Thấy bằng chứng về một dạng sóng hấp dẫn gây tiếng ồn nền khắp vũ trụ

Trong suốt nhiều năm qua, hàng trăm nhà khoa học đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến và máy dò sóng hấp dẫn ở các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia.
Thấy bằng chứng về một dạng sóng hấp dẫn gây tiếng ồn nền khắp vũ trụ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Ngày 29/6, các nhà thiên văn trên khắp thế giới cho biết đã tìm thấy bằng chứng đầu tiên về một dạng sóng hấp dẫn đã được đề cập lâu nay trong lý thuyết, được cho là yếu tố gây ra "tiếng ồn nền” khắp vũ trụ.

Phát hiện đột phá này được coi là cột mốc quan trọng để mở cánh cửa mới vào vũ trụ.

Trong suốt nhiều năm qua, hàng trăm nhà khoa học đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến và máy dò sóng hấp dẫn ở các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia để nghiên cứu và đi đến đột phá trên.

Hơn 1 thế kỷ trước, nhà khoa học Albert Einstein đã đưa ra những tiên đoán đầu tiên về sóng hấp dẫn - những gợn sóng lan truyền trong cấu trúc của vũ trụ với tốc độ ánh sáng và gần như không bị cản trở.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2015, các đài quan sát của Mỹ và Italy mới có thể xác nhận sự tồn tại của sóng hấp dẫn, sau khi hai lỗ đen va chạm vào nhau.

Sóng hấp dẫn "tần số cao" này là kết quả của một sự kiện trong vũ trụ, tạo ra một vụ nổ mạnh, truyền những gợn sóng ngắn về phía Trái Đất. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên, các nhà khoa học đã tìm kiếm những sóng hấp dẫn với tần số thấp - những gợn sóng lăn tăn liên tục trong không gian giống như những "tiếng ồn nền."

Ngày 29/6, các nhà khoa học cho biết cuối cùng cũng đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ về "tiếng ồn nền" này.

Theo các nhà khoa học, khi sóng hấp dẫn truyền trong không gian, chúng nén và kéo giãn mọi thứ đi qua. Đi tìm bằng chứng về giả thuyết này ở sóng hấp dẫn tần số thấp, các nhà thiên văn học đã xem xét các pulsar - tàn dư của những ngôi sao đã phát nổ.

Các pulsar quay hàng trăm lần trong một giây, phát ra các chùm sóng vô tuyến với những khoảng thời gian cực kỳ đều đặn, giống như những ngọn hải đăng vũ trụ.

Thành viên nhóm nghiên cứu, tiến sỹ Michael Keith ví những pulsar này hoạt động như một chiếc đồng hồ với độ chính xác cao.

Trong quá trình nghiên cứu, các kính viễn vọng vô tuyến trên khắp thế giới đã quan sát tổng cộng 115 pulsar trong Dải Ngân hà. Sau đó, các nhà khoa học đã đo sự khác biệt cực kỳ nhỏ trong thời gian của các xung để tìm kiếm các dấu hiệu về sóng hấp dẫn.

[NASA phát hiện phân tử carbon quan trọng hình thành sự sống]

Nhà vật lý thiên văn người Pháp Antoine Petiteau cho biết họ có thể "phát hiện những thay đổi nhỏ hơn một phần triệu giây trong hơn 20 năm."

Giáo sư vật lý Maura McLaughlin từ chương trình Hợp tác Tìm kiếm Pulsar (Mỹ) khẳng định đây “thực sự là một khoảnh khắc kỳ diệu" sau lần đầu tiên nhìn thấy bằng chứng về sóng hấp dẫn vào năm 2020.

Những bằng chứng ban đầu này phù hợp với "Thuyết tương đối" của nhà khoa học Einstein và hiểu biết hiện tại về khoa học vũ trụ. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh họ vẫn chưa "phát hiện" sóng hấp dẫn một cách rõ ràng.

Theo tiến sỹ Keith, khả năng tìm ra sóng hấp dẫn hiện mới chỉ là 99%. Các nhà khoa học hy vọng trong 1-2 năm tới có thể tìm ra được những bằng chứng rõ ràng hơn khẳng định sự tồn tại của sóng hấp dẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục