Thắt chặt tiêu chuẩn khí thải giúp tiết kiệm nhiên liệu

Việc thắt chặt các tiêu chuẩn về khí thải sẽ tạo tiền đề để tăng cường ứng dụng nhiên liệu tiết kiệm, hiệu quả trong giao thông vận tải.
Chất lượng khí thải của xe cơ giới đang lưu hành phụ thuộc lớn vào công nghệ sản xuất, chế tạo xe mới và thiết bị kiểm soát ô nhiễm lắp trên xe. Do đó, việc nâng cao chất lượng khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới sẽ góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng nhiên liệu, giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường khi đưa xe vào lưu thông trên đường. Các quốc gia trên thế giới đã có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đi trước Việt Nam rất xa và đã đến lúc phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức cao hơn mức 2 để tránh nguy cơ tụt hậu quá xa và trở thành “bãi rác” công nghiệp cho các nước phát triển. Đa số các nước phát triển và đang phát triển đang áp dụng mức 3 (Euro 3) trở lên. Cụ thể: Liên minh châu Âu (EU): xe ôtô áp dụng mức 3 (Euro 3) từ năm 2000, mức 4 (Euro 4) từ năm 2005, mức 5 (Euro 5) từ năm 2009 và sẽ áp dụng mức 6 (Euro 6) vào năm 2013 (đối với xe ôtô hạng nặng) và năm 2014 (đối với xe ôtô hạng nhẹ). Xe môtô áp dụng mức 3 (Euro 3) từ năm 2006, và EU dự định công bố các tiêu chuẩn mức 4 và 5 (Euro 4, 5) cho xe môtô vào năm 2012. Môtô ba bánh, bốn bánh, xe gắn máy vẫn áp dụng mức 2 (Euro 2) và chưa có tiêu chuẩn mức cao hơn. Thái Lan: Xe ôtô hạng nhẹ áp dụng mức 3 từ năm 2005 và sẽ áp dụng mức 4 vào 2012. Xe ôtô hạng nặng áp mức 3 từ năm 2009 và sẽ áp dụng  mức 4 vào năm 2012. Xe môtô áp dụng mức 3 từ năm 2009 và áp dụng cả phép thử bay hơi nhiên liệu đối với mô tô, xe máy. Malaysia: Hiện nay tuy vẫn đang áp dụng mức 2 nhưng Malaysia sẽ bỏ qua mức 3 và dự kiến áp dụng mức 4 vào năm 2013. Indonesia, Philippines: Hiện nay vẫn áp dụng mức 2 nhưng các nước này cũng sẽ bỏ qua mức 3 và dự kiến áp dụng mức 4 vào 2016. Singapore: Hiện nay vẫn đang áp dụng tiêu chuẩn Euro 2 cho xe lắp động cơ xăng nhưng xe lắp động cơ điêzen đã áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 từ 2006. Trung Quốc: Qua khảo sát và làm việc với Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc cho thấy: hiện nay, Trung Quốc đã áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc 3 (Euro 3) trên toàn quốc, trong đó 9 thành phố lớn đã áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc 4 (Euro 4) từ năm 2010 và nước này đang có kế hoạch xây dựng lộ trình áp dụng các mức cao hơn (Trung Quốc 5, 6 tương ứng các mức Euro 5, 6). Thủ đô Bắc Kinh luôn đi trước trong việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải châu Âu, cụ thể: áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc 3 (Euro 3) từ năm 2005 và Trung Quốc 4 từ năm 2008. Đối với xe mô tô, Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc 3 từ năm 2008. Thời gian chuyển tiếp từ mức thấp đến mức cao hơn thường từ 3-5 năm tùy thuộc từng loại xe và thường công bố trước thời điểm áp dụng từ 4-7 năm. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng khuyến khích các nhà sản xuất xe cơ giới và nhiên liệu áp dụng trước các mức cao hơn với sự hỗ trợ của Nhà nước như ưu đãi thuế, khuyến khích người dân mua xe đạt tiêu chuẩn mức cao hơn trước thời điểm áp dụng với sự hỗ trợ của nhà nước như giảm phí đăng kí xe, phí lưu hành... Các xe thỏa mãn mức khí thải áp dụng cho thành phố nào thì được đăng ký và đi vào thành phố đó.
