Thất bại của Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Việc Mỹ sử dụng vũ khí thuế quan mạnh mẽ cũng như gây sức ép về công nghệ không chỉ khiến Trung Quốc bị tổn thất lớn mà còn khiến thị trường Mỹ phải hứng chịu thương tổn.
Một cửa hàng của Huawei tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 10/5/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo Đại Công báo, nhật báo có quan điểm thân Trung Quốc của Hong Kong, kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires vào cuối năm 2018 đến Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka năm nay, trong vòng 7 tháng, hai cường quốc Trung và Mỹ đã tạo ra một "cuộc chơi" thương mại thăng trầm cho thị trường toàn cầu.

Giờ đây, "cuộc chơi" này đã từ một cuộc đọ sức quyết liệt quay trở lại thời kỳ hòa hoãn. Ngày 18/6 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm như đã hẹn với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nguyên thủ hai nước đã quyết định tiến hành gặp gỡ trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, diễn ra trong hai ngày 28-29/6. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh rằng cụm từ "như đã hẹn" có thể mang một ý nghĩa sâu sắc.

Trước đó, Tổng thống Trump liên tục nhắc đến Trung Quốc và tỏ ý sẵn sàng gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông nhấn mạnh rằng nếu nguyên thủ hai nước Trung-Mỹ không gặp nhau trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, ông sẽ áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc được xuất khẩu sang Mỹ.

[5 sai lầm cần thay đổi để chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung]

Ông Trump nửa như khẩn cầu nửa như đe dọa, thể hiện rõ sự bất lực của Mỹ sau khi "quá mạnh tay" trong cuộc chiến thương mại và cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc.

Việc Mỹ sử dụng vũ khí thuế quan mạnh mẽ cũng như gây sức ép về công nghệ không chỉ khiến Trung Quốc bị tổn thất lớn mà còn khiến thị trường Mỹ phải hứng chịu thương tổn.

Gần đây, hơn 600 doanh nghiệp Mỹ đã gửi thư ngỏ tới ông Trump yêu cầu Mỹ từ bỏ việc gia tăng áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất chip của Mỹ như Intel, Xilinx, Qualcomm… cũng gây sức ép với chính quyền Trump, yêu cầu chính phủ Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán hàng đối với tập đoàn công nghệ Huawei.

Những doanh nghiệp này, vốn hưởng ứng lời kêu gọi tạm ngừng cung cấp linh kiện cho Huawei của chính phủ Mỹ, cũng đã phải chịu tổn thất lớn về tài chính vì lệnh cấm này.

Họ nhấn mạnh với chính phủ Mỹ rằng việc nới lỏng lệnh cấm bán hàng đối với Huawei không phải để giúp Huawei, mà là để tránh tổn thất cho các công ty Mỹ.

Cũng trong ngày 18/6, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã tổ chức một phiên điều trần về việc dự định gia tăng mức thuế đối với các hàng hóa của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD.

Qua đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ phản đối việc mở rộng mức áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Họ đã đưa ra lời kêu gọi “cần Trung Quốc.”

Cuộc đàm phán Trung-Mỹ thất bại, Mỹ đã áp dụng các biện pháp “gây sức ép cao độ” đối với Trung Quốc và đã không đạt được hiệu quả với chính sách “nước Mỹ trước tiên” như Tổng thống Trump mong đợi, đồng thời khiến cho các công ty Mỹ phải buông lời oán trách.

Điều này cho thấy sự liên kết thương mại hơn 40 năm qua đã khiến cho Trung Quốc và Mỹ hình thành mối quan hệ lợi ích lâu dài và sâu sắc. Cuộc chiến thương mại cộng thêm cuộc chiến công nghệ của Mỹ nhằm tấn công Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả “cả hai cùng thiệt hại.”

Trong thời gian diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, các biện pháp gây sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc có thể nói là vẫn chưa quá mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ khi chỉ tập trung vào Huawei.

Kết quả là ngành chủ lực của Huawei vẫn chưa bị ảnh hưởng khi đã giành được 46 đơn đặt hàng mạng không dây 5G trên toàn thế giới. Điều tồi tệ hơn là sau khi Mỹ thông qua lệnh cấm trong nước buộc các công ty đa quốc gia của Mỹ và toàn cầu ngừng cung cấp chip và linh phụ kiện cho Huawei, đồng thời áp dụng các biện pháp triệt hạ tận gốc đối với Huawei, doanh thu của Huawei tuy bị tác động mạnh, đặc biệt là lượng xuất khẩu mặt hàng điện thoại thông minh, song tập đoàn này cũng đang khởi động “kế hoạch dự phòng” được chuẩn bị sẵn để xây dựng hệ sinh thái của riêng mình.

Trước tình hình này, chính các công ty Mỹ ngừng cung cấp thiết bị cho Huawei lại đứng ngồi không yên. Lý do là bởi trong chuỗi cung ứng và chuỗi lợi nhuận của các công ty Mỹ, việc ngừng và hạn chế cung cấp hàng cho Huawei cũng sẽ làm giảm đáng kể doanh thu thị trường của họ.

Các công ty công nghệ có liên quan của Mỹ đã yêu cầu Nhà Trắng nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu linh kiện đối với Huawei, cho thấy rõ những sai lầm chiến lược từ việc Tổng thống Trump kêu gọi các công ty Mỹ bao vây Huawei.

Điều đáng sợ hơn nữa là sự bao vây của Mỹ đối với Huawei cũng đã khiến các công ty Mỹ và thị trường toàn cầu lo ngại sâu sắc bởi công nghệ Trung-Mỹ có thể bị tách rời.

Nếu vậy, Trung Quốc và Mỹ sẽ rơi vào cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ, ngành công nghệ toàn cầu cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn do phải lựa chọn đứng về bên nào. Mỹ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm đạo đức do cản trở sự phát triển của công nghệ toàn cầu.

Sự lo lắng của các công ty Mỹ khiến chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng thất vọng, một số chính trị gia thậm chí còn đưa ra những nhận xét cực đoan không tương xứng với thể diện quốc gia Mỹ.

Trung Quốc đã xử lý một cách bình tĩnh những “sức ép cao độ” của Mỹ. Cuộc chiến thương mại cùng với cuộc chiến công nghệ bắt đầu khiến các công ty Mỹ không thể chịu đựng nổi.

Do vậy, ông Trump hy vọng sẽ cùng ông Tập Cận Bình tìm giải pháp cho các tranh chấp thương mại Trung-Mỹ này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục