Tháng 10 năm nay, một thanh niên người Tứ Xuyên, Trung Quốc đã đến Kobane, thành phố biên giới phía Bắc Syria, tham gia Tổ chức Phòng vệ Nhân dân người Kurd (YPG), trở thành công dân Trung Quốc đầu tiên tham gia chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Gần đây, chàng trai này đã nhận lời phỏng vấn của BBC để giới thiệu con đường đến Syria và quá trình tham gia chống IS tại đây.
Chàng trai này sinh năm 1990 đến từ Tứ Xuyên, một tỉnh Tây Nam Trung Quốc. Ngày 24/9, anh chuyển chuyến bay từ Thái Lan đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và ngày 12/10 đặt chân đến Syria.
Trước khi đi, anh không nói với người nhà về đích đến cuối cùng của mình. Để phục vụ cho cuộc phỏng vấn, anh ta tiết lộ mình mang họ Bàn.
Bàn nói anh không có công việc cố định khi còn ở trong nước và mới chia tay với bạn gái. Đối với Bàn, tham gia chống IS là việc làm có ý nghĩa: "Con người nên làm việc gì đó có ý nghĩa... Đối với tôi, việc có thể làm là cầm súng chiến đấu."
Tháng Ba năm nay, Huỳnh Lỗi, chàng thanh niên 23 tuổi người Anh gốc Hoa cũng đã đến Syria để tham gia chống IS. Câu chuyện này trở thành chủ đề nóng trên trang mạng xã hội weibo của Trung Quốc.
Bàn cho biết qua thông tin về Huỳnh Lỗi anh mới biết bản thân có thể tham gia chống IS. Bàn cảm thấy hừng hực khí thế khi nghe thấy lời kêu gọi của Huỳnh Lỗi.
Đến Kobane, Bàn thậm chí còn nghĩ Huỳnh Lỗi vẫn ở đó. Bàn nói rằng anh ta đã tham gia 2 trận chiến tại đây.
Bàn không biết nói tiếng Anh, cũng không biết tiếng Arab nên thường phải dùng đến từ điển để nói chuyện với đồng đội ở YPG.
Sau khi gia nhập YPG, Bàn thường xuyên đăng tải hình ảnh trong trang phục chiến đấu cùng súng lên weibo.
Bàn tiết lộ do cơ cấu tổ chức lỏng lẻo nên vũ khí trang bị cho tình nguyện viên rất hạn chế: "Không thể không thừa nhận vũ khí của IS mạnh hơn rất nhiều so với YPG." Bàn viết trên mạng xã hội: "IS sở hữu rất nhiều tay súng đánh thuê tinh nhuệ đến từ Chechnya... còn đội tình nguyện quốc tế của chúng tôi chỉ có 20 người lại hoạt động phân tán. Chúng tôi chỉ có 1 cỗ súng cối 120mm còn IS có những 4 cỗ như vậy, cộng thêm với những tay súng bắn tỉa."
Nhưng Bàn nói rằng anh không hề run sợ: "Dù có khó khăn đến đâu, tôi tin rằng chính nghĩa sẽ chiến thắng... Dù sao thì cũng đã đến đây, tôi chưa từng lo ngại cho sự an toàn của bản thân. Tôi biết cách bảo vệ bản thân."
Tính đến tháng Sáu, đã có 400 người nước ngoài tham gia Tổ chức Phòng vệ Nhân dân người Kurd, chủ yếu đến từ Australia, Mỹ và châu Âu./.