Tháo gỡ khó khăn và vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết đến nay, về cơ bản các dự án BOT đã khai thác, thu phí ổn định, còn lại 6 dự án có trạm thu phí còn vướng mắc.

Biển báo giao thông đã lắp đặt hoàn thiện trên tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Biển báo giao thông đã lắp đặt hoàn thiện trên tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ngày 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết đến nay, về cơ bản các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đã khai thác, thu phí ổn định, còn lại 6 dự án có trạm thu phí còn vướng mắc gồm: 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án (trạm Bắc Thăng Long-Nội Bài, trạm Bỉm Sơn và cơ chế thu phí trên tuyến La Sơn-Túy Loan), 2 dự án có trạm thu phí thuộc phạm vi dự án nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nên chưa thu phí (trạm Quốc lộ 3, trạm T2 trên Quốc lộ 91) và 1 dự án đã đầu tư nhưng do quy hoạch thay đổi nên không thể thu phí (thu phí cảng đường thủy hoàn vốn cầu đường sắt Bình Lợi).

Tương tự các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, giai đoạn trước đây một số dự án BOT của địa phương cũng phát sinh những bất cập về trạm thu phí; có 5 dự án của 4 địa phương đã và đang chủ động xử lý bất cập theo phương án bố trí ngân sách địa phương để thanh toán, chấm dứt hợp đồng; 2 dự án BOT của 2 địa phương có trạm thu phí bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, địa phương đã báo cáo và đề xuất cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để xử lý. Như vậy, trong tổng số 140 dự án BOT, đến nay cả nước có 8 dự án có trạm thu phí còn vướng mắc cần xử lý.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết thực hiện Thông báo kết luận số 428/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ đã trực tiếp trao đổi với các bên liên quan (nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng...) để có giải pháp giải quyết theo hướng cùng nhau khắc phục tồn tại, bất cập, giảm tối đa thiệt hại và theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ."

Nguyên nhân khách quan dẫn đến vướng mắc là do hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) còn hạn chế, bất cập; quy định về trạm thu phí và chính sách phí chưa chặt chẽ; không quy định việc tham vấn các đối tượng bị ảnh hưởng, chưa có chính sách chia sẻ rủi ro. Việc cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu chỉ phù hợp với hình thức thu phí lượt nên khó bảo đảm công bằng tuyệt đối cho người sử dụng; việc chuyển đổi thói quen sử dụng miễn phí sang thu phí rất khó nhận được sự đồng thuận cao.

Các dự án BOT giao thông thường có thời gian hợp đồng kéo dài, trong khi quy hoạch trước đây chưa có định hướng dài hạn và thường xuyên thay đổi, các chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội có nhiều biến động, công tác dự báo nhu cầu vận tải chưa được hướng dẫn kịp thời...

ttxvn_BOT giao thong1.jpg
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đoạn qua tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng để giải quyết những vướng mắc của các dự án BOT giao thông, cần có cách xử lý khoa học theo yêu cầu của pháp luật; bên cạnh đó, bổ sung tài liệu của các cơ quan để có những đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học toàn bộ các dự án không chỉ do Bộ Giao thông Vận tải quản lý mà còn cả địa phương quản lý. Từ đó, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các bên.

"Tất cả các hợp đồng BOT đều quy định trách nhiệm giữa các bên liên quan và có những điều khoản cam kết phải thực hiện," Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, các dự án còn đang dư nợ chiếm tỷ trọng rất lớn, chậm so với yêu cầu đặt ra. Đánh giá nguyên nhân tồn tại, không nhất quán dẫn đến thất thu của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án; xác định nguyên nhân, trách nhiệm từ đâu, khắc phục từ đó. "Nếu không tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT, sẽ khó thu hút đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội theo hình thức PPP,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải bám sát nội dung Thông báo kết luận số 428/TB-VPCP, khẩn trương hoàn thiện báo cáo làm rõ nguyên nhân khó khăn, vướng mắc của 8 dự án BOT nói trên, cũng như của các dự án BOT giao thông triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được ban hành, có hiệu lực. Trong đó, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, quá trình thay đổi, hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật trong từng thời kỳ về PPP, trách nhiệm của các bên liên quan…

Những vấn đề đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương giải quyết theo thẩm quyền, trách nhiệm. Những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trình theo quy định.

Các giải pháp đề xuất phải theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm chặt chẽ và minh bạch, không để xảy ra tình trạng lạm dụng chính để trục lợi hoặc thoái thác trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên đối với hợp đồng dự án đã ký kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục