Tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng đặc khu Bắc Vân Phong

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, làm rõ nhu cầu quy mô tổ chức của đặc khu Vân Phong để Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về Đề án xây dựng Khu Kinh tế-Hành chính Bắc Vân Phong. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Ngày 11/3, tại thành phố Nha Trang, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về Đề án xây dựng Khu linh tế-hành chính Bắc Vân Phong và xây dựng Dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Đây là bước triển khai thực hiện một phần nội dung của Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 5/12/2016 của Chính phủ, liên quan đến việc Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cho Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).

Đặc khu hành chính-kinh tế Bắc Vân Phong được quy hoạch xây dựng tại khu vực phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong hiện nay, với diện tích dự kiến khoảng 66.000ha.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang và Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các Đề án đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, nhấn mạnh khu hành chính-kinh tế đặc biệt là do Quốc hội thành lập, trực thuộc Trung ương. Để Nhà nước kịp thời ban hành các chính sách, đầu tư nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc nhằm thúc đẩy hình thành, phát triển các đặc khu nói chung và Đặc khu hành chính-kinh tế Bắc Vân Phong nói riêng, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nhu cầu quy mô tổ chức hành chính nhà nước, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị để đáp ứng bộ máy quản lý, phù hợp với các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế theo định hướng phát triển tại đây.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện thêm các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy thế mạnh riêng và phù hợp với mô hình đặc khu Bắc Vân Phong theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đề xuất về mục tiêu phát triển, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dan tỉnh Khánh Hòa cho rằng Đặc khu hành chính-kinh tế Bắc Vân Phong cần xây dựng và phát triển để trở thành trung tâm cảng biển quốc tế, trung tâm tài chính quốc tế; trung tâm dịch vụ-du lịch hiện đại có casino, dịch vụ y tế, giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển công nghệ cao và chuyển giao công nghệ ngang tầm thế giới.

Ông Lê Đức Vinh cùng đề xuất phương án xây dựng mô hình Luật chung cho cả 3 đơn vị Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong; kết hợp quy định một số nội dung, cơ chế, chính sách cho từng đơn vị như phương án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Bên cạnh đó, việc xây dựng Dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cần đưa vào kế hoạch xây dựng luật năm 2017 và trình Quốc hội thông qua vào năm 2018.

Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập năm 2006, có tổng diện tích 150.000ha, bao gồm 70.000ha mặt đất và 80.000ha mặt nước, thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với quy hoạch cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo.

Đến nay, khu kinh tế này đã thu hút được 145 dự án đầu tư, có tổng số vốn đăng ký 1,47 tỷ USD; trong đó có 79 dự án đi vào hoạt động với số vốn thực hiện đạt 600 triệu USD. Ngoài ra, hiện nay một số dự án có quy mô lớn, mang tính động lực, đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 6,8 tỷ USD, gồm nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2 tỷ USD) của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (4,8 tỷ USD), được liên doanh giữa Petrolimex (Việt Nam) và Nippon Oil Energy (Nhật Bản)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục