Tháo gỡ vướng mắc cho y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ giao Thủ trưởng các cơ sở y tế chịu trách phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán mua sắm đối với danh mục thuốc đấu thầu tại cơ sở.
Tháo gỡ vướng mắc cho y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Hà Nội ảnh 1Tiêm vacicne COVID-19 cho học sinh tại Trạm y tế phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Y tế cơ sở và y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng, tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng hai lĩnh vực này đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

Tại cuộc làm việc mới đây giữa Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị Quốc hội tiếp tục có cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực trên.

Nhiều nhân viên y tế xin thôi việc, chuyển công tác

Toàn ngành y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (gồm 579 trạm y tế, 4 nhà hộ sinh, 53 phòng khám đa khoa khu vực và các cơ sở điều trị Methadone), 13.903 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã nêu lên hàng loạt bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở. Cụ thể, một số văn bản đã hết thời gian thực hiện nhưng chưa có văn bản kịp thời thay thế như thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế xã theo quyết định 4667/QĐ-BYT giai đoạn đến năm 2020 đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mới; Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 về việc quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn có một số bất cập cần bổ sung, điều chỉnh kết cấu và nội dung để đảm bảo tính phù hợp trong việc triển khai thực hiện trong điều kiện tình hình hiện nay; cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, biên chế còn tồn tại, bất cập…

Qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị trong ngành, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2022, toàn ngành y tế có 1.032 nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc, chuyển công tác. Ngoài ra, tại tuyến y tế cơ sở có 498 nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc, chuyển công tác. Việc nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc đã ít nhiều ảnh hưởng đến dư luận xã hội và tâm lý của cán bộ y tế.

Bên cạnh đó, nhân lực y tế cơ sở được tuyển dụng đủ theo chỉ tiêu biên chế được giao nhưng cần nâng cao về chất lượng; tỷ lệ cán bộ y tế, nhất là bác sỹ tăng nhưng còn chậm, chưa theo kịp với tuyến thành phố; thiếu nhân lực trình độ chuyên môn cao và bác sỹ có trình độ sau đại học để phát triển kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu trong công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến còn những tồn tại dẫn đến khó khăn trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng, giữ chân nhân lực tại y tế cơ sở, nhất là nhân lực chuyên môn bác sỹ, dược sỹ, kỹ thuật y.

[Tăng phụ cấp ưu đãi với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở]

Mạng lưới y tế cơ sở tư nhân còn nhiều tồn tại trong hoạt động quản lý; các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập vẫn có vi phạm, cá biệt còn tồn tại tình trạng cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép.

Các đơn vị y tế cơ sở cơ bản tuyển dụng đủ số lượng nhân lực theo chỉ tiêu biên chế được thành phố giao nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Số lượng bác sỹ tại khối trung tâm y tế và trạm y tế chưa đảm bảo đủ các chuyên ngành, thiếu bác sỹ cơ hữu tại trạm y tế, số bác sỹ có trình độ chuyên môn sau đại học chưa nhiều.

Cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở hiện còn bất cập, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh theo quy định hiện hành chưa tính đủ các yếu tố cấu thành chi phí. Các đơn vị y tế cơ sở, y tế dự phòng đều thực hiện thu giá dịch vụ y tế theo các mức giá thu chưa được tính đủ yếu tố chi phí. Do đó nguồn thu của các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tự chủ chi hoạt động thường xuyên.

Tháo gỡ vướng mắc cho y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Hà Nội ảnh 2Trạm Y tế lưu động phường Bồ Đề- Long Biên. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Đối với lĩnh vực y tế dự phòng, cán bộ làm công tác y tế dự phòng tại tuyến cơ sở chính là cán bộ của các Trung tâm Y tế, đơn vị có nguồn thu thấp, chế độ đãi ngộ hạn chế, khó thu hút nhân lực chất lượng cao. Khi dịch bệnh xảy ra, mức thu nhập không tương xứng với công sức nhân viên y tế đã bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ. Nguồn thu của các đơn vị công lập bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế bị giảm so với những năm trước.

Bên cạnh đó, sau đại dịch, khu vực y tế tư nhân có xu hướng hoạt động mạnh trở lại với các chính sách tuyển dụng và thu nhập hấp dẫn, môi trường làm việc ít áp lực hơn do cán bộ y tế tại cơ sở tư nhân thường không phải thực hiện nhiệm vụ quản lý mà chỉ làm công tác chuyên môn thuần túy. Do đó, nguồn nhân lực cũng chảy sang khu vực tư nhân nhiều hơn.

Tháo gỡ vướng mắc

Liên quan đến tồn tại, bất cập trong hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng, huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, trong đó bổ sung các quy định về đấu thầu hóa chất theo máy; sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007, trong đó sửa đổi các quy định về dịch bệnh nhóm A phù hợp tình hình thực tiễn.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu theo hướng: giao Thủ trưởng các cơ sở y tế chịu trách phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán mua sắm đối với danh mục thuốc đấu thầu tại cơ sở.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó bổ sung các hình thức máy mượn, máy đặt; sửa đổi bổ sung các quy định về xác lập sở hữu toàn dân, cụ thể quy định xử lý các tài sản tài trợ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong các trường hợp như không có hợp đồng cho tặng theo quy định; bên cho tặng không cung cấp giá trị tài sản cho tặng; hướng dẫn cách xác định giá trị tài sản cho tặng theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó, đề nghị bãi bỏ nội dung xác định và thanh toán theo tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, trong đó, sửa đổi khoản 4 Điều 35 theo hướng bỏ quy định giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước hàng năm cho các đơn vị y tế dự phòng…

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện quy định về đấu thầu thuốc cần cụ thể, rõ ràng để cơ sở y tế có thể hiểu và thực hiện thống nhất, không đẩy trách nhiệm về cho các cơ sở đối với một số nội dung còn vướng mắc để thực hiện.

Quy định rõ trách nhiệm, thời hạn của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện đối với từng nội dung liên quan (bao gồm cả các cơ quan của Bộ Y tế).

Tháo gỡ vướng mắc cho y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Hà Nội ảnh 3Điều trị bệnh nhân nhiễm cúm A tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đối với cơ chế dự trữ quốc gia, trong một số tình huống dịch bệnh khẩn cấp cần mua sắm một số lượng lớn trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc trong khoảng thời gian rất ngắn. Do vậy cần xây dựng nguồn dự trữ quốc gia để cấp phát cho các địa phương một cách kịp thời. Sau khi hết dịch, trang thiết bị có thể được thu hồi hoặc điều tiết trong hệ thống y tế toàn quốc, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Về mua sắm thiết bị, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi bổ sung Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế về việc quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, trong đó cần phải xây dựng và quy định đầy đủ danh mục chung, có kiểm soát chặt chẽ biến động giá kê khai, giá trúng thầu của các đơn vị; cần quy định khi kê khai hoặc công khai giá trúng thầu phải đầy đủ thông tin (cấu hình cụ thể, giá trúng thầu) và có kiểm soát về thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế đối với hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế.

Ngoài ra, thành phố kiến nghị Bộ Y tế cần phải quy định cụ thể việc xác định giá gói thầu đối với hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị có dải giá trúng thầu rộng (cần quy định cụ thể tham khảo giá thấp nhất, trung bình hay cao nhất khi có nhiều giá trúng thầu công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, mạng đấu thầu quốc gia); cần có quy định cụ thể trong việc không thu thập được đủ 3 báo giá...

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản khác thay thế Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế ban hành về Quy chế bệnh viện ra đời đã quá lâu, nhiều nội dung không còn phụ hợp; tuyến y tế cơ sở làm công tác y tế dự phòng là chính không có nguồn thu nên đề nghị có cơ chế chính sách hạn chế cắt giảm biên chế.

Về chế độ chính sách cho nhân viên y tế cần có chính sách đãi ngộ hợp lý; chính sách thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là cán bộ giỏi về công tác tại các bệnh viện huyện, trung tâm y tế để hạn chế tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế. Sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung tăng phụ cấp nghề cho cán bộ y tế tuyến cơ sở; cho phép các bác sỹ được thực hành chuyên môn khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở với chuyên khoa phù hợp, tạo điều kiện thu hút bác sỹ về công tác tại tuyến y tế cơ sở...

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn về việc giải thể, xử lý tài sản khi giải thể của các trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận, quản lý tài sản là công cụ, dụng cụ, vật tư tiêu hao dùng một lần trong y tế; việc xử lý tài sản là vật tư y tế hết hạn sử dụng và những trang thiết bị y tế sau khi tiếp nhận đưa vào sử dụng không đáp ứng về yêu cầu chuyên môn.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian qua của thành phố Hà Nội.

Đối với những khó khăn, hạn chế, thiếu sót trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, thành phố khắc phục ngay tồn tại, không đợi có kết quả, Nghị quyết giám sát mới thực hiện.

Những kết quả, bài học kinh nghiệm, kiến nghị của thành phố là những thông tin quan trọng để Đoàn giám sát xem xét, đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để có giải pháp tháo gỡ thời gian tới, đặc biệt những tồn tại trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm; vấn đề hậu cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục