Tỉnh Sóc Trăng có 5 mỏ cát trong quy hoạch được cấp phép mới với tổng diện tích hơn 450 ha, trữ lượng hơn 11 triệu m3.
Các mỏ cát này nằm trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng lập hồ sơ, thủ tục bàn giao cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để thi công dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
Hiện nay, các nhà thầu đã triển khai khai thác 3 mỏ cát là mỏ MS01, MS03, riêng mỏ MS05 đã được khởi công khai thác nhưng lượng cát ít, nhà thầu đang kiến nghị xin khai thác cát biển. Các mỏ còn lại và 2 mỏ đã được cấp phép khai thác từ nhiều năm trước nay xin gia hạn cũng đang được tỉnh xem xét để thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan.
Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đã đưa vào khai thác 1 mỏ cát biển ở khu vực B1.1 và đang xem xét để sớm đưa vào khai thác mỏ B1.2 cách cửa biển Trần Đề của Sóc Trăng hơn 20km.
Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, thời gian gần đây, sau khi đưa vào khai thác một số mỏ cát sông, cát biển, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trong kiểm tra, giám sát khai thác cát.
Tỉnh lập 2 tổ giám sát khai thác nguồn cát sông và cát biển để tránh thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, làm sao nguồn cát trên địa bàn tỉnh phải được sử dụng đúng mục đích phục vụ các công trình trọng điểm và dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.
Trong chuyến khảo sát các mỏ khai thác cát sông và cát biển ngày 23/9, Chủ tịch Trần Văn Lâu đề nghị các đơn vị khai thác mỏ cát trên sông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường các phương tiện hút cát và tàu vận chuyển cát đến cao tốc. Đồng thời, các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển phải có đăng ký, đăng kiểm, có thiết bị giám sát đầy đủ, nhằm góp phần đảm bảo việc khai thác cát đúng theo trữ lượng giấy phép đã được cấp.
Đối với tàu vận chuyển và tàu hút cát biển phải lắp định vị để tổ công tác liên ngành về khai thác cát biển của tỉnh theo dõi được hành trình quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát biển và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện việc khai thác cát biển khá thuận lợi với nguồn cát dồi dào, trữ lượng lớn, tuy nhiên nguồn khai thác cát trên sông không thuận lợi như cát biển. Tại các mỏ khai thác trên sông Hậu, một mỏ khai thác không có cát nên tạm dừng, một mỏ khác thì sau khi đưa vào khai thác, người dân lo ngại sạt lở đã “gây khó dễ” nên lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền phải vào cuộc ổn định trật tự.
Cũng lo ngại sạt lở lấn sâu vào khu vực dân cư, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân nên tỉnh Sóc Trăng đã không gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác một số mỏ cát trên sông Hậu.
Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc tỉnh Sóc Trăng không gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác một số mỏ cát trên sông Hậu đoạn thuộc địa phận Sóc Trăng do lo ngại sạt lở lấn sâu vào khu vực dân cư và không đủ điều kiện theo quy định đã khiến một số doanh nghiệp bức xúc.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, do chịu tác động của biến đổi khí hậu, mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao nên đã gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều đoạn bờ sông, bờ biển ở Sóc Trăng.
Tình hình sạt lở lấn sâu vào khu vực đông dân cư, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực nên tỉnh rất cân nhắc trước khi gia hạn hay cấp lại giấy phép.
Trước đó, từ năm 2012, Sóc Trăng đã cấp phép khai thác 4 mỏ cát cho các doanh nghiệp, thời hạn khai thác 5 năm. Hết thời hạn này, các doanh nghiệp làm đơn xin gia hạn và cấp lại giấy phép khai thác cát.
Sau khi xem xét, tỉnh đã gia hạn khai thác 2 mỏ cát với trữ lượng khoảng 5,3 triệu m3; một doanh nghiệp xin gia hạn 2 mỏ thuộc khu vực xã Song Phụng, huyện Long Phú và xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung không được chấp thuận.
Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, nhu cầu cát san lấp để thi công các công trình giao thông trọng điểm ở Sóc Trăng thời gian qua rất cao. Tuy nhiên, việc gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác cát trên sông Hậu cần đảm bảo đủ các điều kiện.
Trong khi đó, hồ sơ đề nghị gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác cát mới của doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện theo quy định nên các cơ quan chức năng của tỉnh đã có văn bản kết thúc việc giải quyết và trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng khó khăn nguồn cát phục vụ san lấp mặt bằng các công trình trọng điểm và dự án cao tốc trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các đơn vị chủ đầu tư đã có một số kiến nghị đề xuất đến các cấp ngành để tháo gỡ.
Theo ông Thạch Minh Hoài, Giám đốc Ban quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, đơn vị đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh thủ tục điều chuyển cát nhiễm mặn từ mỏ B1.1 và B1.2 về cho Dự án thành phần 4, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng); đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ cát biển từ mỏ B1.3 cho nhà thầu Tổng công ty Xây dựng số 1 trong thời gian sớm nhất; Nghiên cứu tham mưu nâng công suất khai thác mỏ MS01 từ 1.093 m3/ngày lên 1.600 m3/ngày, đảm bảo cung cấp toàn bộ khối lượng 1,18 triệu m3 của mỏ này cho dự án cao tốc đến tháng 6/2025.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đẩy nhanh thủ tục cấp phép mỏ cát sông MS12 và các mỏ còn lại để cung cấp cát cho dự án trước ngày 30/9/2024; điều chỉnh giấy phép khai thác các mỏ cát, khối lượng khai thác tính theo tháng để khai thác tối đa công suất các mỏ.
Trong trường hợp các mỏ cát trong tỉnh không cung cấp đủ 6,6 triệu m3 cát cho dự án trước 30/6/2025 (khối lượng cung cấp hằng ngày cho dự án phải đảm bảo 22.000 m3 trở lên), Ban quản lý Dự án 2 đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án, giải pháp cung ứng vật liệu phù hợp để đảm bảo tiến độ dự án.
Đối với các địa phương cần tăng cường vận động, thuyết phục các hộ dân còn lại sớm bàn giao mặt bằng cho dự án, đặc biệt là các hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài ra đề nghị các địa phương quản lý ranh giới đã giải phóng mặt bằng, đề phòng các hộ dân tái lấn chiếm.
Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý Dự án 2, tỉnh Sóc Trăng, đơn vị chủ đầu tư, Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 11.961 tỷ đồng. Kế hoạch vốn năm 2024 là 2.463,4 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách trung ương là 2.121 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 342,39 tỷ đồng. Đến giữa tháng 9, Ban Quản lý Dự án 2 của tỉnh đã giải ngân được 900/2.463,4 tỷ đồng, đạt 36.5% kế hoạch.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo, các nhà thầu đơn vị thi công và chủ đầu tư phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thi công, đến cuối năm 2024, ít nhất giải ngân đạt 95% kế hoạch trong dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng./.
Khảo sát các mỏ cát phục vụ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng
Đoàn khảo sát của tỉnh Sóc Trăng đã đến trực tiếp tại mỏ cát MS 11 (trên sông Hậu) thuộc huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung, có diện tích khoảng 73,6ha với trữ lượng khoảng 2,1 triệu m3.