Thắt chặt tiêu chuẩn khí thải giúp tiết kiệm nhiên liệu ảnh 1
Hình ảnh xe bus xả khói khi tham gia giao thông
Từ những lý do trên có thể thấy rằng một kế hoạch kiểm soát khí thải dài hạn (lộ trình áp dụng tiêu chuẩn mức 3, 4, 5) cho xe cơ giới sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới là vô cùng cấp thiết nhằm góp phần làm chậm sự gia tăng lượng khí thải gây ô nhiễm do sự gia tăng rất nhanh số lượng xe cơ giới tham gia giao thông hàng năm; Công bố sớm lộ trình để các nhà sản xuất xe cơ giới và nhiên liệu có thời gian chuẩn bị áp dụng; Nhiên liệu tương ứng với các tiêu chuẩn khí thải cần áp dụng trước ít nhất 01 năm. Khoảng thời gian này là cần thiết để tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng nhiên liệu tại các nhà máy và địa điểm phân phối trên thị trường và tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, nhập khẩu nhiên liệu ổn định thị trường đặc biệt là khi giá xăng dầu thường xuyên biến động. Hiện chúng ta cũng đã có đủ điều kiện về công nghệ sản xuất xe cơ giới, khả năng cung cấp nhiên liệu và cơ sở thử nghiệm để có thể thắt chặt hơn tiêu chuẩn khí thải. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các công nghệ tiên tiến hiện cũng đã được áp dụng ở Việt Nam trong việc sản xuất động cơ xe cơ giới nhằm nâng cao chất lượng của xe đồng thời giảm nồng độ các chất gây ô nhiễm, giảm tiêu thụ nhiên liệu. Với các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu, do chủ yếu nhập động cơ, linh kiện và xe nguyên chiếc từ các nước đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 nên khi chuyển đổi sang áp dụng tiêu chuẩn mức 3 sẽ ít chịu ảnh hưởng về công nghệ sản xuất cũng như khả năng nhập khẩu.  Khả năng cung cấp nhiên liệu cho xe cơ giới thỏa mãn các tiêu chuẩn tương ứng với các tiêu chuẩn khí thải mức 3, 4, 5 của các nhà sản xuất nhiên liệu trong nước và các tổ chức nhập khẩu nhiên liệu cũng cho thấy những tín hiệu khả quan. Tiêu chuẩn nhiên liệu luôn phải tương ứng và đi trước tiêu chuẩn khí thải, đặc biệt là việc siết chặt hàm lượng lưu huỳnh (S) trong nhiên liệu. Theo các báo cáo khoa học, lưu huỳnh ngoài việc thải ra dưới dạng chất hạt (PM), còn làm giảm tác dụng, vô hiệu hóa, phá hỏng hoặc làm giảm tuổi thọ các hệ thống xử lý ô nhiễm và các hệ thống cải thiện chất lượng quá trình cháy trong động cơ. Vì vậy, mối quan tâm hàng đầu đối với công nghệ lọc dầu là giảm đến mức thấp nhất hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu. Với tiêu chuẩn tương ứng với tiêu chuẩn khí thải mức 2, giới hạn hàm lượng lưu huỳnh là 500 mg/kg, mức 3 (xăng) là 150 mg/kg, mức 3 (diezen) là 350 mg/kg, mức 4 là 50 mg/kg, mức 5 là 10 mg/kg. Từ tháng 02/2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất 1876 nghìn tấn xăng/năm và 3014 nghìn tấn điêzen/năm đã đi vào hoạt động. Khi ổn định sản xuất sẽ cung ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Chất lượng sản phẩm đáp ứng hầu hết các chỉ tiêu của tiêu chuẩn mức 3 (trừ olefin). Bên cạnh đó có 7 dự án xây dựng nhà máy lọc dầu đã và đang triển khai với tổng công suất 9.296 nghìn tấn xăng/ năm và 19.351 nghìn tấn điezen/ năm và đạt các tiêu chuẩn tương ứng với tiêu chuẩn khí thải mức 3,4, 5. Theo thông tin nhận được từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến đi vào hoạt động thương mại vào Quý 4/2014; Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến hoàn thành nâng cấp mở rộng vào năm 2018. Các sản phẩm do 02 Nhà máy này sản xuất sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải mức Euro 4. Sản lượng dự kiến từ năm 2015-2017 cung cấp sản phẩm cho thị trường khoảng 6 triệu tấn/năm, chiếm 40% nhu cầu tiêu thụ trên cả nước. Đến năm 2018 dự kiến sản lượng khoảng 12 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 75% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Như vậy, đến năm 2017 chúng ta đã giảm bớt được gánh nặng do nhập khẩu, từng bước ổn định thị trường xăng/dầu trong nước do chủ động được phần lớn nguồn nhiên liệu cung cấp trên thị trường đặc biệt là khi giá xăng/dầu thế giới thường xuyên biến động. Hơn nữa, hiện nay chúng ta nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các nước Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. Trong đó, Singapore là nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng 6 triệu tấn/ năm, chiếm 34 % tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Các quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu xăng dầu đều đã và đang áp dụng các tiêu chuẩn tương ứng với tiêu chuẩn khí thải mức 3 và 4 (Euro 3 và 4) và dự báo sẽ áp dụng mức 5 trong tương lai gần. Đây là một thuận lợi lớn đối với việc áp dụng tiêu chuẩn cao hơn về nhiên liệu trong bối cảnh chúng ta phải nhập khẩu phần lớn các sản phẩm dầu mỏ. Khi áp dụng tiêu chuẩn mức cao hơn, chúng ta luôn có sẵn nguồn hàng đáp ứng yêu cầu để nhập khẩu.  
Thắt chặt tiêu chuẩn khí thải giúp tiết kiệm nhiên liệu ảnh 2
Kiểm tra khí thải ôtô trong quá trình hoạt động
Về cơ sở thử nghiệm: Việt Nam cũng đã khánh thành Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC) trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam với đội ngũ cán bộ thử nghiệm chuyên nghiệp được đào tạo cơ bản ở châu Âu và trong nước, hệ thống trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu thử nghiệm khí thải xe ôtô tới mức 4 (có thể nâng cấp phần mềm để thử nghiệm theo mức mức 5), xe môtô tới mức 3 và có thể nâng cấp để thử ở các mức cao hơn khi có tiêu chuẩn mức cao hơn cho xe môtô. Ngoài ra, các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản có nhiều phòng thử nghiệm có khả năng thử được khí thải xe cơ giới tới mức 4 và trong tương lai là mức 5 và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc thử nghiệm khí thải xe cơ giới./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục