Tháo gỡ khó khăn về chính sách để DN vượt qua tác động do dịch

Để khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn như Chính sách hỗ trợ tín dụng, miễn giảm lãi suất với quy mô 250.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Với sự tài trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 18/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua tác động do dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu từ cuối tháng 1/2020 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Để khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách hỗ trợ tín dụng, miễn giảm lãi suất với quy mô 250.000 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180.000 tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. Tuy nhiên, việc tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách này vẫn còn là một khó khăn lớn đối với đa phần các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đối thoại sẽ là diễn đàn trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền địa phương với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận với các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVD-19.

[Doanh nghiệp Việt cần hỗ trợ những gì để giữ nhịp tăng trưởng?]

Chia sẻ kinh nghiệm đã thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19. Qua đó tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trong trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc và các tỉnh thành khu vực phía Bắc.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCC), hiện nay 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 và bị ảnh hưởng ở hầu hết các ngành nghề. Các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh so với các vùng khác.

Dịch bệnh khiến các doanh nghiệp gặp trở ngại nhất ở các vấn đề như tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn quản trị lao động. Đã có 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã từng cho lao động nghỉ việc do tình hình kinh doanh suy giảm. Khoảng 65% doanh nghiệp tư nhân có doanh thu năm 2020 bị giảm so với năm 2019, con số này ở doanh nghiệp FDI là 62% doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận. Hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Thị Hồng Thủy phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên có dịch COVID-19, trong khi đó, hệ thống các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lại ra sau và có hiệu lực sau khi tỉnh Vĩnh Phúc hết dịch. Do vậy, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khó tiếp cận chính sách hơn các doanh nghiệp ở địa phương khác.

Kiến nghị tại đối thoại, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết bên cạnh các chính sách về tháo gỡ khó khăn thì hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc nhất liên quan đến Luật Đất đai. Nhiều dự án vướng mắc về giải quyết mặt bằng khiến các doanh nghiệp không thể triển khai. Các quy hoạch đất đai hiện nay đang mang tính chất quy hoạch chi tiết mà không phải quy hoạch tổng thể nên gây khó khăn cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào dự án tương lai.

Bà Vũ Thị An, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Thuế C&A cho rằng các chính sách về thuế của Nhà nước tuy đã kịp thời và nhanh nhạy nhưng vẫn còn khiêm tốn. Bởi chủ yếu chỉ “giãn,” chứ giảm rất ít, khiêm tốn và chỉ kéo dài đến hết năm 2020.

Hiện nay, không chỉ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn mà các doanh nghiệp lớn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà An, các chính sách hỗ trợ về thuế cần kéo dài thời gian hơn và phù hợp với từng đối tượng. Cùng với đó, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ nâng cấp công nghệ thông tin; giảm các văn bản, thủ tục hành chính; hạn chế thanh kiểm tra doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn và tốt hơn.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết các kiến nghị, đóng góp tại đối thoại về các giải pháp tăng cường hiệu quả quá trình thực thi các chính sách đã ban hành để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ thực sự “hỗ trợ” được doanh nghiệp Việt Nam bước qua giai đoạn khó khăn này, tiếp tục thúc đẩy tinh thần kinh doanh Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục