Thay đổi đánh giá học sinh: Phải thay đổi cả thi tuyển sinh lớp 10

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, nếu thay đổi cách đánh giá học sinh trung học nhưng không đồng bộ, hệ thống với thay đổi cách tuyển sinh vào lớp 10 thì sẽ chỉ là vòng luẩn quẩn.
Thầy Nguyễn Quốc Bình. (Ảnh: NVCC)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 22 về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông với nhiều điểm mới như bỏ xếp loại hạnh kiểm học sinh, bỏ điểm tổng kết chung cuối năm, thay tiêu chí học sinh giỏi, bỏ khen thưởng học sinh tiên tiến...

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Quốc Bình, cố vấn hội đồng quả trị trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), nguyên Hiệu trưởng các trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Trung học phổ thông Việt Đức, Trung học phổ thông Nhân Chính xung quanh vấn đề này.

Công bằng giữa các môn học

- Thưa thầy, là người có kinh nghiệm hàng chục năm làm hiệu trưởng ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cả ở hệ thống công lập và ngoài công lập, thầy đánh giá như thế nào về những điểm mới trong Thông tư 22 cũng như những tác động của các điểm mới đó đến việc dạy và học trong các nhà trường?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Tôi thấy Thông tư 22 có những điểm mới rất phù hợp với yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông và tôi rất ủng hộ.

Trước đây, chúng ta cứ nói đến giáo dục toàn diện nhưng cách đánh giá, thi cử làm cho học sinh học lệch. Thông tư 22 đã khắc phục được điều này, làm cho học sinh phải học đều các môn thay vì chỉ tập trung vào Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Cụ thể, Thông tư 22 không tính điểm trung bình chung của tất cả các môn như trước đây. Cách tính điểm trung bình chung của tất cả các môn dẫn đến học sinh có thể học lệch, chỉ cần tập trung ở một số môn và lơ là ở các môn khác vì điểm môn này có thể gánh cho môn kia. Việc đánh giá học sinh theo một điểm số duy nhất cũng không cho chúng ta thấy được học sinh có thiên hướng về học tập như thế nào, giỏi môn gì.   

Theo thầy Bình, cách đánh giá mới sẽ giúp học sinh học toàn diện hơn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bên cạnh đó, trong cách đánh giá học sinh cũ có quy định riêng với môn Toán và Ngữ văn. Học sinh bắt buộc phải có điểm trung bình môn Toán hoặc Ngữ văn đạt từ 8 điểm trở lên với các em xếp loại giỏi, từ 6,5 điểm trở lên với các em xếp loại khá và từ 5 trở lên với các em loại học lực trung bình. Cách đánh giá đó đã dẫn đến tư duy môn chính, môn phụ với nhiều hệ lụy: Các em học lệch, chỉ chú trọng Toán, Văn mà không coi trọng đúng mức các môn còn lại. Vì thế, có em điểm Toán rất cao nhưng lại không biết gì về lịch sử, về kiến thức xã hội.

Đánh giá học sinh như vậy cũng tạo ra sự phân biệt thầy cô môn chính và thầy cô môn phụ. Thầy cô môn chính thì học sinh và cả cha mẹ học sinh, thậm chí xã hội ưu ái hơn. Ở mức độ nào đó, đánh giá xếp loại trong nhà trường cũng có lợi thế hơn. Điều đó làm thầy cô dạy môn phụ không khỏi buồn lòng, từ đó làm thui chột động lực phấn đấu, niềm hăng say nghề nghiệp của thầy cô, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

[Bộ GD-ĐT thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh bậc THCS và THPT]

Cánh đánh giá không công bằng giữa các môn học cũng không đảm bảo công bằng giữa các học sinh khi các em giỏi Toán, Văn sẽ có lợi thế hơn trong xếp loại tổng thể cuối năm. Học sinh giỏi môn khác lại không được ghi nhận đúng mức trong khi chúng ta đều biết mỗi người có năng lực, tố chất riêng, ưu điểm riêng và có tới 8 loại trí thông minh khác nhau. Vì thế, cách đánh giá chỉ tập trung vào Toán, Văn, Ngoại ngữ như hiện nay là không chính xác và không công bằng.

Môn Lịch sử là một trong những môn được học sinh coi là môn phụ trong các nhà trường. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Với cách đánh giá mới của Thông tư 22, các môn học đều có vai trò như nhau, không có bất cứ sự ưu ái nào cho Toán, Văn. Học sinh để đạt loại tốt phải có tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức đạt trở lên, các môn đánh giá bằng điểm kết hợp nhận xét phải đạt từ 6,5 điểm trở lên, trong đó 6 môn từ 8 trở lên, không phân biệt môn nào, không nhất thiết phải có Toán, Văn.

Tất nhiên, dù sao trong thực tế, những môn đó cũng có ảnh hưởng lớn và các em có tập trung hơn, nhưng với cánh đánh giá mới, sự phân biệt sẽ không quá lớn như trước đây. Các em sẽ phải có sự coi trọng và phân bổ thời gian đều cho các môn.

Điều này phù hợp với mục tiêu giáo dục toàn diện mà chúng ta đang hướng đến ở bậc trung học cơ sở. Nhìn vào kết quả học tập của học sinh có thể thấy được thiên hướng của các em, giúp thầy cô và phụ huynh có thể định hướng nghề nghiệp cho học sinh một cách hợp lý hơn. Ở giai đoạn hướng nghiệp, bậc trung học phổ thông, các em sẽ có thể thoải mái hơn trong lựa chọn môn học mà mình có năng lực, sở trường mà không phải lo lắng cứ phải học Toán, Văn mới được đánh giá cao.

Việc đánh giá công bằng giữa các môn học sẽ xóa bỏ tư duy môn chính-phụ, xóa bỏ học lệch, là điều đã diễn ra quá lâu, tạo động lực cho các giáo viên để họ có thể dạy tốt hơn, học sinh học toàn diện hơn.

Phải thay đổi tuyển sinh lớp 10

- Đánh giá ở các nhà trường theo hướng toàn diện nhưng các kỳ thi tuyển sinh, như tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều nơi vẫn đang chú trọng vào Toán, Văn. Theo thầy, điều đó liệu có đảm bảo được học sinh không học lệch khi các em đều phải nỗ lực đạt kết quả cao trong kỳ thi này mới có thể có cơ hội vào trường mình mong muốn?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Đúng là nếu không thay đổi cách thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng đánh giá toàn diện thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện mà Thông tư 22 hướng đến. Nếu thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn chú trọng Toán, Văn, nhân đôi hệ số các môn này thì các em học sinh có thể sẽ chỉ học đều ở lớp 6, 7, bắt đầu học lệch dần từ lớp 8 và lớp 9 sẽ tập trung vào các môn thi tuyển.

Học sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, tôi cho rằng từ Thông tư 22, các tỉnh, thành cũng phải thay đổi cách tuyển sinh vào lớp 10. Ví dụ kỳ thi vào lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài Toán, Văn, Ngoại ngữ còn có thêm bài tổ hợp gồm cả các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Một số tỉnh không nhân hệ số môn Toán, Văn khi tính điểm xét tuyển. Điều đó là phù hợp, hướng đến giáo dục toàn diện.

Tôi cho rằng những địa phương hiện nay thi vào 10 vẫn chỉ có các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ hoặc nhân đôi hệ số môn Toán, Văn sẽ phải thay đổi, trong đó có Hà Nội.

Nếu không thay đổi một cách hệ thống thì sẽ chỉ trong vòng luẩn quẩn.

Giáo dục đang hướng tới học thật, thi thật, nhân tài thật như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cần phải có dạy thật. Không có dạy thật thì không có học thật, không có thi thật và không có chất lượng thật. Không có thi thật thì sẽ không có dạy thật và học thật.

Về lâu dài, giáo dục phải hướng đến thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh và xã hội về việc học để có tri thức và ứng dụng trong cuộc sống chứ không phải học để thi.

Sẽ không còn "mưa giấy khen"

- Nhiều ý kiến cho rằng theo Thông tư mới, không còn danh hiệu học sinh tiên tiến và sẽ không còn hiện tượng “mưa giấy khen.” Tuy nhiên, việc học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cũng sẽ khó khăn hơn, thưa thầy?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Thông tư 22 chỉ quy định hai danh hiệu khen thưởng học sinh là học sinh giỏi và học sinh xuất sắc bên cạnh khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất hoặc đặc biệt khác. Như vậy, sẽ không còn khen thưởng danh hiệu học sinh tiên tiến, vốn dành cho học sinh đạt học lực khá.

Tôi cho rằng điều này là hoàn toàn phù hợp. Phải nói thật là trong những năm qua, chúng ta đánh giá ảo nhiều quá. Ở những trường tốp đầu, có tới 90% học sinh đạt từ mức khá trở lên và được nhận giấy khen, làm mất ý nghĩa của việc khen thưởng và giảm động lực phấn đấu của học sinh.

Thông tư mới chỉ khen thưởng học sinh giỏi và xuất sắc là phù hợp.

Những tấm giấy khen sẽ chỉ được trao cho học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Theo Thông tư 22, để đạt danh hiệu học sinh giỏi sẽ khó hơn khi các em phải có tới 6 trên tổng số 8 môn có đánh giá bằng điểm số đạt mức từ 8 điểm trở lên.

Vì thế, có thể có học sinh, phụ huynh sẽ không hào hứng với cách đánh giá mới, nhất là khi chỉ áp dụng cho lớp thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 6 trong năm học tới, các lớp khác vẫn đánh giá theo cách cũ. Trong cùng một năm học nhưng ở các khối lớp khác nhau, cách đánh giá, khen thưởng khác nhau, trong đó cách đánh giá cũ dễ hơn cách đánh giá mới. Đây đó sẽ có độ vênh nhất định, nhưng tôi cho rằng việc áp dụng Thông tư 22 một cách có lộ trình là phù hợp vì cách đánh giá mới phải tương thích với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chính xác và nhân văn hơn

- Không chỉ thay đổi về cách đánh giá trong kết quả học tập của các môn học, Thông tư 22 cũng bỏ việc xếp loại hạnh kiểm của học sinh. Ông nghĩ sao về điều này?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Tôi cho rằng đây là điểm mới rất nhân văn.

Trước hết là sự thay đổi trong cách dùng từ ngữ. Thông tư 22 không dùng từ “xếp loại” như quy định cũ mà dùng từ “đánh giá,” không dùng từ “hạnh kiểm,” không xếp loại hạnh kiểm học sinh với bốn loại: Tốt, khá, trung bình, yếu như trước đây mà thay bằng đánh giá phẩm chất học sinh so với yêu cầu của chương trình đào tạo.

[Bỏ đánh giá hạnh kiểm với học sinh, thông báo riêng kết quả học tập]

Trước đây, chúng ta dùng từ “xếp loại hạnh kiểm” là rất nặng nề, thiên về đánh giá đạo đức con người, mang tính định kiến, nhiều khi như một bản án ám ảnh suốt đời với học sinh. Trong khi đó, ở lứa tuổi các em, việc phạm lỗi là khó tránh khỏi do còn bồng bột, thiếu suy nghĩ và vì thế, việc xếp loại hạnh kiểm phản ánh không chính xác bản chất.

Học sinh bị phạt đứng ngoài cửa lớp. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Từ thực tế như vậy nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi câu từ trong Thông tư này: Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh so với yêu cầu giáo dục, không nâng cao quan điểm như cách dùng từ trước đây.

Thông tư 22 cũng quy định kết quả học tập, rèn luyện của học sinh phải được thông tin riêng với phụ huynh. Trước đây, thầy cô thường mang kết quả đó ra đọc trong buổi họp phụ huynh cuối năm, tuyên dương học sinh này, phê bình học sinh kia, đôi khi thầy cô nói những từ ngữ làm phụ huynh buồn, rất phản cảm, không văn minh, không nhân văn. Tất cả những phần riêng tư, học sinh nào cần trao đổi, hãy gặp riêng. Họp phụ huynh chỉ bàn cái chung, làm sao để sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh đạt hiệu quả.

["Chat" với thầy hiệu trưởng xì-tin gây bão]

Vì thế, tôi cho rằng thay đổi đầu tiên là phải từ những người làm trong ngành giáo dục, phải thay đổi về quan điểm, cách ứng xử, cách làm việc, cách giảng dạy.

Nhìn chung, tôi thấy Thông tư 22 đã đáp ứng được mong đợi của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong cách đánh giá học sinh, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu cần đạt, hướng tới giáo dục toàn diện. Có những hạn chế của cách đánh giá cũ đã tồn tại hàng chục năm được khắc phục trong Thông tư mới.

Từ cách đánh giá sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong trường học, từ học sinh đến giáo viên, cán bộ quản lý, đến chất lượng dạy và học. Sự thay đổi trong Thông tư này là đáng mừng và tôi cũng mong đợi nó sẽ tác động, tạo sinh khí mới cho ngành giáo dục để việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tạo hiệu quả tốt nhất.

Các nhà trường cần giải thích cho cha mẹ học sinh về những điểm mới của Thông tư 22, nhất là trong bối cảnh cả các đánh giá cũ và mới sẽ được thực hiện song song trong cùng một năm học với các khối lớp khác nhau.

- Xin cảm ơn thầy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục