Thất nghiệp - Vấn đề nan giải của Trung Quốc khi nền kinh tế đi xuống

Do chịu tác động lớn từ chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đối với vấn đề thất nghiệp, không có lợi cho ổn định xã hội.
Thất nghiệp - Vấn đề nan giải của Trung Quốc khi nền kinh tế đi xuống ảnh 1Thanh niên Trung Quốc đăng ký tìm kiếm việc làm. (Nguồn: Xinhua)

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang phát đi tín hiệu lạc quan. Điều này cho thấy hai bên đều mong muốn đạt được thỏa thuận một phần mà đằng sau nó là những tính toán về kinh tế của Trung Quốc và áp lực bầu cử Tổng thống Mỹ.

Do chịu tác động lớn từ chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đối với vấn đề thất nghiệp, không có lợi cho ổn định xã hội.

Tăng trưởng GDP không chỉ là con số

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc mới đây đã công bố các số liệu kinh tế quý 3/2019, trong đó có thể được phân thành 3 loại. Thứ nhất, nhóm các chỉ số vượt dự báo như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ hai là nhóm chỉ số thấp hơn dự báo như tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6%, là mức thấp nhất kể từ năm 1992. Thứ ba là nhóm nằm trong phạm vi dự báo như tổng sản lượng lương thực tiếp tục duy trì ở mức 650 triệu tấn trở lên.

Trong 3 loại nhóm kinh tế nêu trên, dư luận quan tâm nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2019 của Trung Quốc thấp hơn dự báo. Bởi trước khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chính thức công bố số liệu kinh tế quý 3/2019, đa số chuyên gia kinh tế cho rằng dù tương đối bi quan, nhưng tốc độ tăng trưởng trong quý 3/2019 của Trung Quốc vẫn đạt 6,1%.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong quý 3/2019, kinh tế nước này tăng trưởng 6%, mức thấp nhất trong gần ba thập niên, trong bối cảnh sự sụt giảm nhu cầu trong nước và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Đây là mức tăng hàng quý thấp nhất kể từ năm 1992, dù vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 6-6,5% năm 2019 mà Chính phủ Trung Quốc đã đề ra.

[Trung Quốc trước nỗi lo tiền không chảy vào các thực thể kinh doanh]

Theo nhận định của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc đã duy trì sự ổn định trong các quý 1-3/2019, song lưu ý trước những diễn biến phức tạp của các điều kiện kinh tế cả ở trong nước lẫn nước ngoài, cùng với đó là sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và tình trạng gia tăng bất ổn ở bên ngoài, kinh tế Trung Quốc đang chịu sức ép đi xuống.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương cho biết trong ba quý đầu năm 2019, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,2%, qua đó đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của toàn cầu.

Tiêu dùng và đầu tư tiếp tục tăng đều bất chấp nhiều áp lực, trong đó hoạt động tiêu dùng trong nước đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng, khi hoạt động này đóng góp đến hơn 60% cho tăng trưởng GDP.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong ba quý qua cũng tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Dịch Cương, các chỉ số kinh tế quan trọng đều nằm trong vùng hợp lý, song ông lưu ý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn từ bên ngoài do xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều nền kinh tế lớn.

Cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ đang tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9/2019 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 8,5%, trong khi mức dự báo lần lượt là giảm 2,8% và 6% do hãng tin Bloomberg đưa ra trước đó.

Việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 3/2019 rơi xuống mức thấp nhất trong 27 năm khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng điều tồi tệ hơn vẫn đang chờ trong quý cuối cùng của năm 2019 này.

Nói cách khác, dư luận đã dấy lên nghi ngờ về khả năng tăng trưởng kinh tế quý 4/2019 của Trung Quốc sẽ phá “chốt chặn,” rớt xuống dưới ngưỡng 6%.

Gọi mức tăng trưởng kinh tế 6% là “chốt chặn” bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Trung Quốc đề ra cho năm 2019 là trong khoảng từ 6%-6,5%. Quý 1/2019, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 6,4% và quý 2 là 6,2%.

Thất nghiệp - Vấn đề nan giải của Trung Quốc khi nền kinh tế đi xuống ảnh 2Công nhân đóng gói hàng hóa tại một công ty chuyển phát ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nếu GDP của Trung Quốc cao hơn 6% trong năm nay và đạt được "khoảng 6%" trong năm 2020, Bắc Kinh mới có thể tuyên bố hoàn thành mục tiêu "tăng gấp 4 lần GDP đầu người từ năm 2000 tới năm 2020."

Đành rằng, đối với các nền kinh tế có quy mô lớn, việc đạt được tăng trưởng 6% có thể nói là điều kỳ diệu. Lấy ví dụ, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 2%, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì tới vị thế nền kinh tế mạnh mẽ nhất thế giới của Mỹ.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể lại là một trường hợp khác. Trung Quốc buộc phải đặt mục tiêu tăng trưởng cao vì nước này đang theo đuổi việc trở thành một quốc gia hùng mạnh và đòi hỏi nhiều thứ hơn là GDP, bao gồm cả sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cải thiện đời sống người dân cũng như điều hành đất nước.

Hồi tháng 12/2018, Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng trong khi duy trì nền kinh tế vận hành trong vùng hợp lý, năm 2019 Bắc Kinh cần ổn định 6 mặt công tác, bao gồm ổn định việc làm, ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư và ổn định kỳ vọng.

Năm 2019, ổn định việc làm tiếp tục được đặt ở vị trí đầu tiên. Như vậy, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc gắn chặt với nhiều nhân tố, trong đó việc làm có thể coi là quan trọng nhất.

Nỗi lo tiềm ẩn trong tương lai gần

Từ đầu năm lại đây, số liệu việc làm mà Trung Quốc công bố đều tốt hơn dự đoán. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, ba quý đầu năm 2019, số việc làm tăng mới ở khu vực thành thị trong cả nước là 10,97 triệu việc làm, hoàn thành 99,7% mục tiêu đề ra cho năm 2019. Điều này có nghĩa là tới tháng 10/2019, Bắc Kinh đã có thể hoàn thành mục tiêu tạo việc làm cả năm 2019 và chỉ chờ vượt kế hoạch.

Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trong tháng 9/2019 là 5,2%, ngang bằng tháng trước, cho thấy tình hình thất nghiệp không xấu đi. Vấn đề ở chỗ nếu kinh tế không có nguy cơ xuất hiện diễn biến bất ngờ thì tại sao mới đây Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phải triệu tập các bộ ngành, tỉnh thành về Cáp Nhĩ Tân (Hắc Long Giang) để bàn thảo vấn đề việc làm và trong 6 mặt công tác cần ổn định, việc làm vẫn được giới chức Trung Quốc quan tâm nhất.

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới tình hình việc làm của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu xem xét tình hình phát triển kinh tế, xã hội Trung Quốc năm nay có thể thấy vấn đề quan tâm nhất vẫn là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đi xuống. Dư luận hiện rất quan tâm về khả năng kinh tế quý 4/2019 của Trung Quốc có tiếp tục xấu đi nữa hay không.

Như cách nói của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thì môi trường quốc tế hiện nay không quá lạc quan, nhưng kinh tế nước này lại được hỗ trợ bởi không ít nhân tố có lợi trong nước. Tuy nhiên, nhân tố đó cụ thể là gì Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc không cho biết rõ, chỉ nêu một số “tín hiệu” và nói rằng do các thành tố kinh tế cốt yếu của quý 4/2018 tương đối thấp, cho nên có thể bảo đảm xu thế ổn định về kinh tế trong quý 4/2019.

Cách nói như vậy rõ ràng khó có thể loại bỏ được lo lắng của dư luận bởi vì ảnh hưởng của nhân tố bên ngoài đối với kinh tế Trung Quốc hiện nay tương đối lớn. Đặc biệt, nếu hoạt động kinh doanh không tốt, làn sóng cắt giảm, tạm dừng sản xuất kinh doanh và thậm chí là đóng cửa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp xuất khẩu (vốn đóng góp tương đối lớn cho kinh tế Trung Quốc) có thể sẽ xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường việc làm và tình hình thất nghiệp sẽ leo thang.

Báo cáo mới nhất do Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc công bố cho biết, mặc dù kinh tế nước này tăng trưởng ổn định, nhưng áp lực đi xuống vẫn chưa biến mất. Thời kỳ suy thoái kinh tế vĩ mô xuất hiện nhiều yếu tố cho thấy sự phân hóa của kết cấu kinh tế, bao gồm rủi ro về việc làm trong một số ngành nghề và khu vực gia tăng.

