Cân lên đặt xuống từng đồng, tranh thủ mọi nguồn giá rẻ và xắn tay vào bếp tự làm…, các bà nội trợ đang đau đầu để có một cái Tết tươm tất cho gia đình giữa thời kinh tế khó khăn.
Cắt giảm tối đa
Cầm chiếc áo phao cho cậu con trai trên tay, chị Nguyễn Thị Thủy, ở Hà Đông, Hà Nội, cứ ngần ngừ mãi. “Tết thì nhất định phải mua cho con chiếc áo mới, nhưng áo ấm quá thì lại sợ mấy ngày Tết trời nóng, mà mua cả áo mỏng lẫn áo dày thì hơi tốn tiền,” chị Thủy phân trần.
Làm giảng viên ở một trường đại học nên mức thu nhập của chị khoảng chục triệu đồng/tháng, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, tiền cho cậu con trai đang ở bậc tiểu học và cô con gái nhỏ ở lớp mầm non.
“Năm ngoái chồng làm ăn được thì sắm Tết mạnh tay hơn, nhưng năm nay ngành xây dựng của chồng đâu đâu cũng thất bát, thành thử phải thắt lưng buộc bụng, đong đếm từng đồng. May mình làm giáo viên, thu nhập tương đối ổn định, không thì không biết lấy gì sắm sửa,” chị Thủy bùi ngùi.
Đặt chiếc áo xuống sạp hàng, chị bảo, tối qua hai vợ chồng đã phải ngồi lên danh sách tất cả các đồ cần mua cho dịp Tết, ước lượng giá cả, rồi bàn xem biếu ông bà hai bên nội ngoại bao nhiêu, mừng tuổi những ai, chừng nào tiền. Sơ sơ cũng đã lên đến hơn chục triệu đồng.
Giống như chị Thủy, chị Nguyễn Thị Thảo, ở khu đô thị Văn Quán, cũng đã lên kế hoạch sắm Tết khá chi tiết trên tinh thần mọi thứ đều phải giảm thiểu tối đa. Năm ngoái mua ba thùng bia thì năm nay xuống hai thùng. Năm ngoái biếu bố mẹ mỗi bên 2 triệu, năm nay giảm một nửa. Chỉ con được mua quần áo mới, còn bố mẹ thì chịu khó diện đồ cũ. Tiền hoa quả, bánh trái, quà cáp ngày Tết cũng cắt một phần ba. “Chỉ có tiền mừng tuổi của con là không giảm, vì quanh đi quẩn lại vẫn ở túi mình,” chị Thảo cười thật thà.
Lo xa hơn và nâng cao tinh thần tiết kiệm, chị Nguyễn Thanh Tuyền, ở phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, còn lên danh sách đồ cho Tết từ tháng trước và mua dần đồ từ đầu tháng Chạp.
“Để đến giáp Tết mới mua thì giá sẽ đắt hơn rất nhiều. Ví dụ như măng mua sớm có 200.000 đồng một cân, giờ đã lên 240.000 đồng, hạt hướng dương trước là 40.000 đồng một cân, giờ cũng tăng lên 55.000 đồng… Mỗi thứ một ít, gom lại cũng tiết kiệm được đáng kể,” chị Tuyền nhẩm tính.
Cũng theo bà mẹ trẻ này, đi mua đồ Tết nhất định phải lên danh sách trước, nếu không rất hay bị quên vì có nhiều thứ cần mua đồng thời cũng dễ ”rước” cả những thứ không thật cần thiết về nhà. Gần Tết, mặt hàng nào cũng đề giảm giá, khuyến mãi để kích cầu, nhưng phải tinh ý lựa chọn vì nhiều khi người bán đã nâng khống lên rồi giả như giảm xuống, hoặc ham rẻ mà mua đồ không chất lượng, hoặc mua quá mức cần dùng.
“Đấy là kinh nghiệm khá ‘xương máu’ của tôi khi đi mua đồ Tết, đặc biệt là vào những siêu thị lớn, cứ hoa cả mắt vì khuyến mãi,” chị Tuyền chia sẻ.
Xắn tay vào bếp
Không chỉ mua sắm “chặt” tay, kinh tế khó khăn cũng là dịp để các chị em phải “lăn” vào bếp để giảm chi phí cho gia đình.
Bác Lê Thị Tâm, bán cà rốt ở chợ Bông Đỏ, cho biết, năm nay rất nhiều người mua cà rốt về để làm mứt chứ không chỉ mua về nấu ăn như trước. Bản thân bác Tâm cũng đã làm sẵn vài mẻ mứt dừa lẫn mứt cà rốt chờ Tết đến.
Bác Tâm tính toán, bây giờ đang là mùa cà rốt nên một cân cà rốt loại ngon giá chỉ 10.000 đồng, mua hai cân hết có 20.000 đồng. Với mứt dừa thì nên mua cả quả thay vì mua theo lạng, giá sẽ rẻ hơn, một quả chỉ 20.000 đồng, mua hai quả là đủ. Tính thêm cả đường, tổng chi chưa đến 100.000 đồng, ăn mứt thoải mái, lại đảm bảo an toàn về chất lượng, trong khi mua một cân mứt rẻ nhất cũng đã 150.000 đồng.
Muốn tiết kiệm thì phải chịu khó cũng là tiêu chí của chị Tuyền ở Lạc Long Quân. Chịu khó từ khâu khảo giá trước khi mua đến việc xắn tay vào bếp tự làm mọi thứ: Mứt tự làm, hướng dương tự rang, dưa, hành muối sẵn một hũ đầy, thức ăn thì dự trù trước các món, tẩm ướp sẵn rồi chia bữa, cho vào tủ lạnh.
Theo chị Tuyền, một cân hướng dương sống giá rẻ hơn khoảng 20.000 đồng so với hướng dương chín. Làm hành muối tuy hăng mắt một chút nhưng cũng tiết kiệm được kha khá so với đi mua lẻ ngoài hàng. “Tết sắm sửa linh tinh nhiều thứ chứ ăn uống chẳng đáng bao nhiêu. Chịu khó vào bếp một tí, vừa có không khí Tết nhất, vừa đảm bảo vệ sinh, lại tiết kiệm được ít tiền mua sữa cho con,” chị Tuyền vui vẻ nói.
Không chỉ phụ nữ, nhiều ông chồng cũng xông xáo vào bếp chuẩn bị Tết cùng vợ. Tay cầm đĩa lạp xưởng vừa làm để khoe thành tích, anh Vũ Văn Tuấn, ở Thanh Xuân, Hà Nội cười bảo: “Đây là món tôi vừa học được trong chuyến công tác Lạng Sơn. Tết này quyết làm để hưởng ứng tinh thần tiết kiệm của bà xã. Hy vọng sang năm mới, ngân sách tài chính gia đình sẽ sáng sủa hơn.”
Hy vọng của anh Tuấn cũng là mong mỏi của tất cả mọi người, cầu mong cho một năm mới thịnh vượng hơn. Nhưng theo anh Tuấn, kinh tế khó khăn cũng là lúc mọi người nhìn lại cách chi tiêu để biết tiết chế một cách hợp lý hơn./.
Cắt giảm tối đa
Cầm chiếc áo phao cho cậu con trai trên tay, chị Nguyễn Thị Thủy, ở Hà Đông, Hà Nội, cứ ngần ngừ mãi. “Tết thì nhất định phải mua cho con chiếc áo mới, nhưng áo ấm quá thì lại sợ mấy ngày Tết trời nóng, mà mua cả áo mỏng lẫn áo dày thì hơi tốn tiền,” chị Thủy phân trần.
Làm giảng viên ở một trường đại học nên mức thu nhập của chị khoảng chục triệu đồng/tháng, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, tiền cho cậu con trai đang ở bậc tiểu học và cô con gái nhỏ ở lớp mầm non.
“Năm ngoái chồng làm ăn được thì sắm Tết mạnh tay hơn, nhưng năm nay ngành xây dựng của chồng đâu đâu cũng thất bát, thành thử phải thắt lưng buộc bụng, đong đếm từng đồng. May mình làm giáo viên, thu nhập tương đối ổn định, không thì không biết lấy gì sắm sửa,” chị Thủy bùi ngùi.
Đặt chiếc áo xuống sạp hàng, chị bảo, tối qua hai vợ chồng đã phải ngồi lên danh sách tất cả các đồ cần mua cho dịp Tết, ước lượng giá cả, rồi bàn xem biếu ông bà hai bên nội ngoại bao nhiêu, mừng tuổi những ai, chừng nào tiền. Sơ sơ cũng đã lên đến hơn chục triệu đồng.
Giống như chị Thủy, chị Nguyễn Thị Thảo, ở khu đô thị Văn Quán, cũng đã lên kế hoạch sắm Tết khá chi tiết trên tinh thần mọi thứ đều phải giảm thiểu tối đa. Năm ngoái mua ba thùng bia thì năm nay xuống hai thùng. Năm ngoái biếu bố mẹ mỗi bên 2 triệu, năm nay giảm một nửa. Chỉ con được mua quần áo mới, còn bố mẹ thì chịu khó diện đồ cũ. Tiền hoa quả, bánh trái, quà cáp ngày Tết cũng cắt một phần ba. “Chỉ có tiền mừng tuổi của con là không giảm, vì quanh đi quẩn lại vẫn ở túi mình,” chị Thảo cười thật thà.
Lo xa hơn và nâng cao tinh thần tiết kiệm, chị Nguyễn Thanh Tuyền, ở phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, còn lên danh sách đồ cho Tết từ tháng trước và mua dần đồ từ đầu tháng Chạp.
“Để đến giáp Tết mới mua thì giá sẽ đắt hơn rất nhiều. Ví dụ như măng mua sớm có 200.000 đồng một cân, giờ đã lên 240.000 đồng, hạt hướng dương trước là 40.000 đồng một cân, giờ cũng tăng lên 55.000 đồng… Mỗi thứ một ít, gom lại cũng tiết kiệm được đáng kể,” chị Tuyền nhẩm tính.
Cũng theo bà mẹ trẻ này, đi mua đồ Tết nhất định phải lên danh sách trước, nếu không rất hay bị quên vì có nhiều thứ cần mua đồng thời cũng dễ ”rước” cả những thứ không thật cần thiết về nhà. Gần Tết, mặt hàng nào cũng đề giảm giá, khuyến mãi để kích cầu, nhưng phải tinh ý lựa chọn vì nhiều khi người bán đã nâng khống lên rồi giả như giảm xuống, hoặc ham rẻ mà mua đồ không chất lượng, hoặc mua quá mức cần dùng.
“Đấy là kinh nghiệm khá ‘xương máu’ của tôi khi đi mua đồ Tết, đặc biệt là vào những siêu thị lớn, cứ hoa cả mắt vì khuyến mãi,” chị Tuyền chia sẻ.
Xắn tay vào bếp
Không chỉ mua sắm “chặt” tay, kinh tế khó khăn cũng là dịp để các chị em phải “lăn” vào bếp để giảm chi phí cho gia đình.
Bác Lê Thị Tâm, bán cà rốt ở chợ Bông Đỏ, cho biết, năm nay rất nhiều người mua cà rốt về để làm mứt chứ không chỉ mua về nấu ăn như trước. Bản thân bác Tâm cũng đã làm sẵn vài mẻ mứt dừa lẫn mứt cà rốt chờ Tết đến.
Bác Tâm tính toán, bây giờ đang là mùa cà rốt nên một cân cà rốt loại ngon giá chỉ 10.000 đồng, mua hai cân hết có 20.000 đồng. Với mứt dừa thì nên mua cả quả thay vì mua theo lạng, giá sẽ rẻ hơn, một quả chỉ 20.000 đồng, mua hai quả là đủ. Tính thêm cả đường, tổng chi chưa đến 100.000 đồng, ăn mứt thoải mái, lại đảm bảo an toàn về chất lượng, trong khi mua một cân mứt rẻ nhất cũng đã 150.000 đồng.
Muốn tiết kiệm thì phải chịu khó cũng là tiêu chí của chị Tuyền ở Lạc Long Quân. Chịu khó từ khâu khảo giá trước khi mua đến việc xắn tay vào bếp tự làm mọi thứ: Mứt tự làm, hướng dương tự rang, dưa, hành muối sẵn một hũ đầy, thức ăn thì dự trù trước các món, tẩm ướp sẵn rồi chia bữa, cho vào tủ lạnh.
Theo chị Tuyền, một cân hướng dương sống giá rẻ hơn khoảng 20.000 đồng so với hướng dương chín. Làm hành muối tuy hăng mắt một chút nhưng cũng tiết kiệm được kha khá so với đi mua lẻ ngoài hàng. “Tết sắm sửa linh tinh nhiều thứ chứ ăn uống chẳng đáng bao nhiêu. Chịu khó vào bếp một tí, vừa có không khí Tết nhất, vừa đảm bảo vệ sinh, lại tiết kiệm được ít tiền mua sữa cho con,” chị Tuyền vui vẻ nói.
Không chỉ phụ nữ, nhiều ông chồng cũng xông xáo vào bếp chuẩn bị Tết cùng vợ. Tay cầm đĩa lạp xưởng vừa làm để khoe thành tích, anh Vũ Văn Tuấn, ở Thanh Xuân, Hà Nội cười bảo: “Đây là món tôi vừa học được trong chuyến công tác Lạng Sơn. Tết này quyết làm để hưởng ứng tinh thần tiết kiệm của bà xã. Hy vọng sang năm mới, ngân sách tài chính gia đình sẽ sáng sủa hơn.”
Hy vọng của anh Tuấn cũng là mong mỏi của tất cả mọi người, cầu mong cho một năm mới thịnh vượng hơn. Nhưng theo anh Tuấn, kinh tế khó khăn cũng là lúc mọi người nhìn lại cách chi tiêu để biết tiết chế một cách hợp lý hơn./.
Phạm Mai (Vietnam+)