Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, sáng 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp, trách nhiệm quản lý, lập và công bố danh sách người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thực hiện giám định...
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ, theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc nhằm phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng mà không mở rộng sửa đổi sang các nội dung khác của Luật.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi nhằm quy định cụ thể để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như: giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới…
Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng theo tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp và giám sát của Ủy ban Tư pháp thì vướng mắc chủ yếu hiện nay trong công tác giám định tư pháp là hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông-vận tải, tài nguyên và môi trường...
Tại một số địa phương có vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an, nguyên nhân chủ yếu do phối hợp chưa tốt giữa cơ quan điều tra, Trung tâm Pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh trong việc trưng cầu và tiếp nhận giám định.
Để khắc phục vướng mắc trên và phát huy hiệu quả đội ngũ nhân lực hiện có của hai ngành, Bộ Công an, Bộ Y tế cần hướng dẫn điều phối phù hợp việc trưng cầu và tiếp nhận giám định.
Đối với việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, hiện nay Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đang được tổng kết để nghiên cứu sửa đổi toàn diện, nên nội dung này sẽ được cân nhắc, xem xét sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ.
[Quốc hội bàn về quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định tư pháp]
Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định (Điều 25), nhiều ý đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó, người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện; đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan và cơ chế phối hợp để tránh sự đùn đẩy trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này vì khó có căn cứ xác định cơ quan, tổ chức nào là chủ trì vì mỗi cơ quan, tổ chức đều phụ trách giám định một lĩnh vực chuyên môn nhất định.
Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng trường hợp cùng một đối tượng giám định nhưng phải giám định nhiều nội dung khác nhau mà liên quan mật thiết với nhau thì bắt buộc phải có sự phối hợp của các cơ quan giám định.
Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua cho thấy, có nhiều vướng mắc do quan hệ phối hợp giữa các cơ quan được giao giám định, nên có tình trạng cơ quan này đợi cơ quan khác giám định xong mới tiến hành giám định, thậm chí còn đùn đẩy giữa các cơ quan, dẫn tới kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án.
Sự ra đời của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Qua tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho chỉnh lý khoản 4 Điều 25 của dự thảo Luật theo hướng: kế thừa và luật hóa những quy định của Thông tư 01 đang được thực hiện ổn định, hiệu quả.
Qua thảo luận, cơ bản các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tại Kỳ họp thứ 8.
Về thời hạn giám định, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định như trong dự thảo Luật là từ 3 đến 4 tháng; với những vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn thêm nhưng không được quá 1/2 thời hạn được quy định trong luật.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 11 quy định như sau: Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, giám định viên tư pháp phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nếu tính cả hai ngày cuối tuần thì phải sau 7 ngày giám định viên tư pháp mới thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định, sau đó người trưng cầu, người yêu cầu giám định mới có quyền quyết định tự trưng cầu giám định.
Theo Trưởng ban Dân nguyện, đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, nếu phải chờ đến 7 ngày là quá dài trong khi đây là những vụ việc đặc thù, chứng cứ không còn nữa. Trưởng ban Dân nguyện đề nghị cân nhắc về việc những vụ việc xâm hại trẻ em thì có nên rút ngắn thời hạn hay không.
Cân nhắc mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên
Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo là tán thành việc mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên.
Theo đó, ngoài hoạt động tại Tòa án nơi Hòa giải viên được bổ nhiệm, Hòa giải viên có thể hoạt động tại Tòa án khác nhưng phải trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án cấp tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định như vậy là giải pháp tối ưu, nhằm tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được Hòa giải viên mà họ tín nhiệm.
Đồng thời, với phạm vi hoạt động của Hòa giải viên trong một đơn vị cấp tỉnh, thì Tòa án vẫn có điều kiện đánh giá, giám sát chặt chẽ chất lượng Hòa giải viên và kịp thời đề nghị Chánh án có thẩm quyền miễn nhiệm những Hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc nên giữ lại như quy định của dự thảo Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó các bên được lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.
Theo quy định này thì phạm vi hoạt động của Hòa giải viên giới hạn trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án, bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ giữa Hòa giải viên với Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc, đề cao trách nhiệm quản lý của Tòa án đối với Hòa giải viên và tạo điều kiện cho Hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, dự thảo Luật không quy định việc Nhà nước thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự. Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, vì vậy trước mắt Nhà nước chưa nên thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án để khuyến khích người dân lựa chọn. Đa số các ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự với những lý do như Tờ trình của Tòa án Nhân dân.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc giữ quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với 3 trường hợp: pháp nhân, cá nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí liên quan đến phiên dịch tiếng nước ngoài.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên cần có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp sẽ do Chính phủ quy định chi tiết./.