Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM2) và các hội nghị liên quan Năm APEC 2017, sáng 9/5, tại Hà Nội, các đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã tham dự Hội thảo về Danh mục Kiểm tra Đóng mỏ của Chính phủ; Hội thảo Giấy chứng nhận xuất khẩu; Nhóm Bạn về người khuyết tật (GOFD); Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế (PPWE).
Đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong cộng đồng
Phát biểu tại cuộc họp Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế do Việt Nam làm Chủ tịch, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, vai trò của phụ nữ trong sự phát triển của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Theo đó, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên khác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đều có chung ưu tiên hội nhập kinh tế, phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển nông nghiệp, hướng tới một nền kinh tế bền vững.
Cuộc họp Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế lần này hướng tới việc thảo luận, đưa ra những giải pháp cụ thể, góp phần đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong cộng đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Doãn Mậu Diệp mong muốn, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có sự hợp tác, phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa các nền kinh tế Diễn đàn; tiếp tục thực hiện Kế hoạch chiến lược Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ giai đoạn 2015- 2018.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ủng hộ Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC (WEF) vào tháng 9/2017.
Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy quyền và lợi ích của người khuyết tật
Tại cuộc họp Nhóm Bạn về người khuyết tật (GOFD), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đánh giá cao hiệu quả từ nhiều cuộc họp Nhóm Bạn về người khuyết tật được tổ chức trong những năm qua.
Những kết quả này tạo nền tảng quan trọng, đánh dấu sự phối hợp chính thức trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về vấn đề người khuyết tật trong phát triển kinh tế.
Năm 2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7-8% dân số. Việc Luật Người khuyết tật có hiệu lực năm 2011 cho thấy những nỗ lực của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc tạo các cơ hội công bằng cũng như các quyền và lợi ích của người khuyết tật trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế, đào tạo nghề và việc làm; tiếp cận các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, nhà ở, giao thông công cộng, công nghệ thông tin và viễn thông.
Ông Doãn Mậu Diệp hy vọng, trong khuôn khổ các cuộc họp tới đây của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017, Việt Nam có thể cùng các nước thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ những kinh nghiệm thúc đẩy quyền và lợi ích của người khuyết tật.
[Hà Nội: Bắt đầu đợt hội nghị lớn thứ hai của Năm APEC 2017]
Bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua cấp giấy chứng nhận xuất khẩu
Tại Hội thảo Giấy chứng nhận xuất khẩu do Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm (FSCF) và Mạng lưới các viện đào tạo hợp tác (PTIN) đồng tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vấn đề giấy chứng nhận xuất khẩu và vai trò của giấy chứng nhận xuất khẩu trong việc thúc đẩy buôn bán thực phẩm an toàn trong khu vực các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Các đại biểu nhất trí đề cập đến những đánh giá và báo cáo của các nền kinh tế thành viên trong việc thực hiện các nguyên tắc về việc cấp giấy chứng nhận được Ủy ban kiểm tra xuất nhập khẩu thực phẩm và hệ thống chứng nhận đề ra; xác định các thiếu sót và thách thức trong việc thực hiện các nguyên tắc của Ủy ban; tiếp tục đối thoại về việc sử dụng các sáng kiến nhằm cải thiện công tác thông tin tuyên truyền liên quan đến giấy chứng nhận xuất khẩu.
Tạo điều kiện cho hoạt động khai mác mỏ bền vững
Tại Hội nghị lần thứ 11 của Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF11) - Hội thảo về Danh mục Kiểm tra đóng mỏ của Chính phủ, các đại biểu tập trung thảo luận về danh mục đóng mỏ, từ đó thu thập ý kiến của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển; xác định cơ hội và thách thức để thành công theo quan điểm của các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, các ngành công nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các nền kinh tế đang phát triển; học hỏi kinh nghiệm từ các dự án đóng mỏ đã hoàn thành.
Bà Megan Crowe, Điều phối viên Mạng lưới Đối tác Viện Đào tạo hợp tác (PTIN) cho biết danh mục kiểm tra đóng mỏ của Chính phủ là một dự án do Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương tài trợ. Danh mục là một ấn phẩm mới, cung cấp các yếu tố cơ bản để hoàn thiện bộ khung quản lý đóng mỏ và những công cụ để đạt được mục tiêu này.
Danh mục nhằm hỗ trợ các Chính phủ, các công ty và tổ chức phi Chính phủ chủ trương ủng hộ việc đóng cửa các mỏ ở khu vực của mình; hỗ trợ các Chính phủ trong phát triển kinh tế, áp dụng các thông lệ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động khai thác mỏ bền vững. Hội thảo về danh mục đóng mỏ là một phần quan trọng của dự án này.
Chiều 9/5, các đại biểu tiếp tục thảo luận nhiều nội dung tại Hội thảo về Danh mục Kiểm tra Đóng mỏ của Chính phủ; Hội thảo Giấy chứng nhận xuất khẩu; Nhóm Bạn về người khuyết tật (GOFD); Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế (PPWE)./.