Thảo luận 4 nhóm nội dung tại Hội nghị IPU về ứng phó biến đổi khí hậu

Hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ tập trung thảo luận bốn nhóm nội dung.
Thảo luận 4 nhóm nội dung tại Hội nghị IPU về ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 1Cánh đồng lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn ở tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: TTXVN)

Từ ngày 11-13/5, Hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Biến đổi khí hậu đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, nhất là đối với người nghèo, những đối tượng dễ tổn thương và đặc biệt là đối với phụ nữ. Việc nhận định rõ những thách thức này là hết sức cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững trong khu vực.

Hiện nay, Quốc hội các nước đang phát huy vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Thông qua hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách và thực hiện chức năng đại diện, Quốc hội sẽ đề xuất và bảo đảm việc thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững của quốc gia và khu vực.

Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh đã tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 vào năm 2015 với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động."

Những vấn đề then chốt của Tuyên bố Hà Nội đã được phản ánh trong các văn kiện quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư vào tháng 9/2015.

[Thúc đẩy hợp tác nghị viện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu]

Bên cạnh đó, trong năm 2016, IPU đã phối hợp với các Nghị viện thành viên tổ chức một số hội thảo chuyên đề triển khai việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) như Hội thảo khu vực về Nghị viện và việc thực hiện các SDGs tại Bucharest, Romania (18- 19/4/2016); Hội thảo liên khu vực về tăng cường năng lực nghị viện và thúc đẩy thực hiện các SDGs tại Bắc Kinh, Trung Quốc (18-20/9/2016); Hội thảo khu vực Mỹ Latinh và Caribe về vai trò của các Nghị viện trong việc đạt được các SDGs đồng thời giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong một quốc gia tại Panama (1- 2/12/2016) và dự kiến tổ chức Hội thảo khu vực Trung và Đông Âu, Trung Á về Nghị viện và việc thực hiện các SDGs tại Budapest, Hungary (23- 24/2/2017). IPU cũng phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Nghị viện hàng năm trong khuôn khổ Hội nghị Biến đổi khí hậu.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương do nước biển dâng. Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tham dự Hội nghị dự kiến có: Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury; Tổng Thư ký IPU Martin Chungong; Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Than; Chủ tịch Hạ nghị viện Philippinesn Alvarez Pantelon; Chủ tịch Quốc hội Timor Leste Aderito Hugo Da Costa; Tổng Thư ký Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) Isra Sunthornvut và hơn 200 đại biểu đến từ Quốc hội của 24 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng các đại diện của các tổ chức quốc tế... Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự và chủ trì hội nghị.

Trong 3 ngày làm việc, Hội nghị sẽ sẽ tập trung vào bốn nhóm nội dung, gồm: Thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững tập trung vào Mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; Thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Thảo luận về các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp và việc huy động các nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. Kết quả của Hội nghị sẽ được chuyển đến Đại hội đồng IPU, trong đó khuyến nghị các giải pháp và hành động của Quốc hội, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp hội nghị này, Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp với IPU tổ chức Lễ công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện do IPU cùng UNDP xây dựng; Lễ chuyển giao chức Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) giữa Quốc hội Fiji và Quốc hội Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng sẽ dành thời gian đi thăm thực địa rừng ngập mặn tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh để có thể tận mắt chứng kiến, có những trải nghiệm thực tế về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, cũng như chứng kiến sự tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân Việt Nam nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Để đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền, Văn phòng Quốc hội sẽ thành lập Trung tâm Báo chí tại Trung tâm Hội nghị GEM, Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tạo điều kiện cho phóng viên trong nước và quốc tế thông tin nhanh chóng, kịp thời về các hoạt động của hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục