Chiều 15/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là nội dung quan trọng trong kỳ họp thứ tư, được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cùng theo dõi, giám sát.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp.
Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với các yêu cầu, quan điểm và phạm vi nội dung sửa đổi mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định, đồng thời góp ý cụ thể về các chương, điều trong dự thảo về các nội dung sửa đổi, bổ sung, quy định mới; các vấn đề đang còn ý kiến khác nhau; bố cục, thứ tự sắp xếp, ngôn ngữ thể hiện...
Khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đã làm rõ hơn hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đề xuất một số sửa đổi để thể hiện đầy đủ hơn bản chất của Đảng.
Đại biểu Doãn Thế Cường (Hưng Yên) đề nghị sửa lại đoạn thứ 2 trong Điều 4 dự thảo: Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những chủ trương, quyết định của mình.
Theo đại biểu, cũng cần nêu rõ: Các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật để thể hiện rõ ràng, đầy đủ hơn bản chất của Đảng, khẳng định rõ vị trí, vai trò của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Mặt khác, để đảm bảo sự tương đồng với Điều 8 của dự thảo, yêu cầu “Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.” Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đề nghị khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo “duy nhất” Nhà nước và xã hội trong quy định tại Điều 4.
Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bổ sung một số quyền mới phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người.
Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng dự thảo sửa đổi đã đề cập, bổ sung đầy đủ và tương đối chặt chẽ về các quyền con người như quyền sống, quyền học tập, quyền có nơi ở... Tuy nhiên, theo đại biểu, Hiến pháp cần quy định về một nội dung hết sức quan trọng được cử tri quan tâm chú ý là quyền được đảm bảo đất ở, đất sản xuất.
Đại biểu nhấn mạnh tính đặc biệt của tư liệu sản xuất này, là vấn đề mang tính nhạy cảm, ngày càng bộc lộ nhiều mâu thuẫn, nảy sinh nhiều va chạm khó giải quyết, thậm chí dai dẳng, gay gắt. Người dân không thể không có đất đai vì đó là là tài sản truyền kiếp, muôn đời, gắn với cuộc sống và cả cuộc đời của họ.
Đại biểu đề nghị cần coi đây là một trong những quyền cơ bản của con người, là mục tiêu thiết yếu của Hiến pháp, được tôn trọng như các quyền công dân khác và đảm bảo một cách bình đẳng là lợi ích chung của mọi công dân. Cần thiết có thiết chế về quyền sở hữu của công dân nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng các đạo luật và các chính sách đảm bảo thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự ổn định, hỗ trợ cho quyền sống của con người, góp phần phát triển đất nước.
Các đại biểu tán thành quan điểm tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), dự thảo đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo về bản chất dân chủ, về phạm vi và phương thức thực hiện dân chủ nhân dân, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của nhà nước, của cả hệ thống chính trị với các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Theo đại biểu, thể chế hóa các quan điểm này trong dự thảo là nhằm đảm bảo tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền tự do dân chủ của con người trên cơ sở nguyên tắc tất cả quyền quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và quyền lực nhà nước là thống nhất.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng cần nghiên cứu để diễn đạt thật sâu sắc, khẳng định tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ XHCN nhằm bảo vệ quyền con người, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân, khẳng định tôn trọng quyền con người gắn với quyền và lợi ích của dân tộc.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần tiếp tục làm sâu sắc thêm chủ trương phát huy dân chủ đồng thời khẳng định nền độc lập tự do của đất nước như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập đó không có nghĩa lý gì.”
Theo đại biểu, sửa đổi Hiến pháp không chỉ tiếp tục khẳng định nước ta là nước độc lập dân chủ có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ như tại Điều 1 mà cũng cần bổ sung khẳng định sự tự do của đất nước, thể hiện tự do dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ chính trị và của nhà nước Việt Nam.
Đại biểu cũng cho rằng, cần phân biệt rõ giữa 2 nhóm quyền, quy định theo hướng Nhà nước thừa nhận quyền con người và quy định rõ quyền công dân, đi đôi với nghĩa vụ.
Theo đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), để quy định chính xác, cần phân biệt về chế độ pháp lý giữa quyền con người và quyền công dân bởi trong nhà nước dân chủ, quyền con người và quyền công dân cơ bản giống nhau về nội dung và được nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ nhưng lại khác nhau về chế độ pháp lý.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, dự thảo đã không đề cập đầy đủ mối quan hệ quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong Hiến pháp 1992. Vì vậy, một số quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ như về học tập, lao động, bảo vệ, tôn trọng tài sản nhà nước... chưa đươc quy định rõ.
Làm rõ thêm địa vị pháp lý của Hội đồng Nhân dân
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu góp ý và ý kiến còn khác nhau là về địa vị pháp lý của Hội đồng Nhân dân, liên quan đến vấn đề thống nhất quyền lực nhà nước. Đại biểu Huỳnh nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị cần có thái độ rõ ràng trong Hiến pháp về mô hình chính quyền địa phương vì hiện nay trong dự thảo chưa có những sửa đổi căn bản thể hiện quan điểm Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương Đảng liên quan về kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước trong đó có chính quyền địa phương. Đó là đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định, tổ chức thực hiện chính sách trong phạm vi phân cấp; về mô hình tổ chức, thẩm quyền chính quyền đô thị nông thôn. Theo đại biểu, có như vậy mới làm sáng tỏ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân một cách rõ ràng, cụ thể hơn theonguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nhất trí với phương án 2, quy định: Hội đồng Nhân dân quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương theo phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương và cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất trong tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tán thành quy định Hội đồng Nhân dân là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương như Hiến pháp năm 1992. Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng không thể nói có quyền lực nhà nước ở địa phương thì phân tán quyền lực chung của nhà nước mà ngược lại thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân ở địa phương là điều kiện cho việc thống nhất và tập trung quyền lực chung của nhân dân cả nước, đảm bảo cho mỗi người dân và cộng đồng nhân dân ở địa phương thực hiện quyền lực nhà nước của mình theo chủ trương, quy định.
Cũng đồng tình với phương án này, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng đây là một chế định rất quan trọng để tiếp tục khẳng định quyền lực của nhân dân trong bộ máy chính quyền đồng thời đề nghị bổ sung chế định bỏ phiếu tín nhiệm đối với Ủy ban Nhân dân, những người do Hội đồng Nhân dân bầu thành chế định thường xuyên để giám sát có hiệu quả hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương xứng đáng vai trò, vị trí và quyền làm chủ của nhân dân.
Các nội dung về chế độ kinh tế; phát triển công nghệ; về bộ máy Nhà nước; cơ quan bảo vệ Hiến pháp; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp; về chính quyền địa phương... và hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc.
Các đại biểu nhấn mạnh sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng nên phải tiến hành chặt chẽ, khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các cơ quan, tổ chức.
Ngày 16/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về nội dung quan trọng này./.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp.
Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với các yêu cầu, quan điểm và phạm vi nội dung sửa đổi mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định, đồng thời góp ý cụ thể về các chương, điều trong dự thảo về các nội dung sửa đổi, bổ sung, quy định mới; các vấn đề đang còn ý kiến khác nhau; bố cục, thứ tự sắp xếp, ngôn ngữ thể hiện...
Khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đã làm rõ hơn hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đề xuất một số sửa đổi để thể hiện đầy đủ hơn bản chất của Đảng.
Đại biểu Doãn Thế Cường (Hưng Yên) đề nghị sửa lại đoạn thứ 2 trong Điều 4 dự thảo: Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những chủ trương, quyết định của mình.
Theo đại biểu, cũng cần nêu rõ: Các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật để thể hiện rõ ràng, đầy đủ hơn bản chất của Đảng, khẳng định rõ vị trí, vai trò của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Mặt khác, để đảm bảo sự tương đồng với Điều 8 của dự thảo, yêu cầu “Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.” Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đề nghị khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo “duy nhất” Nhà nước và xã hội trong quy định tại Điều 4.
Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bổ sung một số quyền mới phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người.
Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng dự thảo sửa đổi đã đề cập, bổ sung đầy đủ và tương đối chặt chẽ về các quyền con người như quyền sống, quyền học tập, quyền có nơi ở... Tuy nhiên, theo đại biểu, Hiến pháp cần quy định về một nội dung hết sức quan trọng được cử tri quan tâm chú ý là quyền được đảm bảo đất ở, đất sản xuất.
Đại biểu nhấn mạnh tính đặc biệt của tư liệu sản xuất này, là vấn đề mang tính nhạy cảm, ngày càng bộc lộ nhiều mâu thuẫn, nảy sinh nhiều va chạm khó giải quyết, thậm chí dai dẳng, gay gắt. Người dân không thể không có đất đai vì đó là là tài sản truyền kiếp, muôn đời, gắn với cuộc sống và cả cuộc đời của họ.
Đại biểu đề nghị cần coi đây là một trong những quyền cơ bản của con người, là mục tiêu thiết yếu của Hiến pháp, được tôn trọng như các quyền công dân khác và đảm bảo một cách bình đẳng là lợi ích chung của mọi công dân. Cần thiết có thiết chế về quyền sở hữu của công dân nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng các đạo luật và các chính sách đảm bảo thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự ổn định, hỗ trợ cho quyền sống của con người, góp phần phát triển đất nước.
Các đại biểu tán thành quan điểm tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), dự thảo đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo về bản chất dân chủ, về phạm vi và phương thức thực hiện dân chủ nhân dân, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của nhà nước, của cả hệ thống chính trị với các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Theo đại biểu, thể chế hóa các quan điểm này trong dự thảo là nhằm đảm bảo tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền tự do dân chủ của con người trên cơ sở nguyên tắc tất cả quyền quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và quyền lực nhà nước là thống nhất.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng cần nghiên cứu để diễn đạt thật sâu sắc, khẳng định tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ XHCN nhằm bảo vệ quyền con người, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân, khẳng định tôn trọng quyền con người gắn với quyền và lợi ích của dân tộc.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần tiếp tục làm sâu sắc thêm chủ trương phát huy dân chủ đồng thời khẳng định nền độc lập tự do của đất nước như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập đó không có nghĩa lý gì.”
Theo đại biểu, sửa đổi Hiến pháp không chỉ tiếp tục khẳng định nước ta là nước độc lập dân chủ có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ như tại Điều 1 mà cũng cần bổ sung khẳng định sự tự do của đất nước, thể hiện tự do dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ chính trị và của nhà nước Việt Nam.
Đại biểu cũng cho rằng, cần phân biệt rõ giữa 2 nhóm quyền, quy định theo hướng Nhà nước thừa nhận quyền con người và quy định rõ quyền công dân, đi đôi với nghĩa vụ.
Theo đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), để quy định chính xác, cần phân biệt về chế độ pháp lý giữa quyền con người và quyền công dân bởi trong nhà nước dân chủ, quyền con người và quyền công dân cơ bản giống nhau về nội dung và được nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ nhưng lại khác nhau về chế độ pháp lý.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, dự thảo đã không đề cập đầy đủ mối quan hệ quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong Hiến pháp 1992. Vì vậy, một số quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ như về học tập, lao động, bảo vệ, tôn trọng tài sản nhà nước... chưa đươc quy định rõ.
Làm rõ thêm địa vị pháp lý của Hội đồng Nhân dân
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu góp ý và ý kiến còn khác nhau là về địa vị pháp lý của Hội đồng Nhân dân, liên quan đến vấn đề thống nhất quyền lực nhà nước. Đại biểu Huỳnh nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị cần có thái độ rõ ràng trong Hiến pháp về mô hình chính quyền địa phương vì hiện nay trong dự thảo chưa có những sửa đổi căn bản thể hiện quan điểm Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương Đảng liên quan về kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước trong đó có chính quyền địa phương. Đó là đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định, tổ chức thực hiện chính sách trong phạm vi phân cấp; về mô hình tổ chức, thẩm quyền chính quyền đô thị nông thôn. Theo đại biểu, có như vậy mới làm sáng tỏ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân một cách rõ ràng, cụ thể hơn theonguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nhất trí với phương án 2, quy định: Hội đồng Nhân dân quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương theo phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương và cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất trong tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tán thành quy định Hội đồng Nhân dân là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương như Hiến pháp năm 1992. Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng không thể nói có quyền lực nhà nước ở địa phương thì phân tán quyền lực chung của nhà nước mà ngược lại thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân ở địa phương là điều kiện cho việc thống nhất và tập trung quyền lực chung của nhân dân cả nước, đảm bảo cho mỗi người dân và cộng đồng nhân dân ở địa phương thực hiện quyền lực nhà nước của mình theo chủ trương, quy định.
Cũng đồng tình với phương án này, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng đây là một chế định rất quan trọng để tiếp tục khẳng định quyền lực của nhân dân trong bộ máy chính quyền đồng thời đề nghị bổ sung chế định bỏ phiếu tín nhiệm đối với Ủy ban Nhân dân, những người do Hội đồng Nhân dân bầu thành chế định thường xuyên để giám sát có hiệu quả hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương xứng đáng vai trò, vị trí và quyền làm chủ của nhân dân.
Các nội dung về chế độ kinh tế; phát triển công nghệ; về bộ máy Nhà nước; cơ quan bảo vệ Hiến pháp; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp; về chính quyền địa phương... và hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc.
Các đại biểu nhấn mạnh sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng nên phải tiến hành chặt chẽ, khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các cơ quan, tổ chức.
Ngày 16/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về nội dung quan trọng này./.
Thanh Hòa (TTXVN)