Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, cần tăng cường hỗ trợ pháp lý; phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư; giảm thiểu rủi ro cho DN khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển."

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự và phát biểu chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết diễn đàn là cơ hội để cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp “cùng nhau lắng nghe;” cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Qua diễn đàn, Ban Tổ chức muốn truyền tải thông điệp thể chế, pháp luật phải phục vụ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các cơ quan Nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Doanh nghiệp cần đề cao tính tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc pháp quyền.

[Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp]

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm.

Việc cơ quan Nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Thủ tướng đánh giá trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này.

Riêng trong năm 2022, qua tổng kết, ngành tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản để từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản. Điều đó thể hiện rất lớn quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh vực của xã hội.

Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ảnh 2Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 do Bộ Tư pháp chủ trì, các chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hỗ trợ tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác này còn hạn chế.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, dưới tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhu cầu hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp vừa hoạt động tốt ở trong nước vừa cạnh tranh hiệu quả ở thị trường nước ngoài là rất lớn.

Do đó, yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn, từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự diễn đàn bàn sâu về môi trường thể chế, hành lang/khuôn khổ pháp lý, việc tiếp cận các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; nhận diện các vướng mắc, những vấn đề pháp lý đang là điểm nghẽn, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan…, từ đó đề xuất nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách, quy định hiện hành cho phù hợp với tình hình mới.

Diễn đàn cần đánh giá dự báo nhu cầu trợ giúp pháp lý của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, cũng như trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Phó Thủ tướng cho rằng để xác định đúng, trúng nhu cầu của doanh nghiệp, không chỉ ở hiện tại mà cả trong trung và dài hạn, cần có cả tiếng nói của các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý; đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của quá trình này.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, thiết thực và khả thi, có thể tập trung vào các nội dung như tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư; giảm thiểu rủi ro khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ việc phân tích thực trạng của công tác hỗ trợ pháp lý, đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, diễn đàn cần đề xuất, kiến nghị những bước đi, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng gợi ý Bộ Tư pháp nghiên cứu việc đưa diễn đàn thành sự kiện thường niên, với uy tín, chất lượng ngày càng được nâng cao và có sự tham gia ngày càng rộng rãi, thực sự trở thành kênh trao đổi hữu hiệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề liên quan đến pháp lý, đảm bảo sự hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải thực chất, hiệu quả, bền vững, gắn kết chặt chẽ với các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước dành cho doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp nêu tại diễn đàn để có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời; chủ động nhận diện, cảnh báo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc pháp lý, giúp doanh nghiệp kịp thời có biện pháp xử lý, bao gồm cả việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi, đa chiều giữa các diễn giả, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư xung quanh hai nhóm chủ đề lớn: “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý của doanh nghiệp” và “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh.”

Chủ đề, nội dung xuyên suốt của diễn đàn đã bám sát và phản ánh khá rõ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp gắn với bối cảnh kinh tế-xã hội trong năm 2022 cũng như trong thời gian tới.

Qua những ý kiến phản ánh, các bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, nắm bắt được một cách sâu sát tâm tư, nguyện vọng, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ.

Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc bảo đảm ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục