Thảo luận toàn quốc - Tổng thống Macron phải vượt lên những hoài nghi

Báo chí Pháp đặt câu hỏi chiến dịch "Thảo luận toàn quốc" là chiến thuật "tung hỏa mù" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay là một thách thức gian nan đối với cả nước Pháp?
Thảo luận toàn quốc - Tổng thống Macron phải vượt lên những hoài nghi ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

"Thảo luận toàn quốc" là chiến thuật "tung hỏa mù" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay là một thách thức gian nan đối với cả nước Pháp? Đây là câu hỏi mà báo chí Pháp đặt ra trong ngày 15/1, ngày phát động chiến dịch “toàn dân thảo luận” để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin và tình trạng bạo loạn đường phố.

“Đại thảo luận: Macron phải vượt lên những hoài nghi” là tựa đề của một bài viết đăng trên báo Le Figaro. Nhật báo thân hữu này cảnh báo rằng phe "Áo vàng" đang chỉ trích nội dung bức thư mà Tổng thống Macron gửi đến toàn thể người dân Pháp, coi bức thư đó là hoàn toàn “rỗng,” vì vậy, ông phải làm sao thuyết phục được họ tin vào lời nói và hành động của mình.

Trong khi đó, tờ Libération nhận định rằng “Macron tổ chức một cuộc tranh luận trên toàn quốc nhằm giành lại thế chủ động, xoa dịu nỗi căm phẫn của phong trào 'Áo vàng' và để vực dậy tinh thần của phong trào Nước Pháp Tiến bước.” 

Còn báo Le Monde, ý thức được nền dân chủ Pháp đang bị thách thức, đã nhấn mạnh đến thái độ nhượng bộ của chủ nhân Điện Elysée và kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các chính trị gia đối lập.

"Phát pháo" đầu tiên Le Monde dành cho những người thuộc phong trào "Áo vàng" và phe đối lập, chỉ trích họ "chưa gì đã bác bỏ lời đề nghị thảo luận toàn quốc của Tổng thống Macron và cho rằng là một loại 'hỏa mù' hay một chiến thuật 'giao tế'."

Bài xã luận có tựa đề “Thách thức lớn của một cuộc thảo luận lớn” đăng trên báo Le Monde cho rằng chỉ có mù quáng và thiếu tinh thần trách nhiệm mới không nhận ra rằng bên trên số phận của Tổng thống Macron là tương lai của đất nước cũng như khả năng của quốc gia vượt qua một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy đang đe dọa chế độ dân chủ.

Là Tổng thống của nước Pháp, Macron tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng là chuyện đương nhiên, đó là bổn phận của một nguyên thủ.

Khi bài phát biểu cứng rắn hồi cuối năm 2018 của Macron - theo đó cam kết không tăng thuế xăng rồi chi thêm 10 tỷ euro cải thiện sức mua của dân nghèo - không giúp làm giảm bạo lực, ông buộc phải tung lá bài sau cùng là “hội ý với toàn dân,” biện pháp có một không hai trong lịch sử.

Để chứng tỏ thiện chí, Tổng thống Macron đã có 3 sự nhượng bộ lớn.

Thứ nhất, nhìn nhận chính nghĩa của phong trào "Áo vàng, cho rằng họ xuống đường đòi hỏi một số nguyện vọng chính đáng.

Thứ hai là thay đổi phương pháp điều hành đất nước một cách ngoạn mục khi đề nghị “toàn dân cùng thảo luận các vấn đề của đất nước” chứ không phải chỉ có phe "Áo vàng" với những quan điểm áp đặt của phe này.

Thứ ba là trong thư ngỏ gửi toàn dân Pháp, Tổng thống Macron cam kết sẽ “ghi nhận mọi đóng góp” và sẽ “phối hợp hoạt động của Chính phủ và Quốc hội.”


[13 triệu cử tri Pháp tuyên bố sẽ tham gia đối thoại quốc gia]

Theo Le Monde, đằng sau cụm từ này có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng: trong 3 năm tới, những đề nghị của dân chúng sẽ góp phần điều chỉnh chính sách của nhà nước.

Sự nhượng bộ thứ ba này mới chỉ là lời hứa, nhưng nếu Tổng thống Macron không giữ lời, không cải cách sâu rộng phương pháp lãnh đạo thì không cần đợi đến 3 năm, mà chỉ trong 4 tháng tới, ông sẽ lãnh đòn trừng phạt nặng nề hơn nữa với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 26/5.

Tổng thống Macron sẽ chèo lái chiến dịch “thảo luận toàn quốc” theo phương châm hành động nào và đâu là mục tiêu đi tới? Nhật báo thiên tả Libération giải thích: Chiến dịch tham khảo ý kiến toàn dân do Điện Elysée tiến hành không chỉ đáp ứng nguyện vọng của phe "Áo vàng" mà còn để Macron “vực dậy” 3 năm còn lại của nhiệm kỳ và làm sống lại tinh thần chủ động của phong trào “Tiến bước,” phát động vào năm 2016, vượt lên trên biên giới tả-hữu và là tiền thân của đảng cầm quyền “Nước Pháp Tiến Bước!”

Bức thư ngỏ của Tổng thống Macron là “cơ may” cho đảng cầm quyền.

Mounir Mahjoubi, một trong những thành viên trẻ trong nội các, khẳng định với Libération: "Phong trào 'Áo vàng' muốn tham gia đổi mới đất nước thì chúng tôi hoan nghênh họ."

Còn một thành viên trẻ khác trong nội các nhận định một cách sáng suốt: "Chúng tôi đã ngủ quên trong chiến thắng, bỏ quên những tác nhân trong xã hội dân sự cùng tần số với các dự án chuyển đổi đất nước."

Một trong những người thân cận với Macron ở Điện Elysée nhìn nhận sự thật: "Từ nay, Macron buộc phải bỏ lối lãnh đạo đơn độc. Một phương pháp hành động đã được phác họa từ năm 2017, nay sẽ được áp dụng.

Phương pháp đó có tên gọi 'phương pháp thợ sửa xe': Anh giao tôi chiếc xe bị hỏng, tôi sửa chữa xong, tôi giao lại cho anh. Canh tân nước Pháp cũng như sửa chiếc xe bị hỏng: Chính phủ sẽ phục hưng đất nước rồi sẽ trao lại cho người dân trong 2 năm tới."

Liberabtion lấy làm tiếc rằng chính phủ đã không "nắm bàn tay" của công đoàn CFDT hồi tháng 11/2018, đề nghị một “hợp đồng chuyển đổi kinh tế xanh” để tránh cuộc “khủng hoảng 'Áo vàng'” khi đó mới vừa manh nha xuất hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục