Thay đổi thế giới?

"Thập kỷ châu Á" đang làm thay đổi thế giới?

Tăng trưởng kinh tế bùng nổ và sức mạnh chính trị đã đặt nền móng cho "Thế kỷ châu Á" trong bối cảnh thế giới nghiêng dần về phía Đông.
Tăng trưởng bùng nổ về kinh tế và sức mạnh chính trị đã đảm bảo rằng giai đoạn 10 năm qua đặt nền móng cho viễn cảnh mà giới phân tích dự đoán sẽ là "Thế kỷ châu Á", trong bối cảnh thế giới đang nghiêng về phía Đông.

Mặc dù còn nhiều nguy cơ đang "rình rập" ở phía trước, song các nhà quan sát cho rằng hai quốc gia có số dân đông nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ xem ra sẽ có ảnh hưởng chi phối nền kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ nữa, sau các "Thế kỷ Mỹ" và "Thế kỷ Anh" vừa qua.

Ông Alan Dupont, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chứng khoán Quốc tế thuộc Đại học Sydney (Australia) nói: "Điều này là hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ rằng thập kỷ này đang chứng minh triển vọng thực sự của châu Á. Đặc biệt, hai năm qua đã chứng kiến sự đổi ngôi trong quyền lực thực sự, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, và tôi cho là điều đó đã được nhấn mạnh bởi những khó khăn mà người Mỹ và người châu Âu vấp phải trong cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới".

Phát biểu trước báo giới, ông Dupont nhấn mạnh kinh tế Trung Quốc đã trở nên vững như "hòn đá tảng". Tạp chí "Time" đã chọn "Người Công nhân Trung Quốc" vào vị trí á quân cho giải thưởng "Người của năm" năm 2009.

Ông Robert Broadfoot, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Political ang Economic Risk Consultancy, có trụ sở tại Hongkong, cũng nhất trí rằng thập kỷ qua đã thuộc về châu Á.

Ông nói: "Hiện đang có sự đổi ngôi về phương diện tài sản, qua đó quyền lực chính trị đang thuộc về Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung". Tuy nhiên, theo chuyên gia Broadfoot, nếu sự đổi hướng từ Tây sang Đông được duy trì trong vài thập kỷ tới thì việc gọi thế kỷ này là "Thế kỷ Trung Quốc", chứ không phải "Thế kỷ châu Á", sẽ hợp lý hơn.

Các số liệu thống kê cũng biện hộ cho các lập luận nói trên, cho thấy Trung Quốc đang được hưởng tốc độ tăng trưởng khởi sắc hơn 8%/năm, trong khi các nước phương Tây đã rơi vào suy thoái.

Một điều đáng lưu ý nữa là Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ, một phần đáng kể của kinh tế châu Á, cũng đã đạt mức tăng trưởng hàng năm hơn 7%.

Quyền lực chính trị, vốn luôn liên hệ với sức mạnh kinh tế, có nghĩa là không có một thỏa thuận toàn cầu nào có thể đạt được mà không có sự thông qua của Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này đã được minh chứng tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu vừa diễn ra tháng này tại Copenhagen (Đan Mạch).

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo thành lập một quỹ trị giá 6,5 tỷ USD để mở rộng "dấu chân toàn cầu" của các hãng truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Đài Tiếng nói Quốc tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, con đường vươn tới vị trí thống soái của châu Á đang đầy rẫy trở ngại, với sự yếu kém trong các thể chế xã hội và khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng được xem là những vật cản đường nguy hiểm tiềm tàng.

Nhà phân tích Minxin Pei, thuộc viện Carnegie Endowment for International Peace, cho rằng các nền kinh tế dẫn đầu châu Á hiện thiếu những "ý tưởng nhìn xa trông rộng" và mô hình phát triển của Trung Quốc là không bền vững.

Còn chuyên gia Dupont đánh giá: "Mặc dù châu Á ngày nay có các nền kinh tế năng động nhất thế giới, nhưng châu lục này khó có phát triển bền vững trong 50-100 năm nữa, vì phát triển nhanh đang tạo ra những thảm họa về môi trường"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục