Tháo gỡ khó khăn cho ''thủ phủ'' nuôi lợn lớn nhất miền Bắc

Sau khi giá thịt lợn hơi rớt giá chạm sàn vào thời điểm tháng 4/2017 cho đến nay, hàng nghìn chuồng trại nuôi lợn tại tỉnh Hà Nam đã phải đang bỏ hoang vì người nuôi thua lỗ.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sau khi giá thịt lợn hơi rớt giá chạm sàn vào thời điểm tháng 4/2017 cho đến nay, hàng nghìn chuồng trại nuôi lợn tại tỉnh Hà Nam, nơi được mệnh danh là "thủ phủ" nuôi lợn của miền Bắc, đã phải đang bỏ hoang vì người nuôi thua lỗ, nhiều gia đình cạn kiệt nguồn vốn, lâm vào cảnh nợ nần.

Quay trở lại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vào những ngày này, thay vì chứng kiến cảnh tập nập của các thương lái đến mua lợn như trước đây thì nay vùng quê này trở lên vắng vẻ hơn nhiều. Ngoài việc có khá nhiều chuồng trại nuôi lợn tiêu điều bỏ hoang, một số chuồng trại chăn nuôi lợn trước đây đã bị phá bỏ để trồng trọt.

Được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, có thời điểm, xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục có tổng đàn lợn lên tới khoảng 80.000-90.000 con. Nhưng nay số lợn đã giảm khoảng 70%, chỉ còn xấp xỉ gần 20.000 con.

Mặc dù gần chợ đầu mối gia súc gia cầm tỉnh Hà Nam, đầu ra thuận lợi hơn các địa phương khác nhưng người dân nuôi lợn xã Ngọc Lũ và các xã lận cận khác đến nay vẫn chưa dám tái đàn sau đợt khủng hoảng giá lợn năm ngoái.

Bên cạnh đó, hiện giá lợn hơi vẫn chưa thực sự mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi như trước đây thì nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn cũng là những lý do khiến bà con chưa dám tái đàn.

[Người chăn nuôi e ngại tái đàn dù giá lợn có xu hướng tăng nhẹ]

Còn tại chợ đầu mối gia súc-gia cầm Hà Nam, trước thời điểm giá lợn hơi giảm đáy chạm sàn vào tháng 4/2017, ở đây mỗi ngày có đến 1.800-2.000 con lợn được các lái thương giao dịch rồi từ đây phân phối đi thành phố Hà Nội và toàn miền Bắc.

Song, hiện nay theo ban quản lý chợ đầu mối gia súc-gia cầm Hà Nam, số lượng lợn giao dịch tại chợ đã giảm xuống mỗi ngày chỉ còn 600-700 đầu lợn được giao dịch, tức đã giảm 2/3 so với trước kia.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, trước thời điểm bão giá, toàn tỉnh có khoảng 700.000 con lợn nhưng hiện chỉ còn xấp xỉ khoảng 400.000 con. Đa số hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh Hà Nam đều sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp và cho ăn thẳng nên việc duy trì vốn để mua cám cho đàn lợn hiện tại của các hộ dân là rất khó.

Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi lợn ở thời điểm này cần bình tĩnh, tìm giải pháp về nguồn thức ăn để duy trì đàn lợn đang nuôi. Tránh tình trạng người nuôi bỏ dài không cho lợn ăn gây dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa phương, khuyến khích, kích cầu người tiêu dùng tiêu thụ lợn ngay trong nội địa.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Nguyễn Quốc Đạt cho biết, những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh. Bà con tập trung vay lãi ngân hàng để phát triển chăn nuôi lợn nhưng việc xuống giá như vừa qua đã bị ảnh hưởng đầu ra của các hộ chăn nuôi.

Ngành nông nghiệp đã báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, có hình thức hỗ trợ tiền lãi xuất vốn vay cho các hộ nuôi lợn, đồng thời làm việc với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi về vấn đề giảm giá thức ăn chăn nuôi.

Đáng mừng là hiện Công ty Masan đã chính thức khởi công dự án Tổ hợp Chế biến thịt tại tỉnh Hà Nam. Nhà máy chế biến thịt lợn có công suất 1,4 triệu con mỗi năm tại khu công nghiệp Đồng Văn 4 và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 11 tới bắt đầu tiếp nhận thịt lợn của người dân vào chế biến.

Dự kiến đến cuối năm 2018, công ty Masan sẽ cho ra mắt sản phẩm thịt mát, tập trung vào thị trường trong nước với sức mua lớn sẽ tháo gỡ nỗi lo đầu ra cho đàn lợn tại Hà Nam và một số tỉnh lân cận.

Ngoài ra, Masan sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh để quy hoạch chi tiết vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và xây dựng một số mô hình chăn nuôi tập trung cho ra thịt sạch đảm bảo cung cấp đủ nguồn chế biến nhằm hướng tới xuất khẩu thịt đông lạnh trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục