Thắp sáng hy vọng mới đối phó với đại dịch COVID-19

Hy vọng và tin tưởng của các nhà lãnh đạo và người dân dựa trên kết quả tiêm vaccine khi các nước đã triển khai tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 60% dân số.
Thắp sáng hy vọng mới đối phó với đại dịch COVID-19 ảnh 1Người dân Paris tập trung tại Đại lộ Điện Elysees (Pháp) mừng Năm mới 2022, đêm 31/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi kim đồng hồ tại các nước chỉ vào số 12, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm 2021 và năm 2022, thế giới cũng đã bước sang năm thứ ba đại dịch COVID-19.

Kể từ ca nghi nhiễm đầu tiên được báo cáo vào ngày 31/12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 290 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 5,4 triệu người không qua khỏi.

Đáng chú ý, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, tạo ra các biến thể mới, khiến cuộc chiến chống đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ngay trước thềm Năm mới, “cơn sóng thần kép" mang tên Delta và Omicron đã cùng tấn công, gây ra làn sóng lây nhiễm mới tại Mỹ và khắp châu Âu, biến tuần cuối cùng của năm 2021 trở thành tuần có nhiều ca nhiễm mới nhất từ trước đến nay, với hơn 1 triệu ca mỗi ngày.

Thống kê của trang worldometers.info cho thấy tuần qua, số ca mắc mới trên toàn cầu đã tăng tới 60% so với tuần trước đó, lên 8.906.495 ca, trong đó khu vực châu Đại Dương tăng mạnh nhất (182%), tiếp đó là Nam Mỹ (170%), Bắc Mỹ (76%), châu Âu (55%) và châu Á là 31%. Điều đó cho thấy ngoài tâm dịch châu Âu, COVID-19 đang lây lan trở lại tại những khu vực khác.

Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng nhanh chưa từng thấy. Số ca mắc mới ở Mỹ trong tuần qua đã 4 lần ghi mốc “kỷ lục buồn," riêng ngày cuối cùng của năm là 386.000 ca. Tính chung tuần qua, nước này ghi nhận tổng cộng 2.565.629 ca mắc mới, tăng 72% so với tuần trước đó.

Trung Quốc cũng đã trải qua tuần tồi tệ nhất vì COVID-19, với 1.352 ca mắc mới, tăng 106%. Đây là mức tăng theo tuần cao nhất trong suốt gần 2 năm qua tại Trung Quốc.

Tương tự, Philippines cũng chứng kiến số ca mắc mới tăng tới 766%, từ mức 684 ca của tuần trước lên 5.921 ca trong tuần này.

Các nước châu Đại Dương thông báo số ca mắc mới theo tuần tăng vọt, từ 40.660 ca lên 114.651 ca, trong đó Australia có số ca mắc mới tăng cao nhất châu lục, tới hơn 73.000 ca (tương đương 184%).

[Tổng giám đốc WHO lạc quan về khả năng kết thúc đại dịch trong 2022]

Chỉ sau 1 tuần tính từ Giáng sinh (ngày 25/12), số ca mắc mới COVID-19 ở bang New South Wales - bang đông dân nhất của Australia, đã tăng hơn gấp 3 lần từ gần 6.300 ca lên hơn 22.500 ca. Đặc biệt, ngay trong ngày đầu Năm mới, Xứ sở Chuột túi đã ghi nhận tới 35.326 ca mắc mới - mức cao chưa từng thấy.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại nhiều nước châu Âu. Tại Pháp, ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới vượt mốc 200.000 ca/ngày đã khiến Tổng thống Emmanuel Macron khi phát biểu mừng Năm mới phải cảnh báo tình cảnh vô cùng khó khăn đang chờ đón nước này trong những tuần sắp tới.

Thắp sáng hy vọng mới đối phó với đại dịch COVID-19 ảnh 2Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở thành phố Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với khả năng lây lan cao, do có thể “né tránh” hệ miễn dịch và “vượt rào” vaccine, biến thể Omicron đang trở thành biến thể “chủ đạo” tại nhiều khu vực của Anh, đẩy số ca mắc mới tại nước này liên tục ở mốc cao kỷ lục, như trong ngày 31/12 vừa qua, với 189.213 ca. Italy cũng lần đầu tiên vượt mốc hơn 100.000 ca/ngày trong suốt gần hai năm xảy ra đại dịch.

Số ca nhiễm mới không ngừng tăng cao khiến nhiều nước trên thế giới phải siết chặt các biện pháp hạn chế hay thu hẹp quy mô, thậm chí là hủy bỏ nhiều sự kiện đón chào Năm mới trong năm thứ hai liên tiếp.

Trong tuần qua, Mỹ đã phải hủy tới hơn 7.000 chuyến bay do nhiều nhân viên và người lao động làm việc cho các hãng hàng không mắc COVID-19 hoặc đang phải cách ly, khiến hàng nghìn du khách mắc kẹt sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

COVID-19 đã chia không khí đón chào Năm mới 2022 ở các nước thành 2 thái cực với một bên là trầm lắng khi các màn bắn pháo hoa và chương trình đếm ngược truyền thống bị hủy bỏ do lệnh giới nghiêm hoặc lệnh cấm tập trung đông người, với một bên là sôi động hơn khi các sự kiện diễn ra như thường lệ dù phải cắt giảm quy mô.

Tại Australia, hơn 6 tấn pháo hoa đã được bắn lên bầu trời Sydney, mang theo những hy vọng về một Năm mới khởi sắc. Pháo hoa cũng rực sáng trên bầu trời Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay Bangkok, Thái Lan. Khi quả cầu pha lê cùng pháo hoa giấy được thả xuống Quảng trường Thời đại ở New York, hàng nghìn người dân Mỹ đã reo hò, phấn khích.

Dù số người tham dự các lễ hội đón mừng Năm mới tại các nước giảm rất nhiều, thậm chí chỉ còn 25% so với bình thường và phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như tiêm đủ liều cơ bản vaccine, đeo khẩu trang bắt buộc, song người dân vẫn rất hân hoan bởi dù sao họ vẫn được tham dự trực tiếp, chứ không phải qua phương tiện truyền thông hay Internet như năm ngoái.

Thông qua nỗ lực không ngừng nghỉ của các chính phủ, năm 2021 đã mang lại những tia sáng để người dân có thể hy vọng năm 2022 khởi sắc hơn. Hầu hết thông điệp đầu năm của các lãnh đạo thế giới cũng đều tin tưởng khả năng dịch bệnh sẽ được khống chế trong năm 2022.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ: “Năm 2021, năm mà ngày nào cũng dài dằng dặc này cuối cùng cũng kết thúc. Có lẽ năm 2022 sẽ là năm mà chúng ta thoát khỏi dịch bệnh, tôi muốn chúng ta cùng nhau tin vào điều đó."

Tổng thống Nga Vladimir Putin thì cho rằng: “Chúng ta đã phải đối mặt với những thách thức to lớn, nhưng chúng ta đã học cách sống chung trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, nhờ sự đoàn kết của chúng ta."

Hy vọng và tin tưởng của các nhà lãnh đạo và người dân dựa trên kết quả tiêm vaccine. Mặc dù nhiều nước nghèo vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai việc tiêm chủng, song với sự đồng lòng và quyết tâm, trong năm 2021, các nước đã triển khai tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 60% dân số và đang tiến tới mục tiêu 70% dân số thế giới được tiêm phòng vào tháng 6 tới.

Giới chuyên gia hy vọng điều này góp phần giúp năm 2022 khởi đầu cho một giai đoạn mới ít người tử vong hơn.

Dù chưa rõ độc lực của Omicron, song nghiên cứu mới nhất trên 1 triệu người tại Anh cho thấy nguy cơ những người nhiễm biến thể này phải nhập viện thấp hơn 3 lần so với Delta. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng chứng minh dù tỷ lệ lây nhiễm cao, song Omicron dường như ít gây bệnh nặng và tử vong như các biến thể trước đó.

Trên thực tế, số ca tử vong trong tuần qua trên thế giới đã giảm 9%. Đáng chú ý, số ca mắc và tử vong ở Nga - một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã giảm lần lượt 15% và 8% so với tuần trước. Ngày 1/1, lần đầu tiên Nga ghi nhận số ca nhiễm mới dưới ngưỡng 20.000 kể từ ngày 22/9/2021.

Thắp sáng hy vọng mới đối phó với đại dịch COVID-19 ảnh 3Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại điểm tiêm chủng ở thị trấn Bhambayi, phía Bắc Durban, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nam Phi cũng quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ 0h đến 4h để cho phép người dân tổ chức các hoạt động đón Năm mới. Giới chức y tế Nam Phi nhận định xu hướng số ca nhiễm giảm trong tuần qua cho thấy nước này đã qua giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch bệnh hiện nay, đặc biệt cũng không ghi nhận sự gia tăng chóng mặt các ca tử vong do mắc COVID-19.

Hiện các nhà khoa học đang khá lạc quan khi so sánh các đợt dịch bùng phát vào cuối năm 2020 và 2021. Theo đó, hai đợt bùng phát này giống nhau về số ca mắc mới tăng nhanh chỉ trong vài tuần ở khắp nơi trên thế giới, song số ca nhập viện và tử vong năm 2021 thấp hơn nhiều.

Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho rằng: “Năm 2022, giai đoạn cấp bách của đại dịch với thảm kịch về số người nhập viện và tử vong có thể sẽ kết thúc. Virus SARS-CoV-2 rất khó biến mất hoàn toàn nhưng sẽ lắng xuống với sự lây lan ở mức độ thấp và chỉ thỉnh thoảng gây ra các đợt bùng phát ở những nhóm người chưa được tiêm chủng."

Cùng chung nhận định trên, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus khẳng định thế giới hiện có tất cả công cụ và nguồn lực để chấm dứt đại dịch. Với những hiểu biết về virus SARS-CoV-2 đã tích lũy trong suốt 2 năm qua, cùng những công cụ hiệu quả trong việc phòng, chống dịch, từ khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh, xét nghiệm cho đến vaccine phòng ngừa và phương pháp điều trị, ông cho rằng thế giới hoàn toàn “có sức mạnh để xoay chuyển cuộc khủng hoảng này."

Tuy nhiên, đáng buồn là những công cụ này hiện đang không được phân phối công bằng trên thế giới. Vì vậy, để có thể đạt được mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số thế giới vào tháng 6/2022, hướng tới việc chấm dứt đại dịch, thế giới sẽ cần phải hợp tác mạnh mẽ hơn, đầu tư nhiều hơn cho chăm sóc y tế. Khi tất cả đều an toàn, chắc chắn năm 2022 sẽ là năm đánh dấu sự kết thúc của đại dịch COVID-19 như hy vọng của người dân thế giới vào thời khắc Giao thừa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục