều khu vực, nhu cầu nước cho sản xuất lớn hơn khả năng đáp ứng của hồ chứa…
Đa dạng nguồn lực đầu tư cho hệ thống hồ chứa
Mưa lũ bất thường do biến đổi khí hậu và nhiều công trình đã xuống cấp gây ra nguy cơ lớn đang là những thách thức đối với hệ thống hồ chứa của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới.
Trong thời gian tới, ông Thành kiến nghị ngành thủy lợi cần tăng cường thể chế, chính sách trong quản lý, đầu tư, bảo vệ công trình hồ chứa, đập dâng nhằm phát huy hiệu quả công trình và đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du; xây dựng và điều chỉnh quy trình vận hành... đặc biệt là đối với các hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ.
Ông Thành cho rằng cần chú trọng việc sử dụng linh hoạt, hợp lý phần dung tích trên mực nước dâng bình thường để tăng khả năng điều tiết cấp nước, phòng lũ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tính toán quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành công trình; tích cực huy động đa dạng nguồn lực trong đầu tư, khai thác và bảo vệ công trình hồ chứa, đập thủy lợi.
Tiến sỹ Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập trước tiên phải đảm bảo công trình “có chủ” đi cùng với đó là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập. Thứ hai, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu đo đạc để phát hiện rủi ro từ sớm.
Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cũng nhấn mạnh cần nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo về mưa lũ, đặc biệt là khả năng xuất hiện mưa bão cường độ cao hay sự dịch chuyển thời gian mưa. Các hồ đập cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong tình hình mới.
Ông Lương Văn Anh cũng nhận định trong tình hình mới các hồ chứa thủy lợi cũng như hồ chứa thủy điện đều hướng đến đa mục tiêu. Do đó, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho rằng đây là dư địa để các nguồn lực xã hội hóa về khoa học, công nghệ có thể đóng góp, giúp ổn định cuộc sống người dân.
Lãnh đạo Cục Thủy lợi khẳng định công tác quản lý Nhà nước về an toàn hồ đập nói riêng và hệ thống thủy lợi nói chung thời gian qua đã được nâng cao một bước. Ở cấp Trung ương, Cục Thủy lợi cam kết gấp rút hoàn thiện các dự thảo liên quan đến chính sách, cơ chế vận hành liên hồ chứa đồng thời bổ sung các quy định hỗ trợ cho các hồ chứa nhỏ, giúp thủy lợi cơ sở có thêm động lực quản lý, vận hành một cách hiệu quả./.