Sắp tới, nếu Mỹ tăng mức thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc lên 21-24%, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường việc làm ở Trung Quốc sẽ nhanh chóng hiện rõ. Các ngành như chế tạo thiết bị thông tin, thiết bị máy móc, cơ giới, sản xuất chế phẩm cao su, nhựa và kim loại có thể xuất hiện tình trạng thất nghiệp quy mô lớn. Các tỉnh tập trung ngành nghề xuất khẩu sang Mỹ như Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô và Sơn Đông... cũng đối mặt với áp lực thất nghiệp tương đối lớn.

Báo cáo cũng chỉ rõ trong 8 tháng đầu năm 2019, tốc độ suy giảm về nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới, sản phẩm cơ điện cao hơn nhiều so với tốc độ suy giảm chung của nhập khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại với Mỹ cũng xuất hiện tình trạng lao dốc mạnh.

Kết hợp hai nhân tố này ở một chừng mực nào đó phản ánh tình trạng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tác động ở tầng sâu đối với hoạt động ngoại thương, không có lợi cho việc tối ưu hóa kết cấu sản phẩm xuất khẩu và nâng cấp ngành chế tạo của Trung Quốc.

Quả thực, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ tạm dừng leo thang và còn nhiều biến số. Mỹ phát động chiến tranh thương mại ban đầu là nhằm giảm thâm hụt thương mại, dần dần biến thành yêu cầu cải cách kết cấu kinh tế Trung Quốc.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một chỉ bao gồm yêu cầu Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ để đổi lại việc Mỹ giảm, miễn một phần thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, tại cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng hôm 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng ngoài việc Trung Quốc bắt đầu mua nông sản Mỹ, ông còn muốn nhiều hơn nữa.

Vấn đề càng trở nên phức tạp khi phía Mỹ dường như đã ý thức được rằng đàm phán thương mại giai đoạn tiếp theo không có quá nhiều khả năng đạt được kết quả trước kỳ bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020. Bởi để đạt được thỏa thuận thực chất cho giai đoạn hai, ông Trump sẽ phải dỡ bỏ phần lớn, thậm chí toàn bộ các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này rất khó thực hiện trong bối cảnh chính trị Mỹ hiện nay khi mà cứng rắn với Trung Quốc đã trở thành nhận thức chung và không chỉ bó hẹp trong phạm vi giới tinh hoa.

Về phía Trung Quốc, liệu Bắc Kinh có thực sự muốn đưa ra nhượng bộ lớn hơn đối với Washington trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại cho các giai đoạn tiếp theo? Câu trả lời có lẽ là “Không.” Bởi nếu trước bầu cử, kinh tế Mỹ suy thoái, nhiều khả năng sẽ kéo theo hệ quả là ông Trump trở thành Tổng thống một nhiệm kỳ.

Khi đó, câu hỏi sẽ là người kế nhiệm ông Trump có chấp nhận thỏa thuận đó không? Ngoài ra, đàm phán thương mại Mỹ-Trung giai đoạn tiếp theo đụng chạm tới nhiều vấn đề kinh tế cốt lõi liên quan tới quyền lợi phát triển của Trung Quốc, cần phải cẩn trọng hơn nhiều. Hơn nữa, qua hơn một năm diễn ra chiến tranh thương mại, sách lược của Trung Quốc cơ bản vẫn là lấy không gian đổi lấy thời gian, câu giờ và chờ đợi cơ hội.

Nói tóm lại, bóng ma chiến tranh thương mại leo thang vẫn lơ lửng. Tác động của các biện pháp thuế quan đối tới kinh tế nói chung và thị trường việc làm Trung Quốc nói riêng vẫn chưa thể hiện hết.

Trong khi đó, tuy số việc làm mới được tạo ra ở Trung Quốc năm nay đã vượt qua con số 10 triệu, nhưng chắc chắn vẫn chưa thể hấp thụ được số lượng sinh viên tốt nghiệp kỷ lục, lên tới 8,34 triệu người.

Đó là chưa nói tới mức độ dịch chuyển của người dân Trung Quốc tương đối lớn có thể ảnh hưởng tới tính chính xác của điều tra về tình trạng thất nghiệp. Nhiều cơ quan truyền thông cho hay mấy tháng trước, hàng loạt công nhân xuất thân từ nông thôn ở Trung Quốc đã trở về quê. Sự góp mặt của họ trong đội ngũ thất nghiệp có thể trở thành nhân tố dẫn tới sự bất ổn định xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục