Thảo luận về Luật Công an nhân dân và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh

Tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Quang cảnh một phiên họp tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Theo chương trình làm việc, sáng 27/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Hai dự án Luật này được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 27/5.

Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân nhằm thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

[Sửa đổi Luật Công an nhân dân: Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia]

Tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.

Theo dự án Luật, một số nội dung của Luật Công an nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung như: sỹ quan Công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định; bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân, gồm một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá...

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ.

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (4/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.

Dự thảo Luật gồm 3 điều, trong đó sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, tập trung vào nhóm nội dung cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật).

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào nhóm nội dung tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam; quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình và luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục